Khắc khoải Dù Kê

Sân khấu kịch Khmer Nam bộ đến nay có 2 loại hình chính là Rô - Băm và Dù Kê. Nếu như múa Rô - Băm xuất phát từ cung đình thì nghệ thuật Dù Kê vốn sinh ra từ nhân dân lao động.

Buổi đầu, Dù Kê phải diễn trên nền đất với cái danh “kịch hát giàn bầu” và diễn viên là những người nông dân tay cày tay cuốc. Nhưng đã hơn 100 năm nay, Dù Kê vẫn là món ăn tinh thần không thể thiếu trong đồng bào dân tộc Khmer.

Đồng bào phum, sóc có thể thức thâu đêm để xem kết thúc vở Dù Kê. Điều này cho thấy, tình yêu của đồng bào dành cho loại hình nghệ thuật này vẫn vẹn lòng mặc cho Dù Kê có phai phôi theo thời gian do bị cạnh tranh và thiếu lực lượng kế thừa. 

Dù Kê còn có tên gọi khác là Lakhôn Bassắc, nghĩa là kịch hát của người Khmer ở vùng sông Bassắc (sông Hậu).

Cần phân biệt rõ giữa hai thể loại sân khấu Rô - Băm và nghệ thuật Dù Kê. Sân khấu Rô – Băm hình thành từ xa xưa trong cộng đồng người Khmer thuộc thể loại kịch múa cổ điển, biểu diễn phục vụ cung đình và xuất phát từ Campuchia. Rô - Băm đòi hỏi tuân thủ nhiều quy tắc về kịch bản, trang phục, trình độ biểu diễn và trình độ thưởng thức cao, nhưng giá trị về nội dung thì đơn giản. Còn nghệ thuật Dù Kê thì chỉ mới xuất hiện từ năm 1920, thuộc thể loại ca kịch dân gian.

Dù Kê còn có tên gọi khác là Lakhôn Bassắc, nghĩa là kịch hát của người Khmer ở vùng sông Bassắc (tức sông Hậu). Dù Kê ra đời trên cơ sở kế thừa những loại hình nghệ thuật đã có trước đó, như: Bô – Băm của người Khmer, cải lương của người Kinh và hý kịch của người Hoa. Điểm nhấn của loại hình này là có triết lý nhân sinh sâu sắc.

Ông Kim Lươn - Ủy viên Ủy ban MTTQ tỉnh Sóc Trăng, Nguyên Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn dân tộc tôn giáo - Ủy ban MTTQ tỉnh Sóc Trăng cho biết: “Nghệ thuật sân khấu Dù Kê là loại hình nghệ thuật mới trong đồng bào Khmer nhưng xuất xứ thì ở Nam Bộ, đúng hơn là ở phường 7, TP. Sóc Trăng ngày nay. Nội dung biểu diễn thường trích, biên soạn từ trường ca ( văn học cổ của người Khmer). Ví dụ như: Thạch Sach, Tấm Cám… cũng được sử dụng vào vở diễn”.

Theo các bậc cao niên trong đồng bào Khmer tại Nam Bộ thì Dù Kê ra đời lần đầu tiên bắt nguồn từ gánh hát của ông Chhà Kọn với bảng hiệu “Tự Lập Ban” tại làng Văn Trạch, nay thuộc xã An Hiệp (Châu Thành – Sóc Trăng). Ông Danh Bê – diễn viên của Đoàn Nghệ thuật Khmer Kiên Giang chia sẻ thêm: “Đây là nghệ thuật cổ truyền của dân tộc Khmer chúng tôi từ xưa đến giờ, từ đời ông nội, đời ba tôi và đời tôi. Tôi có máu văn nghệ và không bỏ được. Rồi đi đây đi đó lưu diễn để truyền lại cho con cháu chúng tôi giữ gìn”.

Một cảnh trong vở “Nghĩa tình không phai tàn” của Đoàn Nghệ thuật Khmer Răksamây Chandara (Trà Vinh).

