Khi người trẻ định vị được “giá trị” của nông sản quê nhà

Từ giai đoạn 2018-2019 đến nay, chị Chal Thi cùng các cộng sự đã mở ra một hướng đi mới cho cây dừa, đồng thời tạo công ăn việc làm ổn định cho nhiều hộ nông dân.

“Định vị giá trị nông sản quê nhà” là câu chuyện đã và đang được viết nên bởi nhiều người trẻ của mảnh đất ền Tây Nam Bộ với khát vọng khởi nghiệp, làm giàu.

Trưởng thành từ bóng mát của những hàng dừa, thấy được nỗi vất vả của bà con nông dân mỗi khi giá dừa xuống thấp, chị Thạch Thị Chal Thi – Thạc sĩ ngành Công nghệ thực phẩm, người con của quê hương Tiểu Cần, Trà Vinh đã ấp ủ và xây dựng ý tưởng khởi nghiệp với mật hoa dừa. 

Từ giai đoạn 2018-2019 đến nay, chị Chal Thi cùng các cộng sự đã mở ra một hướng đi mới cho cây dừa, đồng thời tạo công ăn việc làm ổn định cho nhiều hộ nông dân. 

Doanh nhân Thạch Thị Chal Thi là một trong những tấm gương tiêu biểu phụ nữ khởi nghiệp. Ảnh: NVCC

PV: Xin chào chị Chal Thi! Đầu tiên, mời chị có thể giới thiệu rõ hơn về quy trình tạo ra mật hoa dừa mà công ty cũng như bà con nông dân đang áp dụng!

Chị Thạch Thị Chal Thi: Đầu tiên là mình xem phát hoa, khi mà cái mo nang của nó chuẩn bị nở và mình thấy một đường nứt của phát hoa thì tiến hành buộc bông dừa đó lại liền để cái mo nang nó không nở.

Sau khi buộc bông dừa lại rồi thì tiến hành mát xa cho bông dừa. Mát xa ở đây dùng để thông tuyến mật, mình sẽ dùng tay xoa lên bông dừa để làm nóng tuyến mật bên trong bông dừa và tiến hành dùng chày gỗ gõ nhẹ bông.

Sau khi cây dừa được mát xa, người công nhân thu mật sẽ dùng một cây dao bén chuyên dụng để gọt nhẹ phần đầu bông dừa một lớp khoảng 3cm. Sau đó, khoảng 3 ngày sau, là nước từ hoa dừa sẽ ra và mình sẽ dùng dụng cụ để hứng.

Một bông dừa như vậy mình sẽ thu được 25 lít mật trong 25 ngày. Sau khi thu được mật tươi thì tiến hành đem về nhà máy, tiến hành lọc thô và sau đó cô đặc mật hoa dừa. 8 lít mật hoa dừa tươi mình thu được 1 lít mật hoa dừa cô đặc.

PV: Hiện nay thì mật hoa dừa mang lại hiệu quả kinh tế như thế nào vậy chị?

Chị Thạch Thị Chal Thi: Hiệu quả kinh tế tăng lên rõ rệt luôn, nếu mà so với việc trồng dừa thu trái. Ví dụ như nếu trồng dừa thu trái thì một cây như vậy thì một tháng chỉ cho được khoảng nhiều lắm là 50.000 đồng thôi. Nhưng nếu trồng dừa thu mật thì một tháng đó mình thu được 300 nghìn, mình so sánh trên từng cây thì sẽ thấy nó như vậy.

PV: Khi nghe nhắc đến việc lấy mật từ hoa dừa, không ít người băn khoăn về sự ảnh hưởng đến khả năng phát triển và cho trái sau này của cây… Không biết sự ảnh hưởng này có hay không và cụ thể ra sao, thưa chị?

Chị Thạch Thị Chal Thi: Thật ra khi mà mình thu mật hoa dừa thì nó hoàn toàn không ảnh hưởng năng suất cho trái của cây dừa… Cây dừa đa số khi mà nông dân trồng xong thì họ không chăm sóc, không tưới nước, không chăm bón phân hữu cơ thì cây dừa nó sẽ bị mất sức và thiếu dinh dưỡng.

Nhưng mà khi cây dừa đó được trồng, mình thuê vườn của nông dân và mình tiến hành thu mật là mình chăm cây rất kĩ, một năm như vậy mình bón lót phân chuồng cho cây hai lần, ngày nào cũng tưới nước cho cây hết nên là cây dừa được chăm bón rất tốt và đầy đủ dinh dưỡng trong quá trình thu mật. Và khi mình không thu mật nữa và đưa trở về trạng thái bình thường thì cho trái rất sai.

