Khống chế trần chi phí lãi vay ngân hàng đang “trói” doanh nghiệp

Theo Nghị định số 132/2020 của Chính phủ quy định về quản lý thuế đối với các công ty có giao dịch liên kết, chi phí lãi vay không được vượt mức 30% tổng lợi nhuận thuần cộng với chi phí lãi vay, chi phí khấu hao trong kỳ của người nộp thuế.

 Nếu vượt thì khoản lãi vay đó không được tính vào chi phí hoạt động của doanh nghiệp.

Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, quy định này đã không còn phù hợp với tình hình thực tế của Việt Nam. Đặc biệt, thời gian qua lãi vay tăng vọt lên gần gấp đôi so với thời điểm ban hành quy định khiến doanh nghiệp càng gặp nhiều khó khăn.

 

Ảnh nh họa

Mới đây, Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) kiến nghị, không nên và không cần khống chế trần chi phí lãi vay của doanh nghiệp có giao dịch liên kết theo lợi nhuận nhằm phản ánh kịp thời và trung thực hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA cho biết: "Hiện nay, mức trần là 30% tức là một phần chi phí tài chính, một phần chi phí lãi vay vượt qua mức 30% là không được tính vào năm tài chính đó thì nó làm cho bức tranh tài chính của chính doanh nghiệp đó là không thực, không đầy đủ".

Một số chuyên gia cũng cho rằng,  trong bối cảnh hiện nay khi lãi suất cho vay vẫn cao khiến chi phí lãi vay của nhiều doanh nghiệp tăng mạnh: "Song song với mức tiêu thụ giảm xuống vì kinh tế trong ngoài nước khó khăn thì tỷ lệ chi phí lãi vay của các công ty sẽ tăng mạnh và vượt mức trần 30% trên tổng lợi nhuận thuần sẽ trở nên phổ biến. Chính vì vậy, cần thiết phải sửa đổi nhanh Nghị định số 132 theo hướng nâng trần tỷ lệ về chi phí lãi vay lên cao hơn".

Trong khi đó, LS Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty luật ANVI, nhấn mạnh quy định này cần phải bãi bỏ: "Với khoản đi vay, vay ngân hàng hay đâu đó là khoản vay cần thiết, chính đáng, là hợp pháp, hợp lệ, là chi phí thật, chi thật, nhưng giờ lại không được tính vào chi phí. Giả sử tính vào đầu này nó có giảm đi thì đầu khác nộp thuế tăng lên. Cần phải xem lại Nghị định này, thậm chí bỏ hoàn toàn với doanh nghiệp Việt Nam, chỉ áp dụng với doanh nghiệp nước ngoài".

Khi được hỏi về quy định khống chế chi phí lãi vay 30% đối với doanh nghiệp, Phó Cục trưởng Cục Thanh tra - Kiểm tra (Tổng cục Thuế) Tô Kim Phượng cho biết quy định này nhằm hạn chế tình trạng chuyển giá thông qua lãi vay của các doanh nghiệp có giao dịch liên kết:

"Điều này phù hợp với thông lệ quốc tế và khuyến nghị của OECD về việc các nước cần quy định ngưỡng giới hạn khấu trừ chi phí lãi vay trong khoảng từ 10% - 30% trên tổng lợi nhuận trước thuế chưa trừ khấu hao và lãi vay", bà Phượng khẳng định.Do đó, Nghị định số 132 quy định mức khống chế chi phí lãi vay theo mức cao nhất là 30% là phù hợp với thông lệ quốc tế".

Tuy nhiên, trước những bất cập triển khai quy định này thời gian qua, đại diện Tổng cục Thuế cũng, cho biết thời gian qua, nhiều doanh nghiệp kiến nghị bỏ quy định khống chế chi phí lãi vay trong trường hợp doanh nghiệp vay ngân hàng.

Bà Tô Kim Phượng nhấn mạnh: "Qua ý kiến phản ánh của doanh nghiệp, Tổng cục Thuế nghiên cứu, rà soát, thực tế tại Việt Nam, việc vay vốn ngân hàng để phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp là hoạt động thường xuyên và phổ biến. Trên cơ sở kiến nghị của doanh nghiệp, Tổng cục Thuế sẽ tổng hợp, báo cáo cấp có thẩm quyền nghiên cứu, xem xét sửa đổi trên cơ sở kiến nghị của doanh nghiệp".