Giống như cải lương hay hát bội, nội dung của kịch hát Dù Kê cũng xoay quanh những mối quan hệ gia đình, xã hội, tình yêu đôi lứa. Nội dung đều đề cao đạo lý làm người, hướng thiện, ca ngợi thiện lương, lên án cái ác. Trong đó, sợi chỉ đỏ xuyên suốt là triết lý “Ác lai ác báo”, “Ở hiền gặp lành”. Chính vì ra đời dựa trên trí tuệ, tinh thần và tình yêu cái đẹp nên Dù Kê nhanh chóng được phổ biến khắp các tỉnh ĐBSCL với nhiều ban, gánh, đoàn nghệ thuật Khmer lần lượt ra đời. Trong đó, các tỉnh phát triển mạnh nghệ thuật Dù Kê là: Trà Vinh, Sóc Trăng, Kiên Giang và An Giang.

Ông Lục Thanh Hiệp – Phó Trưởng Đoàn Nghệ thuật Khmer tỉnh Sóc Trăng cho biết: “Nghệ thuật sân khấu Dù Kê đã thấm sâu vào trong máu của đồng bào dân tộc Khmer mình. Tất cả các đoàn Nghệ thuật ở ĐBSCL khi có diễn Dù Kê ở bất cứ nơi nào dù xa xôi nhưng bà con cũng tới xem rất đông. Có những nét mình nhìn được cách bà con tin yêu là dù vỡ diễn kéo dài đến tận 0h mà bà con vẫn trải chiếu ngồi xem đến hết”.

Sân khấu ca kịch Dù Kê có cốt truyện rõ ràng, được kết cấu theo chương hồi. Một vở được phát triển trên nền nhạc ca hát, đối thoại và động tác diễn. Điểm đặc biệt là mỗi lời hát đều kèm theo các điệu múa, sự kết hợp giữa tay và chân. Tích tuồng các vở thường thể hiện lại các truyền thuyết, huyền thoại của dân tộc Khmer như: Linh - thôn, Sac-kinh-ni...được rút ra từ các trường ca của Ấn Độ.

Người không biết tiếng Khmer khi theo dõi diễn biến của vở Dù Kê vẫn có thể hiểu được cốt truyện. Với 3 tuyến nhân vật chính: tuyến Hoàng tử tiêu biểu cho cái thiện và tinh thần anh hùng, tuyến bên Chằn tiêu biểu cho cái ác, tuyến động vật Khỉ tiêu biểu cho lòng trung thành và mưu lược.

Trong các vai diễn, vai Chằn là đòi hỏi công phu và khổ luyện. Nhân vật Chằn được vẽ mặt, vừa ngậm nanh, múa võ lại còn phải đối thoại. Nhưng không phải ai chuyên tâm khổ luyện đều thành công, mà phải cần có năng khiếu.

Ngoài ngậm nanh thuần thục, người thủ vai này còn phải thuộc các bài võ dành riêng cho nhân vật phản diện được Khmer hóa, luyện thanh sao cho giọng la cũng nghe vang hơn, dữ tợn hơn. Chính vì khổ nhọc mà mỗi một vở Dù Kê hoàn thiện là nhận được sự quan tâm và ngưỡng mộ của đông đảo đồng bào. Thế mới nói, Dù Kê là “viên ngọc” sáng trong văn hóa nghệ thuật Khmer Nam Bộ.

Mỗi một vở diễn Dù Kê có ít nhất 40 diễn viên góp sức và hoành tráng từ phông màn đến sân khấu, ánh đèn.

Ông Trần Hận – Diễn viên thuộc Đoàn Nghệ thuật Khmer Ánh Bình Minh, tỉnh Trà Vinh cho biết: “Tôi chuyên thủ vai Chằn đến nay đã 25 năm, 14 tuổi theo cha đi diễn, thấy ông Chằn bước ra thấy dữ tợn rồi thích cho đến nay. Đầu tiên để diễn vai này thì tôi phải học múa trước, học vẽ mặt và học hát. Nhất là học lăn, lăn lên lăn xuống đau và mệt đến nỗi không đi được. Nếu không có máu văn nghệ là không diễn vai Chằn này được”.

Nhạc cụ cho một vở Dù Kê khá nhiều, như: Trô-sô (đờn cò), Khưm (Tam thập lục Khmer), Tà-khê (đờn cá sấu), dàn Pưn-pết (dàn nhạc ngũ âm)… Khi tấu lên có giai điệu mượt mà, khi rộn ràng, vui tươi, khi sâu lắng, bi ai. Mỗi một vở diễn có ít nhất 40 diễn viên góp sức và hoành tráng từ phông màn đến sân khấu, ánh đèn.

