Dễ nhận thấy vài năm trở lại đây, xu hướng du lịch của du khách đã có sự thay đổi khi phần đông muốn kết nối, gần gũi hơn với thiên nhiên, góp phần bảo vệ môi trường thông qua những trải nghiệm của chuyến đi.
Là người con của quê hương xứ dừa, anh Võ Văn Phong – Giám đốc công ty TNHH Truyền thông Du lịch C2T đã không ngừng học hỏi, nắm bắt những xu hướng mới này để sáng tạo nên những sản phẩm du lịch vừa khai thác tốt tài nguyên bản địa, vừa góp phần “chữa lành” môi trường.
Thưa anh Phong, một trong những xu hướng du lịch ngày càng được nhiều du khách lựa chọn là du lịch tái tạo hay du lịch tái sinh. Theo anh, du lịch tái sinh được hiểu như thế nào? Và có điểm gì khác so với du lịch bền vững?
Sau COVID- 19, nhận thức về con người, về môi trường, về các sự thay đổi của thiên nhiên nhiều hơn và du khách bắt đầu họ quan tâm đến môi trường nhiều hơn. Du lịch tái sinh là một dạng du lịch giảm tiêu cực đến môi trường, xu hướng du lịch mới. Nó khác với du lịch bền vững và các loại du lịch thông thường là nó mong muốn không chỉ trải nghiệm, gìn giữ hay là giảm tác động mà nó tái tạo lại môi trường, tái sinh lại những văn hóa dường như đã mất đi, thậm chí nó tạo ra những công ăn việc làm cho địa phương.
Suy cho cùng thì đối với anh, du lịch tái sinh nó là một dạng du lịch phục hồi những giá trị cũ để nó tạo ra những giá trị mới, giúp cho sự trải nghiệm của du khách khác biệt hơn.
Thông thường em sẽ nghe người ta nói về du lịch bền vững thì thường người ta nói về giảm thiểu, hạn chế, người ta giữ nguyên hiện trạng đó. Còn du lịch tái sinh nó rộng hơn nhiều và không chỉ giảm thiểu hạn chế mà nó tái tạo. Ví dụ như là em đi du lịch của C2T trên sông Bến Tre, em thưởng thức trái bần trên sông thì em tái tạo lại, trồng cây bần mới để phục hồi môi trường từ những cây bần này.
Anh có thể chia sẻ cụ thể hơn về cách làm của C2T trong việc mang đến những trải nghiệm cho du khách theo xu hướng du lịch tái sinh?
Du lịch C2T không chỉ đi trên sông mà chúng ta xem văn hóa ẩm thực, xem những văn hóa đánh bắt ở trên sông và văn hóa mặt nước. Nó giúp cho du khách nhìn thấy rõ người ĐBSCL họ sống ở ven sông như thế nào, họ đánh bắt cá ra sao và thưởng thức những con tôm con cá trên sông. Sau đó C2T mới giải thích với du khách rằng là cái con nào đủ kích thước thì chúng ta ăn, còn nó có trứng hay là nó không đủ kích thước chúng ta thả về sông, coi như là tái tạo lại để cho nó phát triển.
Du lịch bền vững, người ta hay dạy mình là sử dụng năng lượng tái tạo, chúng ta hạn chế hoặc là ăn tôm với triết lý vừa đủ nhưng mà tour tái sinh của C2T thì kêu gọi người dân trồng lại cây bần để tái tạo bờ sông, để đa dạng sinh học; thả tôm trứng về sông như phóng sinh vậy đó.
Đồng thời trong tour du lịch tái sinh cho người ta coi văn hóa về con đom đóm. Thông thường thì chúng ta sẽ coi con đom đóm, chúng ta hạn chế bắt nó, đúng không? Nhưng mà coi đom đóm chúng ta nói lại những văn hóa của ông bà ngày xưa; và để cho con đó nó phát triển chúng ta trồng lại cây bần, làm vệ sinh môi trường, hạn chế thuốc trừ sâu cũng như là những ánh sáng nơi có đom đóm để chúng ta bảo tồn và phát triển. Đó là cái mà du lịch tái sinh mà C2T làm suốt trong năm 2024.
Anh Phong đã lấy cảm hứng từ đâu để có thể kiên trì với hành trình góp nhặt kiến thức và xây dựng nên những sản phẩm du lịch mới mẻ, ý nghĩa như vậy?
Thật sự thì mình yêu quê hương, mình muốn tạo sự khác biệt. Thứ hai, những giá trị văn hóa của ông bà mình ngày xưa nó tạo ra những kí ức tuổi thơ của mình, nó tạo cho mình những cảm hứng. Mình đem những cái gì cũ, xưa để tạo ra những cái mới. Mình thấy rõ các bạn trẻ hiện nay các bạn ít chạm đến những cái văn hóa cũ. Ví dụ như nói tới con đom đóm thì rõ ràng nó rất là hiếm và các bạn trẻ hiện nay ít được xem thực tế. Mình là dân 8X, do đó mình có những ký ức rất là xưa.
