Bởi khu chợ truyền thống với những phiên chợ trong tuổi thơ của người Kẻ Mơ và người dân Thủ đô, nay được đưa xuống hoạt động dưới lòng đất, một vị trí đặc biệt nhưng đã tạo nên sự kết hợp độc đáo giữa truyền thống và nét hiện đại theo thời gian.
Giữa ngã tư phố Bạch Mai và Minh Khai, tấm biển chỉ dẫn lối vào chợ Mơ thu hút sự chú ý của bộ hành. Không còn đơn thuần là chợ phiên dân dã, giờ đây, người ta thấy cả một khu trung tâm thương mại, gọi là trung tâm thương mại chợ Mơ.
Sự thay đổi này của chợ Mơ khiến nhiều người cảm thấy lạ lẫm, và còn lạ hơn bởi trải nghiệm đi chợ Mơ truyền thống giờ đây đưa bộ hành đến với trải nghiệm đi chợ “dưới lòng đất”.
Do nằm ở vị trí đặc biệt, nên dù được phục hồi và đi vào hoạt động từ cách đây đã lâu, song không phải ai cũng biết chợ Mơ truyền thống nay lại nằm khuất dưới lòng đất. Khách lạ khó tìm đến, nhưng nơi đây vẫn là điểm hẹn thân thuộc với nhiều người dân xung quanh, vốn đã quen với nếp đi chợ hàng ngày:
"Thấy thích hơn vì mặt hàng phong phú, đi lại cũng thuận lợi mà nó rộng ấy. Mặt hàng nhiều, các tiểu thương cũng niềm nở, không nói thách nhiều đâu, dễ mua. Nhà cô ở gần đây mà. Cô ra mua liên tục, người ta thân thiện lắm. Đây hôm qua mới mua đôi giày, bây giờ ra đổi người ta cũng nhiệt tình lắm. Nói chung ở đây bán rẻ hơn chợ trên phố".
Khu chợ dưới lòng đất dường như cũng có nhịp sinh hoạt rất riêng. Chợ dưới lòng đất như mê cung rộng lớn, cứ đi hết gian này lại tới gian khác, sâu hun hút, đi mãi mà chẳng thấy điểm dừng. Sáng sớm, các bà các mẹ đã xuống chợ mua đồ rất đông, không chỉ là mua thực phẩm trong ngày mà tiện thì tranh thủ xem thêm những mặt hàng quen thuộc khác như quần áo, vải vóc, đồ khô, bánh kẹo…
Tưởng chừng chỉ có khách trung tuổi ghé chợ, song chỉ cần bộ hành nán lại thêm đôi chút, tới giờ nghỉ trưa sẽ thấy choáng ngợp bởi lượng khách đến các gian ẩm thực dưới lòng đất này. Cơm, bún, phở, bánh… không thiếu thứ gì.
Từ người lớn tuổi đến dân văn phòng, sinh viên đủ cả, vốn nơi đây là địa chỉ rất quen thuộc với họ, nên chẳng cần đi đâu xa đã có một bữa trưa tiện lợi, tiếp thêm năng lượng cho cả ngày làm việc và học tập.
Người bán hàng ở đây đa phần gắn bó với chợ Mơ từ khi chợ còn là chợ phiên trên mặt đất. Ngót nghét đã gần 30 năm bán hàng ở chợ Mơ này, ông Nguyễn Hồng Tuất bồi hồi nhớ lại những ngày chợ được sửa sang, phục hồi về vị trí mới, đặc biệt hơn như hiện nay:
"2008 ra chợ Kim Ngưu, 2014 bắt đầu quay về chợ mới. Tốt hơn ngày xưa, trước là chợ truyền thống thì nó lụp xụp, luộm thuộm nhưng mà xã hội thay đổi thì mình thay đổi theo thôi. Làm thế là tốt, sạch sẽ, xuống đây mùa đông thì ấm, mùa hè thì rất là mát mà không bị bụi bặm. Không những tôi mà tất cả các hộ kinh doanh ở đây đều rất là thích. Đông hơn, bây giờ bắt đầu đang đông dần. Bác bán ở đây nếu mà tính cả chợ cũ đến lúc ra Kim Ngưu về đây là gần 30 năm rồi".
Thỉnh thoảng, bên tai là tiếng gọi của những vị khách ghé ăn quà ở chợ Mơ, ngồi ở hàng nước bên này mà gọi thêm đĩa bánh bột lọc từ hàng bánh bên kia, người chủ lại niềm nở nhiệt tình mang qua cho khách như một thói quen đã lâu. Đôi điều nhỏ bé như vậy có những khi làm nên cái nhịp sinh hoạt, cái không khí rất riêng mà chỉ ở đây mới có.
Những ngày trời trở rét, khu chợ nằm ở vị trí đặc biệt này lại là nơi để người ta vội tránh mấy cơn gió đông. Tranh thủ đi dạo ngắm nghía mua đồ, hay ăn thêm bát bánh đúc nóng ở gian hàng quen thuộc khi bỗng thèm hương vị của thức quà vặt ấm. Một ngày bình thường bên những thói quen bình thường và giản dị lại khiến ta thấy bình yên quá đỗi.
Văn hoá chợ xưa không hề bị mai một, nay có sự giao thoa, hoà quyện với những giá trị hiện đại trong một không gian hoàn toàn mới. Chợ Mơ trăm tuổi vẫn mang sức sống và hơi thở riêng biệt, để có những ngày ghé qua đây, bộ hành lại chợt tìm thấy những ký ức đơn sơ, mộc mạc về hình ảnh chợ truyền thống trong tuổi thơ ngày nào.