Khi thị dân mơ làm nông dân

Chỉ cần dành chút thời gian Bộ hành qua phố, sẽ không lạ cảnh dù phố xá bê tông hóa khắp nơi, vẫn thấy những vườn rau xanh mướt trên nóc nhà, trước hiên, ngoài hè phố hay ở ven đường, miễn là có đất.

Chỉ cần thấy đất trống trải, người dân sẽ "khai khẩn, cải tạo" thành vườn. Khi thị dân mơ làm nông dân sẽ như thế nào? 

 

"Sườn đê của người ta phải làm thành ô vuông như thế để bảo quản đê điều, nhưng cỏ rậm um tùm trông tiếc của lại rẫy cỏ trồng ít rau vào ăn. Nó thoai thoải này mưa là trôi màu phải chăm nhiều hơn đất bằng. Không tiện nhưng mình không có đất phải tận dụng mà làm thôi".

Dọc đoạn đường đê cũ từ Âu Cơ trước khi mở đường sang đến An Dương Vương, đã nhiều năm nay, người dân cứ tận dụng đất sườn đê để mở vườn ngay trước cổng nhà.

Có những đoạn, chỉ mỗi hốc bê tông bé bằng nắm tay nhưng được bỏ đất, rau ngắn ngày đủ loại cứ thế lên xanh.

Dọc đoạn đường đê cũ từ Âu Cơ trước khi mở đường sang đến An Dương Vương, đã nhiều năm nay, người dân cứ tận dụng đất sườn đê để mở vườn ngay trước cổng nhà (Ảnh: Ái Kiều/VOVGT)

Nhiều hộ còn kỳ công bắc giàn nho nhỏ để trồng đậu, trồng dưa. Mỗi ngày, cứ đều đặn tưới nước hai buổi sớm chiều là rau tươi tốt. Một gia đình có khi ăn rau không xuể phải chia bớt cho hàng xóm:

"Hôm nọ nhiều rau cải lắm, cho mỗi nhà một ít. Trồng mỗi thứ một tí. Ở nhà nó không có ánh nắng, đây có mới trồng được. Để nó phí ra. Ở bên bãi kia người ta cũng trồng nhiều lắm. Đường này bụi bặm thật nhưng mình tưới tắm nhiều. Ăn ở đây mình yên tâm".

"Mùa nước họ hay phát đi, mất rau thì cũng thôi. Tranh thủ làm lúc nào thì làm có phải đất của mình đâu. Chăm lắm, sáng tưới chiều tưới. Ở nhà không làm gì thì tranh thủ làm nhanh. Tiện chứ nhà cô trồng cả trên nóc trần nhưng phải leo cầu thang lên bất tiện hơn".

Có lẽ, mong muốn trên mâm cơm mỗi ngày có bữa rau sạch không phải chỉ của riêng bà nội trợ nào. Càng quý hơn khi chỗ rau ấy do chính tay mình chăm bẵm lớn lên. Không ít người sẵn sàng trả giá cao cho một bữa rau an toàn, và cũng không ít người sẵn sàng bỏ thời gian, công sức còn nhiều hơn thế khai khẩn, làm vườn để đổi lấy sự an tâm.

Ở Hà Nội tấc đất tấc vàng này, nhà có bao nhiêu đất được tận dụng xây hết bấy nhiêu nên khoảng đất trống ngay trước cửa nhà như càng thôi thúc giấc mơ làm nông dân của mỗi người thành phố (Ảnh: Ái Kiều/VOVGT)

Với kiến trúc nhà ở đô thị như hiện nay, người dân cũng phải tận dụng từng khoảng không ngoài trời: trên nóc nhà, ngoài hè phố để trồng rau cho phù hợp với kỹ thuật canh tác truyền thống, ấy là cây cứ có có đất, có nắng và được tưới tắm đầy đủ ắt sẽ lên tốt tươi.

Nhờ những hành động khai khẩn tạo vườn này, từng bụi cỏ um tùm cũng được thay thế bằng những ô vuông đều chằn chặn rau xanh mướt. Họ dọn rác, giữ đất sạch và làm xanh thêm những mảng bê tông, mái tôn đơn điệu như những người thợ chuyên nghiệp.

Và dù, vòng đời của những cây ngắn ngày vốn không dài, chỉ cần tới mùa mưa hay cần mở đường, vườn rau của nông dân phố thị sẽ nhanh chóng bị "giải tỏa". Nhưng họ chấp nhận điều đó, một cách trung thực rằng "đất không phải của mình".

Văn hóa làng thấm đẫm trong mỗi con người và như nhà văn Hoài Thanh đã nói: "Trong mỗi chúng ta đều có một anh nhà quê". Thành thử cái chất “thôn làng” đôi lúc lại trỗi dậy trong cung cách ứng xử của người “hàng phố”.

Tính cần kiệm của người nông dân chân chất vẫn ở đấy. Họ quý trọng từng tấc đất và không muốn lãng phí một cơ hội. Trong hoàn cảnh chỉ có một hốc đất nhỏ cũng đủ để trồng rau nuôi sống một gia đình.

Ở Hà Nội tấc đất tấc vàng này, nhà có bao nhiêu đất được tận dụng xây hết bấy nhiêu nên khoảng đất trống ngay trước cửa nhà như càng thôi thúc giấc mơ làm nông dân của mỗi người thành phố.

Bởi họ yêu thiên nhiên, yêu cây cỏ, yêu màu xanh, trân trọng quý từng nắm đất giọt mưa nên chăm chỉ cần cù, bàn tay chẳng chịu ngơi nghỉ.Và vì thế, việc được lao động chân tay mỗi ngày, càng trở thành điều gì đó thật đẹp.

16Thăm dò ý kiến: Khi người dân sinh sống tại các thành phố lớn có ước mơ làm nông dân sẽ như thế nào các bạn nhỉ?