Không có vé, ô tô bạc tỷ được trông giữ bằng… niềm tin

Cầu vượt cung dẫn tới sự xuất hiện rất nhiều các bãi đỗ xe tự phát, bên cạnh các bãi đỗ xe được cấp phép. Có một điểm chung ở hầu hết các bãi gửi xe ô tô, đó là sự biến mất của những tấm vé. Giao kết nhận trông xe và gửi xe chỉ được thực hiện bằng miệng và niềm tin.

Phóng viên có cuộc trao đổi với anh Trần Văn Thắng, một người đang gửi ô tô tại khu vực vườn hoa con cóc quanh phố Ngô Quyền, Lý Thái Tổ, ngay sát tuyến phố đi bộ trung tâm.

 

Những tấm vé đang dần biến mất ở các bãi trông giữ xe. Hầu hết giao dịch đều bằng tiền mặt và niềm tin.

Chào anh, anh có thường xuyên gửi xe ở khu vực này?

Trong tuần thì gần như không. Nhưng cuối tuần thì tôi hay đưa gia đình lên đây chơi. Con nhà tôi rất thích phố đi bộ. Tôi hay gửi xe ở phố Ngô Quyền, Lê Phụng Hiểu quanh vườn hoa này.

Theo quan sát của tôi, các bãi xe ở đây bị lẫn lộn giữa nơi có phép và cũng có cả những bãi không có biển chữ P do lực lượng chức năng cấp. Anh có quan tâm đến việc này?

Hôm nay anh hỏi, tôi mới để ý. Tôi chỉ thấy có người mặc đồng phục chỉ cho tôi chỗ đỗ. Còn trước giờ tôi không để ý có dấu P, tôi vẫn nghĩ những nơi này chắc là đã được cơ quan chức năng cho phép.

Hoặc là mình căn cứ vào vạch kẻ trong phạm vi được đỗ?

Đúng rồi. Cái vạch kẻ đấy thì tôi hay căn vào đấy để đỗ xe ở Hà Nội.

Như vậy là anh không quan tâm lắm đến các biển hiệu ở các bãi đỗ xe. Vậy còn vé thì sao, anh có hay lấy vé sau khi gửi xe?

Anh hỏi vậy thì thú thực tôi cũng không quan tâm vấn đề này lắm. Từ trước giờ là người trông giữ xe chỉ điểm đỗ rồi bảo số tiền thôi. Tùy thời điểm lễ tết sẽ cao hơn, ngày trong tuần cũng khác nhau.

Cụ thể là bao nhiêu?

Có lần tôi lên thì 30 nghìn, có lần thì 50 nghìn. Lễ tết đặc biệt thì tôi chưa lên nhưng chắc là cao hơn. 1 tháng lên 2-3 lần, tôi cũng không để ý đến vấn đề này lắm.

Theo tôi hiểu, các nhân viên không giao vé cho anh và anh cũng không yêu cầu người ta xuất vé?

Đúng rồi, gần 6 năm đi xe lên đấy tôi chưa hề yêu cầu họ xuất vé. Nhưng anh nhắc tôi mới nhớ, thực ra, bây giờ, nếu có trường hợp xảy ra mất mát hay sự cố này, thì tôi cũng chưa biết tìm ai, ai đứng ra chịu trách nhiệm.

Băn khoăn của anh cũng là suy nghĩ của nhiều người. Khi anh đỗ xe ở đó, gặp sự cố, mất mát, tai nạn, xảy ra cháy nổ, nếu chúng ta không có giao kết bằng vé, và vé này phải do đơn vị được cấp phép in ra, có tính pháp lý thì mới đảm bảo được cho tài sản của mình. Đã bao giờ nhân viên trông xe họ chủ động giao vé cho anh?

Tôi nhớ 100% là chưa bao giờ. Khẳng định luôn. Kể cả gửi ở ngoài đường, chưa có cá nhân nào giao vé cho tôi.

Không những không có vé, anh có thể còn gặp phải hiện tượng trả hai lần tiền ở những thời điểm các nhân viên trông xe giao ca. Anh gặp hiện tượng đó chưa?

Cái này thì tôi chưa gặp.

Vậy sau cuộc trò chuyện này, liệu anh có suy nghĩ nào khác về những tấm vé không?

Hôm nay anh hỏi, tôi thấy đây là một lời nhắc nhở với tôi. Trước nay không để ý lắm, ô tô thì không dễ mất cắp. Nhưng sẽ xảy ra va quệt, hay mất những cái nhỏ như gương, camera. Camera tôi hay bị mất. Thì lúc đấy tôi không biết tìm ai chịu trách nhiệm.

Chưa kể vấn đề về thuế nữa đúng không ạ?

Đúng, thuế má, cái nguồn tiền này sẽ đi về đâu. Tôi không rành lắm. Nhưng cái chính là khu vực phố cổ này rất khan hiếm chỗ để ô tô. Tôi cũng không biết để xe ở đâu ngoại trừ chỗ mà hàng ngày mọi người vẫn đang gửi.

Xin cảm ơn anh!

Những tấm vé đang dần biến mất trong các giao kèo trông giữ phương tiện, thay vào đó là giao dịch trông giữ tài sản tiền tỷ bằng ệng và niềm tin. Hệ quả khi sự cố xảy ra, không có bằng chứng hợp đồng, khó xác định đối tượng chịu trách nhiệm đền bù thiệt hại. Các cơ quan quản lý cũng không thể biết chính xác doanh thu của bãi xe.

Để khắc phục, không thể dựa vào tính tự giác tuân thủ của nhân viên trông xe cũng như ý thức của khách hàng, mà cần chế tài đủ sức răn đe, công cụ quản lý hiệu quả hơn nữa từ cơ quan chức năng. Được biết, từ 1/7/2022, theo nghị định 123 Chính phủ ban hành năm 2020, với tất cả các giao dịch, kể cả dưới 200 nghìn đồng, người bán hàng bắt buộc phải lập hóa đơn điện tử cho người mua.

Thiết nghĩ, việc triển khai này cũng cần áp dụng rộng rãi với các điểm trông giữ xe để nh bạch về tài chính, chống thất thu thuế cho nhà nước, bảo vệ quyền lợi của người sử dụng dịch vụ.