Huỳnh Văn No và khát vọng khởi nghiệp từ tài nguyên bản địa (28/10)

Sinh ra và lớn lên ở vùng sông nước thuộc huyện Gò Quao, tỉnh Kiên Giang, anh Huỳnh Văn No (29 tuổi) đã sớm nhận ra tiềm năng của vùng nguyên liệu cỏ sậy, cỏ bàng dồi dào ở vùng đệm Rừng U Minh thượng.

Người lạc quan luôn nhìn được những cơ hội trong từng khó khăn. Vượt qua những biến động lớn về thị trường do tác động của đại dịch COVID-19, tại Kiên Giang, đã có một chàng trai tên No đã khởi nghiệp thành công, cùng người dân kiến tạo cuộc sống ấm no, từ việc khai thác tài nguyên bản địa là cây cỏ bàng, cỏ sậy trở thành hàng triệu ống hút độc đáo xuất khẩu sang nhiều quốc gia.         

Sinh ra và lớn lên ở vùng sông nước thuộc huyện Gò Quao, tỉnh Kiên Giang, anh Huỳnh Văn No (29 tuổi) đã sớm nhận ra tiềm năng của vùng nguyên liệu cỏ sậy, cỏ bàng dồi dào ở vùng đệm Rừng U Minh thượng.

Sau thời gian dài mài mò, nghiên cứu, năm 2019, chàng trai sinh năm 1993 quyết định chọn những loại cây cỏ này để làm ống hút, vừa góp phần bảo vệ môi trường, vừa đem đến công ăn việc làm cho người dân ở địa phương. 

Anh Huỳnh Văn No với các sản phẩm xanh, thân thiện với môi trường - Ảnh hcmcpv.org

PV: Xin được gửi lời chào đến Anh Huỳnh Văn No. Đầu tiên, Anh có thể cho biết cơ duyên nào đã thúc đẩy Anh phát triển mô hình khởi nghiệp với sản phẩm cốt lõi là ống hút từ cỏ sậy, cỏ bàng?

Anh Huỳnh Văn No: Câu chuyện cũng khá dài, cộng hưởng từ nhiều thứ, bản thân Non được chu du khoảng 23 quốc gia trên thế giới, mỗi nơi đến mình tiếp thu được cái hay, cái tiên tiến của họ. Đến Singapore thì mình rất ngạc nhiên về cách họ bảo vệ môi trường. No mới chợt nghĩ ra mình nên làm gì đó cho cộng đồng, trên đường đi về, No trăn trở và chợt nghĩ tới sử dụng cây cỏ ở đồng quê VN để thay thế ống hút nhựa.

Vì ngày xưa mình ra đồng chơi cùng anh chị là lấy cỏ bàng để làm cái ống hút. Cộng hưởng với việc muốn tạo cơ hội việc làm cho bà con quê mình nên thúc đẩy No khởi nghiệp từ việc tạo ra ống hút cỏ bàng, cỏ sậy.

PV: Vậy những sản phẩm chủ lực hiện tại của mình là gì? Khi cỏ sậy, cỏ bàng được làm thành ống hút thì giá trị đã tăng thế nào Anh ha?

Anh Huỳnh Văn No: Hiện tại No sản xuất 2 loại là cỏ bàng và cỏ sậy, trước nay nó chỉ có thể làm nón cỏ bàng, túi xách hay cỏ sậy thì hầu như chưa tận dụng.

Điểm chung là giá trị kinh tế không cao. Tạo ra ống hút thì giá trên thị trường, ống hút 20cm giá 500-620đồng/ống tuỳ số lượng đơn hàng. Ống cỏ bàng thì 350-400 đồng/ống hoàn toàn tự nhiên.

PV: Suốt quá trình đó, anh đã gặp thuận lợi và khó khăn gì Anh ha?

Anh Huỳnh Văn No: Thuận lợi thì được gia đình ủng hộ, hỗ trợ tìm nguyên liệu, máy móc… Mình đi tour cũng tiếp xúc nhiều anh chị có chuyên ngành cũng được tư vấn.

Còn cái khó khăn thì đây gần như là ngành mới nên mình tự tìm tòi sản xuất ra máy, công cụ hỗ trợ sản xuất kinh doanh. Từ ý tưởng ban đầu đến lúc ra thành phẩm thì nó là quãng đường dài. Khó khăn nhất là việc tìm ra kỹ thuật, thiết bị máy móc, mình phải tìm tòi, học hỏi rất nhiều.

Trước đây mình dùng dao cắt cỏ bàng ra cái ống hút, nó không đẹp và phát sinh ra nhiều khâu sau nữa. Nên mình tìm tòi được cái máy cưa thì nó giúp giảm nhân công, vết cắt đẹp không cần mài, dũa lại nữa.

