Huyền thoại dây đờn Rạch Giá

Xuôi dòng kinh nhỏ về miệt thứ Kiên Giang, mảnh đất từng là nơi sớm tiếp thu những tinh hoa của nghệ thuật Đờn ca tài tử từ đầu thế kỷ 20.

 Từ là từ phu tướng

Bảo kiếm sắc phong lên đàng

Vào ra luống trông tin chàng

Đêm năm canh mơ màng

Vùng đất sông Kiên khi ấy xem Đờn ca tài tử là loại hình sinh hoạt văn hóa gắn kết cộng đồng, phản ánh tâm tư, tình cảm của người dân ệt bưng biền, láng lung. Trong những năm tháng thăng trầm của lịch sử, Đờn ca tài tử Nam Bộ chứng kiến sự ra đời của bản Dạ cổ Hoài lang và cây đàn guitar phím lõm như một khởi nguồn cho sự xuất hiện của dây đờn Rạch Giá những năm sau này. 

Một Hội thi Đờn ca tài tử tỉnh Kiên Giang (Ảnh nh họa: TTXVN)

 

Dây Rạch Giá - xuất phát từ giới nghệ nhân Kiên Giang - là tên gọi của một kiểu so dây đàn cổ trong giới Đờn ca tài tử từ đầu thập niên 30 cho đến giờ. So với các cách so dây khác như dây Bạc Liêu, dây Long An, dây Sài Gòn, dây Ngân Giang (Bảo Chánh), dây Tứ Nguyệt, dây Xề, hoặc gọi thẳng tên người cải biên ra dây đó như: dây Văn Vỹ, Văn Giỏi, Hoàng Thành… thì dây Rạch Giá ra đời sớm hơn hẳn. Sự xuất hiện của dây Rạch Giá gắn liền với sự phát triển của bản vọng cổ từ bản Dạ cổ Hoài Lang và góp phần vào sự hình thành của cây đàn guitar phím lõm.

Đêm rằm (15) tháng 8 năm 1919, tại làng Vĩnh Hương, tổng Thạnh Hòa, tỉnh Bạc Liêu (nay là phường 2, thị xã Bạc Liêu), ông Cao Văn Lầu đã công bố bản Dạ cổ Hoài lang trước đông đảo nhạc sĩ, nghệ nhân và những người mến mộ tài tử ở Bạc Liêu. Không lâu sau bài Dạ cổ Hoài lang được đổi tên và tăng nhịp. Đến khi bản vọng cổ này được tăng đến nhịp tư rơi vào khoảng thập niên 30 của thế kỷ thứ XX thì một buổi chiều kia, trên bến sông Kiên, trước đông đảo nghệ nhân tài tử ở Rạch Giá, có một ông giáo đứng lên xin độc tấu bản vọng cổ nhịp tư bằng cây đờn sở trường của mình. Tiếng đờn vừa dứt, những tràng pháo tay tán thưởng rộ lên.

Ông giáo tại bến sông Kiên ngày đó chính là ông giáo Tiên, ở thị xã Rạch Giá. Ông Tiên làm nghề dạy học lâu năm rất thích đờn ca hát xướng. Ông có cây đờn octavina (một loại đàn nhỏ, lên dây như cây mandolin, nhưng hình dáng của nó giống như cây đàn guitar). Ông giáo Tiên dùng cây octavina hòa tấu cùng mấy cây đàn cổ như tranh, bầu, kìm, cò... để chơi nhạc vọng cổ. Sau màn trình diễn ở bến sông chiều hôm ấy, người ta gọi kiểu so dây từ cây đàn octavina của ông giáo Tiên chơi là dây Rạch Giá. 

Theo nhịp thời gian, từ năm 1931 đến năm 1935 là thời gian phát triển và hoàn thiện dây Rạch Giá từ nhịp 4 lên nhịp 8, 16, 32, 64 trên cây đàn Octavina và đàn guitar phím lõm. Nói về sự hình thành của cây đàn phím lõm, các nhà nghiên cứu cho hay, quá trình hoàn thiện dây Rạch Giá góp phần tạo nên cây đàn phím lõm này. Nhận thấy dây đàn Rạch Giá chơi trên cây đàn octavina còn thô sơ, tiếng đờn không được rõ; cùng lúc đó cũng có đàn Tây Ban Nha Cầm du nhập vào Việt Nam nên một nhóm nghệ nhân khoảng 5-7 người ở phường Vĩnh Thanh Vân, TP Rạch Giá mới nghiên cứu đưa dây Rạch Giá lên đàn của Tây Ban Nha móc phím trở thành đàn guitar phím lõm.

Ths. NSUT Huỳnh Khải - Giảng viên Nhạc viện TP HCM, người đã có nhiều năm tâm huyết với dây Rạch Giá - chia sẻ: "Dây Rạch Giá hình thành trên cây đàn guitar phím lõm có thể chia thành 3 giai đoạn. Giai đoạn đầu là những năm đầu của năm 1930 thì đó là đờn mandolin được móc phím và đờn theo kiểu đờn Rạch Giá tức là để y nguyên dây quãng 5. Giữa thập niên 30, cây đàn guitar phím lõm ra đời cũng nối tiếp kiểu lên dây quãng 5 như vậy để đờn thì lúc đó dây đàn rạch giá có thể gọi là hoàn chỉnh và được biểu diễn được đờn trong một số dĩa hát. Cuối năm 1930, khi mà cây đờn guitar phím lõm như bây giờ chúng ta thấy, đầy đủ 6 dây để âm trầm sâu hơn thì dây Rạch Giá mới được gọi là hoàn thiện".