Chuyện thứ hai nữa là biến đổi khí hậu nó thúc đẩy cho mình phải thay đổi. Thứ ba là thời gian gần đây, việc hợp tác quốc tế, khách châu Âu họ đến với Việt Nam nhiều hơn, du khách quốc tế, họ đến, họ chia sẻ, họ giúp đỡ cộng đồng những người làm du lịch ở Việt Nam nhiều hơn. Từ đó mình thấy đi theo những xu hướng mới, xu hướng mà thế giới đang đi. Đó là động lực thúc đẩy.
Đồng thời mỗi tỉnh có một kế hoạch tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 – 2030, có những chương trình hành động cụ thể, từ đó mình muốn phát triển thì mình phải dựa vào những lộ trình phát triển của tỉnh nhà, cũng như là lộ trình phát triển về tăng trưởng xanh của quốc gia.
Cam kết của Việt Nam đến năm 2050 phát thải ròng bằng 0, thì đây là những cái ý phải chuyển đổi xanh. Muốn xuất khẩu ra nước ngoài thì nhà máy cũng phải xanh, con người cũng phải xanh và thậm chí là du lịch cũng phải xanh. Đó là những điều khiến mình có cảm hứng thay đổi để đi theo xu hướng.
Cảm ơn anh Phong với những chia sẻ vừa rồi.
"Bên cạnh việc giới thiệu sản phẩm cho du khách thì C2T cũng tạo điều kiện cho du khách cùng tham gia bảo vệ môi trường, dù nhỏ thôi nhưng chúng tôi đánh giá rất cao".
"Đứng vai trò là người làm du lịch và cũng là người bạn đồng nghiệp của anh Phong, rất hâm mộ anh về sức sáng tạo cũng như khả năng khai thác tài nguyên bản địa để làm cho sản phẩm du lịch Bến Tre ngày một phong phú hơn. Hy vọng thời gian tới anh Phong sẽ có nhiều ý tưởng táo bạo hơn nữa để đóng góp thêm cho du lịch vùng sông nước Mekong".
Có thể nói, sau nhiều năm ệt mài tìm tòi, đổi mới và làm du lịch bằng sự tận tâm, tận tình, đúng với ý nghĩa của tên gọi C2T, đến nay sự nỗ lực, sức sáng tạo của anh Võ Văn Phong là điều không chỉ du khách mà cả đồng nghiệp và nhiều người có chuyên môn đều công nhận. Thế nhưng khi dám thử sức với các xu hướng mới, là một trong đơn vị làm du lịch ở tỉnh nhà tiên phong trong việc tạo cơ hội cho du khách thể hiện trách nhiệm với môi trường, sự tôn trọng văn hóa bản địa ngay trong các chuyến trải nghiệm, anh đã gặp phải không ít những khó khăn. Một trong số đó là quá trình chia sẻ thông tin cũng như thay đổi nhận thức của các thành phần liên quan trong chuỗi liên kết:
"Về mặt nhận thức, muốn đổi mới một sản phẩm, một mô típ mới, thì cần có thời gian và khó khăn ban đầu là phải giáo dục đội ngũ cán bộ nhân viên cũng như các vệ tinh trong hệ sinh thái, chuỗi liên kết của mình. Và phải cho họ thấy sự thay đổi đó", anh Phong cho biết.
Với anh, để phát triển du lịch đúng hướng, anh sẵn sàng chọn đi ngược hướng để đạt được những giá trị to lớn hơn. Đó là là bảo vệ môi trường, là giữ gìn, phát triển những nét đặc sắc trong đời sống văn hóa địa phương. Chia sẻ cụ thể hơn về tư duy làm “du lịch ngược hướng” của mình, anh Phong cho biết:
Anh Võ Văn Phong: Ví dụ như ngày xưa ông bà mình ăn cá kho hoặc tép rang dừa thì bây giờ mình làm du lịch, mình trang trí chỉn chu hơn, bắt mắt hơn và khi ăn mình kể câu chuyện của ông bà mình nhiều hơn. Đó là đi ngược về giá trị. Sang trọng, người ta đi xem bắn pháo hoa thì mình cho du khách đi xem đom đóm, hiểu về đom đóm… sẽ mang những giá trị lơn hơn. Ông bà mình ngày xưa chân thành đối đãi với khách ra sao thì mình cũng chân thành y như vậy.
Điều đáng mừng là trong suốt chặng đường hơn 6 năm qua, từ khi C2T được thành lập đến nay, chưa bao giờ sự khao khát quảng bá văn hóa quê hương nơi anh chậm nhịp. Đó cũng là động lực thôi thúc anh không ngừng học hỏi, tạo ra nhiều tour mới mẻ, đáp ứng đúng sự mong đợi của du khách khi đến với Bến Tre.
Là người đã từng trải nghiệm Net zero tour – một trong những sản phẩm du lịch của C2T từ năm 2023, Bà Nguyễn Thị Ngọc Dung - Phó giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Bến Tre nhận định: "Chúng tôi cũng rất vui khi một đơn vị lữ hành mời để thử nghiệm tour Net zero tour. Được trải nghiệm cái tour này thấy được tính chuyên nghiệp và cái hồn, cái lượng của loại hình du lịch trách nhiệm, đặc biệt là du lịch trách nhiệm với cộng đồng, với đồng sống văn hóa của người dân, góp phần cho du lịch bền vững".
Mong anh Phong sẽ luôn hết mình với niềm đam mê làm du lịch trách nhiệm để ngày càng đóng góp thêm nhiều giá trị cho quê hương.