PV: Dù đối mặt với khó khăn do dịch bệnh, được biết các sản phẩm của Anh vẫn được “xuất ngoại” và thị trường chấp nhận. Đó là nhờ đảm bảo tiêu chuẩn kỹ thuật, chất lượng sản phẩm hay yếu tố nào khác?

Anh Huỳnh Văn No: Mùa dịch thì ngành nào cũng ảnh hưởng, xuất khẩu năm rồi thì nó ít hơn năm ngoái. Nhưng được Canada, Châu Âu, Mỹ… đã có chính sách cấm sản phẩm một lần dùng, thì thị trường họ đang cần mình. Đó là cái may mắn.

Sản phẩm bên No đã có chứng nhận, cái test report. Sản phẩm xuất thị trường nào thì mình sẽ kiểm nghiệm xem hợp không. Sản phẩm No thì đủ điều kiện được xuất sang Mỹ và Châu Âu, nhất là khi sản phẩm tiếp xúc với đồ uống.

Đại đa số khách hàng thì họ liên lạc mình, mình chứng nh được chất lượng sản phẩm, mình cho họ thấy quy trình làm thế nào, cam kết đảm bảo như test report để họ tin mình. Thứ 2 là kể cho họ nghe câu chuyện của mình thì họ sẽ đồng hành.

PV: Thực tế ống hút cỏ bàng, cỏ sậy hay tre nứa không hẳn là mới, Anh No có định hướng gì để tạo lợi thế cạnh tranh cũng như thuyết phục được người tiêu dùng tin dùng sản phẩm của mình?

Anh Huỳnh Văn No: Nhìn chung nó nó có khó khăn là việc bảo quản. Cỏ bàng hay sậy đều bỏ nơi khô ráo, thoáng khí… đảm bảo tiêu chuẩn thì giữ được lâu. Trong quá trình đóng gói, tư vấn cho khách thì mình có nhắc việc này.

Tư vấn cho họ trong một ngày sử dụng bao nhiêu ống hút thì có bài toán 100 ống thì đóng túi đúng ngày đó.

Qua ngày đó tháo túi kế tiếp, vừa tiết kiệm phí đóng gói, vừa hạn chế hư hỏng do bị mốc. Như vậy giảm chi phí cho khách rất nhiều. Mình phải theo chân họ, tư vấn và tối ưu hoá việc bảo quản. No đang có kế hoạch khuyến khích cho các resort, nhà hàng ở VN chuyển sang dùng sản phẩm này.

Du khách họ đến sẽ đánh giá cao dịch vụ này, và góp phần bảo vệ môi trường. No cũng giải quyết vấn đề làm sao đưa ra giá hợp lý hơn… đang trong kế hoạch thực hiện.

PV: Xin cảm ơn Anh Huỳnh Văn No đã chia sẻ. Mến chúc Anh nhiều sức khoẻ, sản phẩm tới đây sẽ đa dạng hơn, hữu dụng hơn nữa góp phần bảo vệ môi trường và chinh phục nhiều thị trường khác nhau, anh nha!

Anh Huỳnh Văn No chọn lọc những cây sậy đạt tiêu chuẩn để làm ống hút - Ảnh vnexpress

Năm 2021, xuất khẩu hơn 1,5 triệu ống hút cỏ bàng, cỏ sậy tới đức, khoảng 50.000 ống hút tới New Zealand và hơn 40.000 ống hút tới Áo. Doanh thu đạt hàng trăm triệu đồng. 

Năm 2022, ống hút cỏ bàng, cỏ sậy của Anh No tiếp tục chinh phục được Nhật, Mỹ, Canada…    

Các con số đáng chú ý trên đã chứng nh được tiềm năng của sản phẩm độc đáo từ chính nguồn nguyên liệu, tài nguyên bản địa ngay tại địa phương. Đồng thời, cũng là kết quả xứng đáng cho những nỗ lực của thanh niên trẻ Huỳnh Văn No “dám nghĩ, dám làm” khi rẽ lối, chọn khởi nghiệp.    

Khởi nghiệp chưa bao giờ là dễ dàng, dù nguồn nguyên liệu sẵn có tại địa phương, ông chủ của những chiếc ống hút cỏ bàng, cỏ sậy cho biết phải chọn lọc những cây sậy đạt tiêu chuẩn để làm ống hút. Cụ thể, cây phải đạt độ già, thẳng và không quá nhiều mắt. Thân sậy sau khi được phơi ráo nước, sẽ được người thợ cắt thành từng khúc 15-21 cm hoặc theo yêu cầu của khách hàng.