Ảnh nh họa: Kiengiangvn.vn

Dây Rạch Giá bắt nguồn từ bài nhạc cổ hình thành trên nền tảng của dây lai (hò nhất), chỉ khác dây lai ở dây số 1. Lúc ấy chữ đàn trên dây số 1 sẽ thưa, nhấn nhá, khoan nhặt tùy theo cách của mỗi người chơi. Dây đờn Rạch Giá không áp dụng điệu thức bài bản và không phù hợp với vọng cổ hơi dài. Bởi bản chất của dây Rạch Giá rất chân phương gắn với lời ca mộc mạc, trữ tình, đem lại độc tấu hài hòa, mang đậm chất đồng quê sông nước. Chính vì lẽ đó mà loại dây đờn này rất thịnh hành vào thập niên 30 - 40 của thế kỷ XX. Hầu hết những người chơi tài tử ở khắp Nam kỳ lục tỉnh và ền Đông Nam Bộ đều biết chơi dây đàn Rạch Giá.

Ths. NSƯT Huỳnh Khải ôm cây đàn guitar phím lõm tỉ mẩn chỉ cho chúng tôi cách chơi dây Rạch Giá: "Nếu bây giờ chúng ta có kiểu dây lai, muốn có dây Rạch Giá thì chúng ta lên kiểu dây số 1 của cây đờn guitar phím lõm, chữ Liêu lên thành chữ U. Nếu có máy đo theo âm nhạc phương Tây thì rất dễ lên dây. Bây giờ dây lai chúng ta có dây số 1 là ăng-rê, dây số 2 là ăng-la, dây số 3 rề, dây số 4 sòn, dây số 5 rề, dây số 6 sòn. Đó là chúng ta có dây lai thì bây giờ chúng ta lên dây số 1 thành chữ Mi, tức là lên 1 cung thì chúng ta có kiểu dây Rạch Giá như thế này… Tiếng đờn… Muốn phân biệt dây Rạch Giá giới kiểu dây khác trước tiên phân biệt với kiểu dây lai"

Vào năm 1936, nhóm “Dây Đờn Rạch Giá” ra đời được người hâm mộ yêu thích và nhanh chóng phát triển khắp Nam Bộ, gây tiếng vang trong giới chơi nhạc tài tử. Đến thập niên 40 của thế kỷ trước, Rạch Giá còn có thêm một tiệm đóng đàn nổi tiếng khắp lục tỉnh Nam Kỳ tên là “Sơn Ca”, chuyên đóng đàn guitar phím lõm, đàn kìm bán cho giới tài tử. Đàn từ tiệm đàn Sơn Ca khi ấy qua sự khéo tay của người thợ chế tác đã góp phần làm thăng hoa dây đờn Rạch Giá. Đi qua thời hoàng kim ấy, khoảng năm 1962 - 1963, trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, ở Tây Nam bộ, nhiều cuộc liên hoan văn nghệ ở cơ quan trong rừng sâu hoặc ngoài địa phương, người ta vẫn so dây đờn theo kiểu dây Rạch Giá.

Lý giải về sức hút của dây Rạch Giá tại thời điểm ấy, NSƯT Hoàng Vũ - Người sáng lập CLB Phù Sa, điểm hẹn lưu giữ Đờn ca tài tử từ năm 2011 bày tỏ: "Có một điểm mà người dân Nam Bộ hay giới chuyên môn rất thích là nó mộc mạc, giản dị, dễ đi vào lòng người. Nghệ nhân và nhà sưu tầm thích giai điệu tài tử không đi theo thị trường tiến bộ mà nằm trong bí quyết bản đàn để cho phù hợp với người dân Nam Bộ.  Kiểu ca phù hợp với dây đàn Rạch Giá theo bản chất của dây Rạch Giá, rất  là nổi bật theo cấp độ chậm, chữ nhấn nhá, phân tần cung bậc rất rõ ràng. Trong giai đoạn đó thì dây đàn Rạch Giá vẫn phổ biến ở khắp vùng của ền Tây Nam Bộ. Nơi nào có đờn ca tài tử thì nơi đó có dây đờn Rạch Giá"

Dây Rạch Giá vì những yếu điểm của mình cùng với dòng chảy thời cuộc của Đờn ca tài tử cũng ít nhiều bị lãng quên nhưng những giá trị của dây Rạch Giá vẫn còn vẹn nguyên, sâu sắc. Giờ đây, người ta vẫn có thể nghe thấp thoáng những âm điệu của dây đờn Rạch Giá vẫn còn sống trong các kiểu dây lai, hoặc dây hò ba thịnh hành trong các vở cải lương hay Đờn ca tài tử.

Dây Rạch Giá không chỉ vang lên những âm hưởng của riêng nó, mà còn khiến âm vang của cây đàn guitar phím lõm vang vọng đến tận ngày nay. Để rồi khi nhắc về cây đàn guitar phím lõm người ta lại bất chợt nhớ đến một thời tình tang dây đàn Rạch Giá…