PV: Là một người trẻ đã có những bước khởi nghiệp thành công với nông sản quê nhà, chị có kinh nghiệm gì chia sẻ cùng với các bạn trẻ cũng đang ấp ủ dự định khởi nghiệp?

Chị Thạch Thị Chal Thi: Đầu tiên là mình cần phải chọn một mặt hàng nông sản là thế mạnh của địa phương mình đã. Sau đó thì có ý tưởng về mặt hàng nông sản đó thì mình sẽ tiếp tục nghiên cứu những ngành nghề chế biến liên quan đến nông sản đó ở tất cả các nước trên thế giới. Mình thì chỉ tìm hiểu qua Internet thôi, xong mình sẽ bắt đầu lựa chọn, tìm hiểu thêm thông tin qua các bài báo khoa học, bài báo kinh tế về sản phẩm đó và tiến hành chốt ý tưởng của mình.         

PV: Cảm ơn chị Chal Thi đã dành thời gian chia sẻ cùng chương trình! Chúc cho mật hoa dừa Sokfarm sẽ tiếp tục thành công hơn nữa trong việc khẳng định giá trị của nông sản ền Tây nói riêng và nông sản Việt nói chung!         

Chị Thạch Thị Chal Thi - Ảnh tuoitrethudo

Từ những ngày đầu còn nhiều khó khăn, chị Thạch Thị Chal Thi không đơn độc khi có những sự động viên từ mọi người xung quanh. Trong đó, đặc biệt phải kể đến người chồng cũng là cộng sự đắc lực của chị - anh Phạm Đình Ngãi, hiện là Giám đốc điều hành (CEO) của Sokfarm. Trong khi chị Chal Thi là Thạc sĩ ngành Công nghệ thực phẩm thì anh Ngãi cũng tốt nghiệp Thạc sĩ ngành Kỹ thuật điện. Rời thành phố Hồ Chí Minh, từ bỏ công việc và cơ hội ở môi trường tiềm năng, anh Ngãi quyết định cùng chị Thi một lần thử sức với ý tưởng mới:

"Mình sống ở thành phố lớn, mình thấy được sự tiện nghi. Nhưng  mình vẫn xuất phát từ nông dân, gia đình của Ngãi ba mẹ là nông dân nên mình mong muốn giúp sức cho nông nghiệp. Và mình biết là mình đi đúng lợi thế của Việt Nam mình, một nước phát triển về nông nghiệp. Nếu mình chọn ngành lợi thế để phát triển thì chắc chắn mình sẽ gặp được những cơ hội".

Từ ý tưởng của chị Chal Thi, anh chị cùng cố gắng vượt qua những khó khăn bước đầu, trong đó có việc thuyết phục bà con nông dân cùng đồng hành. Nhiều bà con chưa tin rằng từ hoa dừa có thể thu được mật. Thời gian đầu, công ty phải rất kiên trì, tạo mô hình mẫu để giới thiệu và thuyết phục bà con. Mô hình hoạt động của Sokfarm là chuyển giao kỹ thuật thu mật hoa dừa cho những nông hộ đang có sẵn vườn dừa, hỗ trợ bà con chuyển đổi mô hình sản xuất. Bà con có thể đồng hành cùng Sokfarm bằng cách thu mật hoa dừa, sau đó mang mật hoa dừa đến nhà máy để bán vào mỗi buổi sáng.      

Sau 3 năm hoạt động, Sokfarm đã tạo được công ăn việc làm cho hơn 70 hộ nông dân tại huyện Tiểu Cần, tỉnh Trà Vinh. Dự kiến, cuối năm nay, con số sẽ được nâng lên khoảng 100 hộ. Mục tiêu của doanh nghiệp đến năm 2030 là liên kết với 1.000 hộ nông dân trồng dừa và những người lao động thuộc nhóm “yếu thế” tại tỉnh Trà Vinh để cùng hợp tác.

Mật hoa dừa là một trong những hướng đi mới cho bà con nông dân ền Tây, đặc biệt phù hợp trong việc thích nghi với tình trạng xâm nhập mặn, biến đổi khí hậu, mang về giá trị kinh tế ổn định hơn. So với ngành trồng dừa truyền thống thì giá trị kinh tế từ mật hoa dừa cao hơn từ 3 đến 5 lần.

