Khi vỏ lon hóa thành tranh nhôm tinh xảo

Sau hơn 10 năm gắn bó với lĩnh vực công nghệ thông tin, anh Nguyễn Thanh Tùng, ngụ huyện Bến Lức, tỉnh Long An đã quyết định rẽ hướng theo đuổi nghề làm tranh nhôm như một cơ duyên đầy thử thách nhưng cũng tràn ngập đam mê.

Không chỉ khẳng định bản thân trong lĩnh vực mới, anh còn ấp ủ khát vọng đưa dòng tranh này vươn xa, lan tỏa giá trị của nghề thủ công độc đáo.

 

Hành trình nhiều thử thách nhưng cũng đầy đam mê

Theo anh Tùng, để thành công thì kỹ thuật và dụng cụ chiếm khoảng 30%, còn 70% là sự kiên trì, rèn luyện.
Theo anh Tùng, để thành công thì kỹ thuật và dụng cụ chiếm khoảng 30%, còn 70% là sự kiên trì, rèn luyện.

Theo học ngành Công nghệ thông tin và có hơn 10 năm gắn bó với công việc này, điều gì đã thôi thúc anh Tùng rẽ hướng sang làm tranh nhôm?

Có lẽ đó cũng là một phần đam mê từ bé. Trong thời gian làm vi tính, mình âm thầm nghiên cứu về chất liệu này. Khởi đầu, mình không làm tranh nhôm ngay, mà yêu thích những sản phẩm tái chế, tái sử dụng từ các vật phẩm bỏ đi. Ban đầu, mình làm lọ hoa từ chai thủy tinh, vẽ tranh, làm gấu bông từ vật liệu phế thải.

Tình cờ, mình phát hiện ra chất liệu này và bị thu hút bởi bề mặt sáng bóng của nó. Mình muốn làm nổi bật vẻ đẹp ấy, nên bắt đầu tìm kiếm dụng cụ phù hợp để có thể cắt ghép và tạo hình. Quá trình này khá gian nan. Năm 2014, mình mới bắt đầu tìm tòi, thử nghiệm và tìm kiếm công cụ phù hợp. Đến khi có được những dụng cụ cần thiết, mình dần hoàn thiện kỹ thuật. Đến năm 2022, mình quyết định tập trung hoàn toàn vào nghiên cứu và phát triển sản phẩm từ chất liệu này.

Khi biết anh có chuyển hướng công việc, lúc đó gia đình anh phản ứng ra sao?

Người buồn và ngăn cản mình nhiều nhất chính là ba. Nhưng đến tận bây giờ, khi mình đã gặt hái được thành công, ba lại là người ủng hộ mình nhiều nhất. Những bức tranh đầu tiên mình làm ra đều phải mang xuống cho ba xem trước, và thật bất ngờ, ba rất thích.

Một người nữa luôn đồng hành cùng mình là vợ. Khi khởi nghiệp trong một lĩnh vực hoàn toàn mới, khoảng 2-3 năm đầu gần như không có thu nhập. Trong khoảng thời gian đó, vợ là người gánh vác tài chính, lo toan cuộc sống để mình có thể theo đuổi đam mê. Đến bây giờ, mọi thứ đã dần ổn định hơn một chút.

Dạ, lúc đó, anh có bao giờ cảm thấy tiếc nuối hoặc nghi ngờ quyết định của mình không?

Mình từng mâu thuẫn rất nhiều, thậm chí còn tiếc nuối công việc cũ. Về cuộc sống, đôi lúc mình hoài nghi khả năng của bản thân, hoài nghi cả con đường mình đã chọn. Nhưng sau cùng, đam mê vẫn lấn át tất cả.

Tính mình khá cầu toàn—khi đưa một sản phẩm đến tay người khác, mình luôn muốn nó phải thật hoàn hảo. Vì vậy, mình cần khoảng thời gian 3 năm để hoàn thiện kỹ thuật, làm cho sản phẩm trở nên tinh tế và sắc sảo hơn.

Tùy vào độ khó, giá bán tranh nhôm dao động từ vài trăm đến vài triệu đồng.

Quy trình làm tranh nhôm của anh gồm những bước nào và đâu là công đoạn khó khăn nhất vậy anh Tùng?

Quy trình này gồm 4 bước chính. Bước đầu tiên là vẽ lên nhôm, khác hoàn toàn so với vẽ trên giấy, vì trên nhôm, mình chỉ có thể vẽ bằng một nét duy nhất. Khi làm những bức tranh lớn, việc tính toán rất quan trọng, bởi một lon bia sau khi cắt ra có diện tích rất nhỏ, đòi hỏi mình phải chia và ghép các mảnh sao cho tạo thành một tác phẩm hoàn hảo.

Bước thứ hai là uốn nổi chìm, giúp tạo chiều sâu cho tranh. Vì tác phẩm chỉ có duy nhất một gam màu – màu trắng bóng của lon nhôm – nên kỹ thuật uốn chính là linh hồn, giúp hình ảnh trở nên sống động hơn. Bước thứ ba là cắt, và đây là giai đoạn mình từng trả giá nhiều nhất. Ngày trước, có những chi tiết nhỏ mình phải tỉ mỉ làm suốt hàng giờ, thậm chí cả ngày. Chỉ cần một sơ suất nhỏ, sai kỹ thuật hay một đường cắt lệch là coi như mất công sức cả ngày hôm đó.

Bước cuối cùng là dán, nhưng không giống như cách dán giấy thông thường. Mình phải tính toán xem chi tiết nào nên dán trước, chi tiết nào sau để tạo bố cục hợp lý nhất. Đây là giai đoạn liên kết tất cả các bước trước đó, giúp hoàn thiện tác phẩm. Quy trình 4 bước này chính là nền tảng trong công việc của mình, và mình đã đăng ký bản quyền tác giả cho nó.

Như vậy thì giá bán sản phẩm tranh nhôm của anh như thế nào?

Giá tranh rất đa dạng. Những bức tranh để bàn, đặt trong văn phòng có mức giá từ khoảng 300.000 đến 1 triệu đồng. Còn tranh treo tường thì tùy vào kích thước, chủ đề và độ chi tiết, giá có thể hơn 10 triệu đồng, thậm chí lên đến vài chục triệu. Giá trị của mỗi tác phẩm phụ thuộc vào mức độ công phu và thời gian hoàn thiện.

Với chất liệu nhôm thì anh Tùng đã thành thạo rồi, sắp tới, Anh có dự định kết hợp tranh nhôm với những chất liệu nào khác không?

Trước mắt, mình sẽ thử kết hợp những chất liệu có thể phối hợp hài hòa với tranh nhôm. Hiện tại, mình đang đưa lá bồ đề vào các tác phẩm. Trong tương lai, mình dự định phát triển thêm những vật liệu tái chế khác để làm phong phú sản phẩm.

Tuy nhiên, mình cũng rất chú trọng đến yếu tố thẩm mỹ và chất lượng. Dù là sản phẩm tái chế, nhưng khi đến tay người dùng, nó vẫn phải mang lại cảm giác đây là một tác phẩm có giá trị cao, cả về nghệ thuật lẫn độ bền.

Dạ, với những bạn trẻ yêu thích và mong muốn theo đuổi công việc làm tranh nhôm giống như anh, thì anh Tùng có chia sẻ gì với họ?