Có thể thấy, các doanh nghiệp đang mong chờ Nghị định 132 sớm được sửa đổi trong thời gian sớm nhất, để kịp thời tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, tránh tình trạng doanh nghiệp lỗ vẫn phải đóng thuế, khiến doanh nghiệp ngại ngần việc vay vốn mở rộng quy mô sản xuất.

Thông tin trong nước và quốc tế

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị. Ảnh: TTXVN

# Chủ trì Hội nghị trực tuyến “Phát triển du lịch Việt Nam nhanh, bền vững” sáng nay, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu Hội nghị trao đổi, thảo luận để tìm được lời giải cho các bài toán ngắn hạn, dài hạn; một số vấn đề trọng tâm để phát triển ngành Du lịch.

# Đáng chú ý, tại buổi làm việc mới đây với Bộ Công thương, Đại diện NH Thế giới (World Bank) khẳng định, sẽ hỗ trợ Việt Nam hoàn thành mục tiêu 100% các hộ dân được cấp điện ổn định với giá thành phù hợp. 

# Tổng cục Thuế vừa có thư ngỏ gửi cộng đồng doanh nghiệp về việc áp dụng thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung theo quy định chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu.

Tổng cục Thuế khuyến khích doanh nghiệp trao đổi, làm việc với cơ quan thuế quản lý trực tiếp, cung cấp thông tin cụ thể về doanh nghiệp. 

# Theo Hiệp hội Hồ tiêu, Việt Nam đang là quốc gia sản xuất quế đứng đầu thế giới, với giá trị xuất khẩu từ đầu năm đạt trên 220 triệu USD. 

# Đáng chú ý, niên vụ 2022/2023, xuất khẩu cà phê Việt Nam thu về 4,08 tỷ USD, tăng 3,4% so với niên vụ trước nhờ giá tăng cao, đây là mức kim ngạch cao nhất trong các niên vụ từ trước đến nay. 

# Với thị trường tiêu dùng: Đại diện nhiều siêu thị tại TP.HCM cho biết vẫn đang giữ giá gạo ổn định. Trong khi đó giá gạo ngoài chợ và cửa hàng gạo tăng khá mạnh. 

# Còn tại Hà Nội, càng dần về cuối năm, các hãng ô tô đua bung hàng thúc đẩy doanh số, mức giảm giá bằng tiền mặt hoặc tặng phụ kiện, hỗ trợ vay lãi suất 0% trong ba năm. 

Người dân mua thực phẩm tại siêu thị ở Glendale, California, Mỹ. Ảnh: AFP/TTXVN

# Theo số liệu được Bộ Lao động Mỹ công bố hôm qua, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của nước này đã được giữ nguyên trong tháng 10.

Ngoài ra, mức tăng lạm phát cơ bản hàng năm đạt mức thấp nhất trong hai năm, dấu hiệu giúp Cục Dự trữ Liên bang (Fed) có thể hoàn tất chính sách tăng lãi suất. 

# Theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), nền kinh tế châu Âu có khả năng sẽ sớm ngăn chặn được suy thoái kinh tế và "hạ cánh mềm".

Tuy nhiên, châu lục này vẫn mất thêm vài năm nữa để có thể đưa lạm phát trở lại mức mục tiêu 2%. 

Thông tin thị trường chứng khoán

# Chỉ số VN-Index hôm nay tăng gần 13 điểm, lên 1.122,5 điểm. Đây là mức giá đóng cửa cao nhất trong gần 1 tháng qua.

# Cổ phiếu ngân hàng tạo lực đẩy chính cho VN-Index với các cổ phiếu như VCB, BID, VPB, CTG. Cổ phiếu chứng khoán cũng tương đối khả quan, nhóm bất động sản, đa phần biến động với biên độ hẹp.

# Theo SSI Reseach, toàn sàn HoSE có 414 mã tăng, 87 mã đứng giá và 122 mã giảm giá. Thanh khoản khớp lệnh ở mức cao, đạt 18.327 tỷ đồng./.