Khi thị dân hoá nông dân

Khi sự lo lắng về an toàn vệ sinh thực phẩm tăng dần trong suy nghĩ của thị dân – những người sống ở thành phố - nơi mà bất cứ thứ gì cũng phải mua ở chợ hoặc siêu thị, thì người ta bắt đầu nghĩ đến việc quay trở lại thời kỳ “tự cung, tự cấp”...

Có dạo đi trên đê sông Hồng, mạn quận Long Biên, thấy người dân ở gần đó mang rau giống, hạt giống ra trồng trên triền đê. Người ta gieo hạt giống rau củ vào những khe hở của gạch lát triền đê, mỗi nhà tự chia “thửa ruộng” của mình bằng những sợi dây thừng…

Nhìn cách họ “canh tác” trên những triền đê ấy làm tôi lại nhớ tới kỹ thuật trồng cây hốc đá của bà con dân tộc Mông trên Hà Giang.

Ở vùng đất “sống trong đá, chết vùi trong đá”, nhiều nơi ở Hà Giang, bà con gần như không có đất ruộng, họ phải gùi đất lên trên vách núi đá vôi cheo leo, thả từng nắm đất vào các hốc đá, gieo hạt ngô vào đó. Rồi thuận theo tự nhiên mà chờ đợi đến mùa thu hoạch.

Mô hình canh tác phổ biến nhất của những nông dân thành phố khát rau sạch, ấy là tận dụng những khoảng đất trống của các dự án treo, những công trình xây dựng chưa được hoàn thành.

Ví như có dạo, dân sống dưới chân tuyến đường sắt trên cao Cát Linh – Hà Đông tha hồ mà có đất phía dưới chân đường sắt để trồng rau. Nhà nào cũng có “thửa ruộng” cả chục mét trước cửa.

Sáng nào cũng thấy bà con nô nức mang thùng tưới nước ra chăm chút cho cây trong vườn. Đủ cả, từ xà lách, rau thơm, rau muống, rau cải, xu hào… Nhiều nơi, người ta còn tận dụng dải phân cách giữa đường để trồng rau.

Nhớ lại ngày xưa ở các khu chung cư cũ, nhiều người vẫn tự kiếm cho mình một mảnh đất sát dưới chân nhà để trồng rau, ai nhanh nhạy thì kiếm được mảnh gần nơi ở, không thì phải đi xa hơn, nhưng nhà nào cũng kiếm được một mảnh đất trống để trồng rau cải thiện bữa ăn.

Trên nhà thì xây chuồng nuôi lợn, nuôi gà trong nhà tắm, nhà bếp. Cả khu chung cư 5 tầng lúc nào cũng có tiếng lợn kêu eng éc đòi cám. Sáng sớm còn có cả tiếng gà gáy báo thức. Cũng chả khác gì mấy cái không khí ở nông thôn.

Thực ra, ngày xưa còn nghèo, nên dân ở thành phố phải tự trồng rau mà ăn, chứ cũng không phải lý do như thị dân bây giờ là sợ rau không sạch mà phải tự cung tự cấp.

Bây giờ thì tất nhiên người thành phố đã đông hơn gấp bội, nhà cao tầng mọc lên san sát, lấy đâu ra đất cho người thành phố trồng rau cải thiện bữa ăn như ngày xưa? Cái mô hình trồng rau, nuôi gà của thị dân có giai đoạn tưởng biến mất.

Thế rồi, thỉnh thoảng đọc báo, lại thấy có bài viết về một “hộ nông dân” giữa Thủ đô đã có sáng kiến trồng rau, nuôi gà, thậm chí nuôi lợn trên nóc nhà. Có người còn trồng cả lúa, tất nhiên, cũng chẳng đủ ăn, nhưng với mảnh ruộng khoảng chục mét vuông trên nóc nhà, người nào khéo vẫn có thể cải thiện bữa ăn bằng những thức rau củ tự mình trồng.

Dần dần thì mô hình trồng rau, nuôi gà trên nóc nhà của thị dân Thủ đô đã khá phổ biến. Ngoài trồng rau, người ta còn bắc giàn trồng bầu, trồng mướp, có anh còn xây cả ao thả cá, ngày ngày ngồi nhâm nhi cà phê thả câu thư giãn… Nhìn từ trên cao lúc nào cũng thấy Thủ đô xanh mướt một màu rau củ.

Tất nhiên, phần lớn dân thành phố không đủ điều kiện và sự kiên nhẫn mà triển khai mô hình nông nghiệp trên nóc nhà mình. Nên họ vẫn phải vào siêu thị mua rau củ. Siêu thị thì lúc nào cũng đầy ắp các loại rau xanh mơn mởn. Thế nhưng thỉnh thoảng người ta lại phát hiện ra có siêu thị bán rau không sạch, tức là rau không rõ nguồn gốc.

Vậy là các thị dân không thể làm… nông dân thì vẫn đành nhắm mắt mà mua rau củ trong siêu thị về ăn, trong một nửa sự an tâm rằng mình đang được ăn rau sạch.