"Cho thuê khai thác mật như vậy tôi thấy có lợi hơn, vì dừa khô giá không ổn định. Lúc lên lúc xuống nhưng xuống nhiều hơn lên, có khi 20.000-30.000 đồng, có khi 50.000 đồng/chục. Cho thuê thì ổn định hơn, 600.000 đồng/tháng trên 27 cây. Việc bón phân, ngừa sâu rầy thì phía công ty lo hết".     

Mô hình làm kinh tế từ mật hoa dừa cũng góp phần đưa những sản vật bản địa, mang đặc trưng của địa phương quảng bá đến bạn bè quốc tế. Ở Sokfarm hiện có một số sản phẩm như: nước uống mật hoa dừa, mật hoa dừa cô đặc, đường hoa dừa, giấm mật hoa dừa, mật hoa dừa lên men. Trong tháng 10/2022 này, sẽ có thêm nước tương mật hoa dừa, một loại nước tương không làm từ đậu nành, không chất bảo quản, không nguyên liệu phụ gia và ít muối.

Đối với thị trường trong nước, hiện tại sản phẩm đã có mặt tại 40 tỉnh thành của Việt Nam. Đối với thị trường xuất khẩu, hiện sản phẩm đã được xuất chính ngạch sang Nhật Bản và Hà Lan. Mặc dù thị trường xuất khẩu chỉ chiếm 10% nhưng đây cũng là tín hiệu đáng mừng, tạo động lực cho công ty giới thiệu thêm nhiều sản phẩm mới.  

Chị Thạch Thị Chal Thi giới thiệu sản phẩm của Công ty với Đại diện nhà tài trợ Canada. Ảnh: Thanh Hòa - TTXVN

Chị Chal Thi và anh Đình Ngãi là những người trẻ có quyết tâm khởi nghiệp và nâng cao giá trị nông sản tại địa phương. Đồng thời, anh chị có cùng quan điểm là thay vì kinh doanh sản phẩm theo mô hình truyền thống, bán nông sản thô thì sẽ đưa công nghệ chế biến vào để sản xuất, tạo ra những sản phẩm mới đáp ứng nhu cầu của thị trường.         

"Với hướng đi như vậy sẽ tăng được giá trị cho nông sản quê mình được tốt hơn. Và rõ ràng, mình có thể chứng nh được là nông sản bản địa Việt Nam rất tốt và có nhiều giá trị trong đó. Đối với doanh nghiệp trẻ như Sokfarm thì mình chọn giá trị đó để đưa bật lên bằng cách đưa chế biến vào, định vị sản phẩm, định vị thị trường, để người tiêu dùng nhớ về sản phẩm của mình hơn… Ngãi và Thi cũng muốn thổi một làn gió mới cho các bạn trẻ khi khởi nghiệp hoặc những doanh nghiệp đã khởi nghiệp lâu năm rồi: Hãy chế biến, hãy đưa công nghệ sản xuất vào sản phẩm nông nghiệp!"         

Mật hoa dừa Sokfarm là một trong những ý tưởng khởi nghiệp dựa vào lợi thế sẵn có của ngành nông nghiệp. Trên nền tảng của quá trình canh tác truyền thống, cộng thêm sự học hỏi, sáng tạo của người trẻ, đây được xem là hướng đi hiệu quả trong việc định vị giá trị các mặt hàng nông sản. Đồng thời, đây cũng là nguồn cảm hứng cho những ý tưởng khởi nghiệp mới:

"Mình cảm thấy đây là một ý tưởng rất hay và nó truyền cảm hứng cho bạn trẻ nói chung và phụ nữ nói riêng về vấn đề khởi nghiệp, tạo công ăn việc làm cho xã hội".

"Ý tưởng từ chị Thạch Thị Chal Thi đã cho tôi nhiều ý tưởng khác để tận dụng nguồn nông sản tại địa phương. Bởi vì mình bán nông sản thô thì giá trị nó không được cao".

"Trong khi mà em biết đến dự án Sokfarm của chị Thạch Thị Chal Thi thì em cảm thấy rất ngưỡng mộ. Em ở Vĩnh Long, em thấy quê em rất nhiều me, em có dự định dùng me ngào đường, đóng hũ để người ta chế biến nhiều loại thức ăn, nước chấm đa công dụng".

"Em phát triển các sản phẩm từ hoa sen, tinh dầu sen để làm ra bộ khử khuẩn, nến thơm, kem dưỡng da tay từ sen. Mỗi khi khó khăn em đều nhìn vào thương hiệu Sokfarm để tăng động lực cho mình".