Điều quan trọng nhất là sự kiên trì—phải thật sự kiên trì và nhẫn nại. Làm nghề này đôi khi rất chán, vì có những chi tiết nhỏ đòi hỏi ngồi tỉ mỉ hàng giờ, thậm chí cả ngày. Nếu không đủ nhẫn nại, các bạn sẽ dễ bỏ cuộc. Thứ hai là phải có sự tỉ mỉ, khéo léo, hay còn gọi là "hoa tay" một chút. Và yếu tố cuối cùng, nhưng cũng rất quan trọng, chính là nắm vững kỹ thuật. Kỹ thuật và dụng cụ chỉ chiếm khoảng 30%, còn 70% còn lại là sự rèn luyện không ngừng để biến kỹ thuật thành kỹ năng thành thạo. Khi đạt được điều đó, các bạn sẽ có thể theo đuổi nghề này lâu dài.

Mình cũng rất mong mọi người nhìn nhận và ủng hộ ngành nghề thủ công, để những người thợ có thêm động lực theo đuổi đam mê. Nếu nghề thủ công Việt Nam được trân trọng và phát triển, mình tin rằng nó hoàn toàn có thể vươn xa ra thế giới.

Cảm ơn anh Tùng với những chia sẻ vừa rồi. Chúc anh ngày càng thành công và đưa sản phẩm tranh nhôm vươn xa hơn nữa!

Anh Tùng tham gia nhiều sự kiện quảng bá sản phẩm của mình

Khát vọng đưa dòng tranh nhôm vươn xa, lan tỏa giá trị của nghề thủ công độc đáo

Từ những ngày đầu mày mò với lưỡi lam, cắt đứt tay không biết bao nhiêu lần cho đến khi tìm ra bộ dụng cụ phù hợp, anh Tùng đã phải nỗ lực vừa làm vừa rút kinh nghiệm cho riêng mình trong “cuộc chơi” hoàn toàn mới mà anh gọi là bước ngoặt lớn của đời mình.

Nhớ lại lúc “chân ướt chân ráo” theo đuổi đam mê, anh Tùng cho biết, đó là một quyết định không hề dễ dàng, bởi lẽ, ngoài chuyện mất thu nhập ổn định, anh phải đối mặt với áp lực kinh tế, sự lo lắng từ gia đình và cả ánh nhìn dè dặt từ những người xung quanh.

"Khi mình từ bỏ công việc với thu nhập ổn định, gia đình la rất nhiều. Mình buồn lắm, nhưng vẫn cố gắng, thậm chí phải nuốt nước mắt vào trong. Tuy nhiên, trong thâm tâm, mình luôn nghĩ rằng đời người chỉ sống một lần, và mình không muốn phải hối hận. Vì vậy, mình quyết tâm theo đuổi đam mê đến cùng".

Nhớ lại những ngày đầu con trai bắt tay vào nghề mới, ông Nguyễn Văn Thìn, cha anh Tùng, không đặt quá nhiều kỳ vọng, thậm chí có phần lo lắng. Thế nhưng, theo thời gian, chứng kiến từng tác phẩm ngày càng hoàn thiện, ông dần thay đổi suy nghĩ.

"Ban đầu làm thì thấy cũng hỏng có gì nhưng mà sau này thấy nó đẹp, thấy cái đó hiếm, cũng hay. Vất vả lắm, hồi đó cũng đâu nghĩ thành công như vầy đâu. Mới đầu thì một là nó không đẹp, thấy nó không có sắc sảo. Mấy bức sau này thấy nó tương đối. Giờ này nó mới thành công thôi chứ lúc trước thấy cũng ngán lắm. Giờ thì yên tâm rồi, cũng tự hào về nó".

Còn với anh Tùng, những thử thách đó lại trở thành động lực để anh quyết tâm theo đuổi đam mê. Giờ đây, khi đã khẳng định được bản thân, anh không còn giận mà ngược lại, luôn trân trọng và biết ơn cha.

"Hồi xưa lúc còn trẻ rất là giận ba, tại sao cứ cấm cản mình theo ngành nghề này nhưng mà khi mình đã làm được rồi mới thấy được chắc cái đó là một cái duyên, một cái xúc tác để mình phát triển nghề này, rất là biết ơn ba, không bao giờ giận ba nữa mà trái lại khi làm được cái tốt đẹp đều khoe ba, rất là vui".