Thời gian đầu, công việc còn khá mới mẻ với người địa phương và các loại máy móc đều chưa có trên thị trường nên anh No phải tự chế máy cắt, máy vệ sinh ống hút. Nói thêm về bí quyết giúp sản phẩm mới mẻ này chinh phục được khách hàng trong và ngoài nước, anh No cho biết: "Hệ sinh thái sẽ tái tạo nhanh hơn, không ảnh hưởng nhiều. Ưu điểm thứ 2 là về giá. Ưu điểm thứ 3 mình chỉ sử dụng 1 lần thì hợp lý hơn là ống hút mình sử dụng lại".

Bằng những nỗ lực không ngừng, sự hỗ trợ từ hai anh trai của mình, Anh Huỳnh Văn No đã tạo lập nhà xưởng sản xuất ống hút. Nhà xưởng khan trang, đơn hàng dồi dào, Anh No đã tạo việc làm thường xuyên cho 15 nhân công và 30 - 40 nhân công làm thời vụ, tùy theo đơn hàng.

Ông Nguyễn Văn Thế, Phó chủ tịch Liên nh Hợp tác xã tỉnh Kiên Giang, đánh giá, việc khởi nghiệp của No vừa giúp bà con ở các vùng trồng cây nguyên liệu có thêm thu nhập, đồng thời giúp bà con ở Kiên Giang quê hương có nhiều việc làm khi tham gia sơ chế, sản xuất, đóng gói ra chiếc ống hút để xuất khẩu. 

Anh No kiểm tra các ống hút được sấy khô lần cuối, trước khi đóng gói và tiêu thụ sản phẩm - Ảnh vnexpress

Nói về những kì vọng trong tương lai gần, Anh Huỳnh Văn no ao ước có thể tiếp tục tự phát triển nguồn nguyên liệu cỏ bàng, cỏ sậy tại quê nhà nhằm chủ động hơn trong sản xuất. Chàng thanh niên này hy vọng sẽ nhân rộng sản phẩm này để ống hút nhựa sẽ dần được thay thế, đồng thời, tạo thêm giá trị cho cộng đồng, cho chính người nông dân quê mình:

"Những hộ nông dân nào đó, anh chị nào đó có khả năng sản xuất, quản lý,...thì mình sẽ bàn giao, tư vấn máy móc mình đã làm xong. Tư vấn, giám sát về chất lượng, mình thu về số lượng. Sắp tới mình sẽ xây dựng mô hình liên kết sản xuất"

Theo lời Anh No, anh là con thứ 6 trong gia đình thuần nông. Sâu trong trái tim của anh là một ước mơ bình dị như chính cái tên mà ba mẹ đã đặt cho anh: No, với mong mỏi con mình sau này không chịu cảnh nghèo, khó khăn như mình. Với anh, khởi nghiệp không chỉ để cho mình, mà còn giúp bà con địa phương “đổi đời ấm no” nhờ công ăn việc làm ngay tại quê nhà, không phải “tha hương cầu thực”.

Một điều hành phúc hơn nữa, khiến anh Huỳnh Văn No và bà con địa phương có động lực để tiếp tục tham gia sản xuất ống hút cỏ bàng, cỏ nhựa, là họ đã cùng chung tay, góp phần thay đổi nhận thức của người dân về tác hại của rác thải nhựa. Bởi theo tính toán của các nhà khoa học, để phân hủy một chai nhựa cần từ 450 - 1000 năm; ống hút nhựa cũng từ 100 - 500 năm.

Nhìn lại chặng đường dài đã đi, mang sản phẩm chinh phục người dân trong nước đến các thị trường khó tính như Đức, Hà Lan, Áo, Singapore, New Zealand…. Huỳnh Văn No cho biết, bản thân "được nhiều hơn mất". Anh được hiện thực hóa được ý tưởng và trăn trở của mình bấy lâu nay, được trải nghiệm một lĩnh vực hoàn toàn mới như sản xuất, nghiên cứu thị trường, xuất khẩu…

Và quan trọng, là được truyền cảm hứng cho rất nhiều người trẻ ở ền Tây nói riêng, cả nước nói chung trong việc khởi nghiệp từ chính nguồn tài nguyên bản địa tại quê hương.    

Từ câu chuyện của anh Huỳnh Văn No, mong rằng tới đây, những người trẻ sẽ mạnh dạn bước ra khỏi vùng an toàn, nỗ lực phát triển kinh tế bản thân, đồng thời đóng góp cho quê hương, đất nước. Song song đó, các địa phương sẽ tiếp tục thúc đẩy phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo gắn liền với tài nguyên bản địa, từng nước giúp khai thác và nâng cao giá trị nguồn tài nguyên nông nghiệp bản địa rất tiềm năng, bằng sự sáng tạo, công nghệ hiện đại gắn liền với việc bảo vệ môi trường./.