Từ năm 1980 đến năm 2000, sân khấu Dù Kê tại ĐBSCL hoạt động và phát triển rực rỡ nhất. Nhiều nghệ sĩ Dù Kê tài năng đã được đào tạo và biểu diễn, để lại dấu ấn sâu đậm trong lòng khán giả. Thời đó, tại Kiên Giang, mỗi năm Đoàn Nghệ thuật Khmer Kiên Giang biểu diễn gần 60 tuồng nghệ thuật Dù Kê tại các xã vùng sâu vùng xa. “Dấu son” của mỗi đêm diễn là thu hút trên 2.000 người đến xem, vé bán không đáp ứng đủ nhu cầu của người dân.

Tuy nhiên, cùng với sự phát triển của xã hội hiện đại, nghệ thuật Dù Kê cũng phải đối mặt với nhiều khó khăn và thách thức. Sự xuất hiện của nhiều loại hình giải trí mới khiến cho Dù Kê dần mất đi sức hút. Các đoàn Dù Kê gặp nhiều khó khăn trong việc duy trì hoạt động, thiếu nguồn nhân lực trẻ kế thừa, thiếu nguồn lực đầu tư, trang thiết bị, trang phục. Thế hệ nghệ sĩ Dù Kê gạo cội ngày càng già yếu, trong khi lớp trẻ chưa mặn mà với loại hình nghệ thuật truyền thống này. Dù Kê chỉ còn được khởi diễn trong các dịp lễ, hội như: Tết Chol Chnam Thmay, Sen Dolta, Ok Om Bok. Những “ông bầu” gánh hát cũng trăn trở tìm hướng xoay sở cho “chén cơm” của anh em mình.

Dù hiếm hay ít dần các vở diễn nhưng Dù Kê luôn là bản sắc riêng của đồng bào Khmer Nam Bộ.

Ông Bố Sụl – Trưởng Đoàn Nghệ thuật Khmer quần chúng huyện Long Phú, tỉnh Sóc Trăng tâm tư: “Bây giờ khó chỗ này, làm nghệ thuật mình phải biết, tháng mưa là không làm gì được, nhiều lúc ngủ bờ ngủ bụi, nên phải có đam mê mới làm được. Có những người ban ngày đi làm công nhân lao động, ban đêm đi diễn cho mình. Nên phải đòi hỏi có đam mê người ta mới chịu đi theo mình”.

Để bảo tồn, hàng năm, các đoàn đều phục dựng, sáng tác nhiều kịch bản Dù Kê mới và vào mùa khô tổ chức hàng chục chuyến lưu diễn phục vụ bà con Khmer khắp các địa phương. Ở ĐBSCL hiện nay, đoàn nghệ thuật Ánh Bình Minh (tỉnh Trà Vinh) là đơn vị đi đầu trong việc bảo tồn các loại hình nghệ thuật truyền thống của dân tộc Khmer, trong đó có Dù Kê. Điểm nổi bật ở đoàn Ánh Bình Minh là quan tâm đào tạo thế hệ kế thừa. Các lớp đào tạo múa Khmer, hát dù kê thường xuyên được tổ chức đã góp phần vun bồi những hạt mầm mới cho nghệ thuật Dù Kê.

Còn ở xã Xà Phiên, huyện Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang, sau 20 năm rã gánh nhưng những nghệ nhân năm xưa vẫn còn đắm say với từng điệu múa lời ca. Hễ rảnh là họ quây quần nhau diễn các tuồng tích Dù Kê. Không có áo mão, mặt nạ hay đạo cụ, sân khấu nhưng những nghệ nhân này vẫn hát say sưa với một niềm mong mỏi là lại được một lần lên sân khấu Dù Kê, được hỉ, nộ, ái, ố.

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận nghệ thuật sân khấu Dù Kê của người Khmer là Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia vào năm 2014. Đây là bệ phóng để những tiếng đàn, tiếng hát Dù Kê thêm ngọt ngào, rộn rã và trường tồn.

Dù hiếm hay ít dần các vở diễn nhưng Dù Kê luôn là bản sắc riêng của đồng bào Khmer Nam Bộ, chỉ có họ mới sở hữu được những đường cong trong từng điệu múa và cũng chỉ có nghệ nhân trong đồng bào dân tộc mới thủ được những vai diễn để đời trên sân khấu Dù Kê.