Sản phẩm tranh nhôm được nhiều khách hàng gần xa ủng hộ

Được xem quy trình tạo ra từng tác phẩm của anh Tùng mới cảm nhận hết niềm đam mê và sự tỉ mỉ của anh cho từng chi tiết nhỏ nhất. Theo lời anh, với những bức tranh nhỏ, họa tiết đơn giản, anh chỉ mất vài tiếng đồng hồ để hoàn thành. Nhưng với những tác phẩm có kích thước lớn, hoa văn cầu kỳ thời gian thực hiện có thể kéo dài từ vài ngày thậm chí đến hàng tháng trời.

"Trước kia thì nó làm nghề vi tính thấy cái đó cũng hay, nghề nghiệp công việc ổn định, khách khứa cũng tốt, có thu nhập ổn định mà mê bên đây rồi nhảy qua làm. Lúc đầu tui với bà xã tiếc cho nó lắm, làm vậy thì uổng, cũng khuyên nó thôi nhưng mà đam mê của nó thôi đâu có nói được".

"Một khi mình đã quyết tâm rồi, trong vòng 3 năm đó mình phải kinh doanh được. Mục tiêu kế tiếp những năm tới thì mình có thể lan tỏa cái này ở khu vực huyện, tỉnh của mình. Khát vọng lớn hơn của mình là mình có thể tham gia những cuộc thi ở trong nước hoặc là đưa sản phẩm này ra quốc tế".

Ngoài các mẫu sáng tác theo các dịp đặc biệt như Lễ Vu Lan, ngày Nhà giáo Việt Nam, lễ tình nhân,... anh Tùng tự sáng tạo hay tham khảo từ trên mạng sau đó biến tấu thành thiết kế mang dấu ấn riêng.

"Nguyên liệu thì thực sự lon bia rất dễ sưu tầm. Chất liệu này thì mọi người cứ an tâm tại vì sản phẩm lon bia có tính kháng oxi hóa rất là cao. Nó vẫn sử dụng hoài, điều quan trọng ở đây là lựa chọn dạng khung hay là những chất liệu phụ khác á nó sẽ tốt hơn, đồng bộ với vật liệu nhôm này".

Những khách hàng ban đầu của anh Tùng là người thân, bạn bè. Dần dà, anh tận dụng những ưu thế mạng xã hội để quảng bá sản phẩm. Nhờ đó, những khách hàng online cũng chủ động liên hệ đặt hàng. Bên cạnh đó, anh còn thường xuyên tham gia các buổi giới thiệu do địa phương tổ chức để sản phẩm đến gần hơn với khách hàng trong và ngoài tỉnh.

Giờ đây, khi những bức tranh nhôm của anh ngày càng được đón nhận,  anh Tùng mong muốn lan tỏa giá trị cộng đồng, góp phần tái chế và bảo vệ môi trường.

"Mình muốn truyền tải ngành nghề này cho những người mà bị khuyết tật, giống nhưng những người mà bị khuyết tật chân, thì họ còn đôi tay, họ có thể ngồi bất kì nơi đâu để làm được sản phẩm này. Nếu mà nắm được cái quy trình của mình có thể kết hợp với mình để làm ra những sản phẩm đưa ra thị trường hoặc là đưa ra nước ngoài và thậm chí có thể là đấu giá".

Từ những ngày đầu chật vật tìm kiếm hướng đi, đến nay, anh Nguyễn Thanh Tùng không chỉ xây dựng được thương hiệu tranh nhôm độc đáo mà còn góp phần nâng cao giá trị của nghề thủ công Việt Nam. Trong tương lai, anh hy vọng tranh nhôm không chỉ là một sản phẩm trang trí mà còn là biểu tượng của sự bền bỉ, sáng tạo và giá trị văn hóa Việt Nam vươn tầm thế giới.