Khi cơ sở giao nhận hàng nằm trên mặt phố

Theo ghi nhận của VOV Giao thông, chỉ một đoạn đường Nguyễn Khang từ đường Cầu Giấy tới cầu Yên Hòa có tới 3 cơ sở giao nhận hàng chuyển phát nhanh.

Việc xuất hiện ngày càng nhiều các cơ sở này ở mặt đường nhiều tuyến phố Hà Nội đã đáp ứng nhu cầu càng cao của khách hàng, nhưng có một thực tế là hoạt động của các cơ sở này lại đang ảnh hưởng không nhỏ đến giao thông đi lại và nhiều yếu tố khác.

Phóng viên VOV Giao thông đã trò chuyện cùng người dân và đại diện doanh nghiệp về các tác động đến giao thông, công việc của họ khi cơ sở đóng gói giao nhận hàng hóa chuyển phát nhanh trên mặt đường. Trước tiên, là cuộc trò chuyện cùng một người dân ở đường Nguyễn Khang

Thưa chị, lòng đường phố Nguyễn Khang khá nhỏ hẹp, ở đây lại có nhiều cơ sở của các đơn vị nhận giao hàng chuyển phát nhanh, nó gây ảnh hưởng thế nào đến giao thông?

Đường thì đã bé, một nửa bên đường họ chiếm, họ để đồ nên ùn ứ hết một góc ở cầu Yên Hòa, người ta không vào được, không ra được là thành tắc đường.

Xe máy mà họ dùng để đi giao hàng ở các điểm với các thùng to là chiếm hết vỉa hè, người đi bộ không còn chỗ, có hôm thì để dưới cả lòng đường.

Một điểm giao nhận hàng, chuyển phát nhanh trên phố Nguyễn Khang, (quận Cầu Giấy, Hà Nội)

Chị quan sát thấy thời gian và tần suất của các xe chở hàng đến các cơ sở này như thế nào?

Mình thấy thường xuyên, sáng thì tầm 7 - 8h, tầm chiều tối là nhiều, mình thấy tầm 5h30-6h là họ hay chở hàng về, quay đầu xe mà tầm đó thì cầu Yên Hòa rất tắc, ngày nào cũng như ngày nào.

Việc tập kết hàng như thế này không chỉ gây cản trở giao thông mà còn có những nguy cơ về cháy nổ, mất mỹ quan đô thị. Về điều này chị thấy sao?

Họ lấn chiếm lòng lề đường nhiều quá, rác họ bỏ ra cũng rất là nhiều, ở gốc cây là họ vứt bừa bãi, bao tải các thứ nhiều lắm. Mình đi qua mình thấy như vựa đồng nát vậy.

Chị có đề nghị để các hoạt động này không gây cản trở giao thông và mất mỹ quan đường phố ạ?

Ai cũng có cửa hàng, họ cũng phải bỏ tiền ra thuê nhưng họ làm sao gọn gọn vào để ít tắc đường hơn.

Xin cảm ơn chị!

Vỉa hè thường xuyên bị lấn chiếm để làm nơi giao, nhận hàng

Dưới góc nhìn của doanh nghiệp, các cơ sở nhận giao hàng chuyển phát nhanh đã đáp ứng được nhu cầu vận chuyển hàng hóa của khách hàng, dù không tránh khỏi những tác động đến giao thông. VOV Giao thông chuyện trò cùng ông Đỗ Văn Bằng - Giám Đốc Công ty TNHH TM&ĐV Minh Thành Phát, đồng thời là Chủ tịch Hiệp hội Vận tải thành phố Hà Nội về điều này.

PV: Ông đánh giá thế nào về sự phát triển của mạng lưới các điểm giao nhận hàng hóa hiện nay?

Ông Đỗ Văn Bằng: Trên các tuyến phố Hà Nội và các tỉnh thành đã hình thành các điểm chuyển phát nhanh để đáp ứng nhu cầu thực tế của xã hội. Hiện nay các điểm này phân bổ ở rất nhiều nơi trong thành phố, nhưng để đúng quy định thì chưa đạt được.

PV: Vậy ông có kiến nghị gì cho hoạt động của các điểm giao nhận hàng hóa này?

Ông Đỗ Văn Bằng: Chúng ta cần bố trí có những tuyến đường và vị trí cho hệ thống này, chúng ta quan tâm đến nhu cầu thực tế của xã hội, còn để quy chuẩn lại vấn đề này thì cần có thời gian để đưa ra các quy chuẩn. Luật Giao thông đường bộ được áp dụng từ 1/1/2025, trong đó đang xây dựng hệ thống Nghị định, Thông tư liên quan đến các vấn đề bãi đỗ xe, kho bãi logistics, bãi giao nhận hàng hóa thì có thể trong thời gian tới sẽ có các quy định về các bãi đỗ, điểm trả trong thành phố.

PV: Vâng, xin cảm ơn ông với cuộc trò chuyện cùng VOV Giao thông.

Tình trạng các cơ sở giao nhận hàng chuyển phát nhanh lợi dụng vỉa hè, đường giao thông để tập kết, giao nhận hàng hóa đã và đang làm ảnh hưởng đến cuộc sống và đi lại của người dân.

Trong khi đó, ở nhiều tuyến đường chưa có biển cấm dừng, cấm đỗ và căn cứ theo pháp luật, nội dung này chưa đủ điều kiện để xử phạt. Do đó, người dân mong muốn tăng cường, giám sát hoạt động này và có những biện pháp xử lý nghiêm với các cơ sở gây ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường.