Thời Pháp thuộc, nông dân sống cảnh “một cổ hai tròng”, cầm phảng nổi dậy chống ách áp bức - bóc lột của địa chủ. Thời hòa bình, nông dân trụ lại bắt tay kiến thiết, đưa đất hoang du trở thành vùng đất bạt ngàn, màu mỡ. Vùng đất đó tên là “Cánh đồng chó ngáp”.
“Cánh đồng chó ngáp” là biệt danh của vùng đất rộng lớn hàng nghìn hecta, trải dài qua 04 xã, thuộc 04 huyện, của 03 tỉnh, đó là: xã Ninh Thạnh Lợi A, huyện Hồng Dân (Bạc Liêu); xã Phong Thạnh Tây A, huyện Phước Long (Bạc Liêu); xã Tân Phú, huyện Thới Bình (Cà Mau) và xã Vĩnh Phong, huyện Vĩnh Thuận (Kiên Giang).
Theo các cố cựu của vùng đất này, thời khẩn hoang, đất bị phèn nặng, chỉ có lác mọc xen kẽ với những cánh rừng tràm. Ðến thời Pháp thuộc, tràm bị khai thác hết, bỏ lại cánh đồng hoang tàng ngập mình trong lau, sậy. Nó rộng lớn đến độ không người nào có thể đi một lần mà qua được. Con chó nào đi theo chủ băng qua cánh đồng này đều phải lè lưỡi thở dốc, ngáp ngắn, ngáp dài. Bởi vậy, người xưa mới ví von gọi vùng đất này là “Cánh đồng chó ngáp” - nơi lưu dấu hình ảnh khốn khó, gian khổ của người xưa trong cuộc Nam tiến khai ấp, lập làng.
Ông Võ Thanh Xuân - Bí thư Đảng ủy thị trấn Vĩnh Thuận, huyện Vĩnh Thuận, tỉnh Kiên Giang cho biết:
Tới đây xứ sở lạ lùng
Chim kêu cũng sợ, cá vùng cũng ghê
Ngụ là ý nói “Cánh đồng chó ngáp”, vùng này hồi xưa nước nhiễm phèn, mặn. Theo lời của các cụ cao niên thì xưa có nhiều muỗi và cá sấu, hoang vu lắm. Một vùng đất khô cằn nên người dân xứ khác đến đây lập nghiệp rất vất vả và cực khổ”.
“Cánh đồng chó ngáp” thuở sơ khai rất hiếm nước ngọt, gà gáy cứ gáy, chó chạy cứ chạy, ít ai nghe, chẳng ai để ý. Cả vùng chỉ kiếm nổi 10 hộ dân bám trụ dựng nhà, phần lớn là người xứ khác đến đây cắm sào làm ăn, nhưng cũng liên tục “chạy làng” vì canh tác mỗi công đất chỉ đong đầy một táo lúa.
Nhưng cũng chính độ khắc nghiệt của thổ nhưỡng chốn này đã vô tình hình thành nên bức tranh đồng quê yên ả, rồi từ đó nông dân mới giàu có chính từ ruộng nhà.
Mùa nắng đồng nóng cháy da, mưa xuống đồng mênh mông nước, chuột với rắn tháo chạy vào làng tìm nơi ẩn náo. Chỉ có trâu mới trụ nổi, cánh đồng trở thành nơi “lý tưởng” để giới “mục đồng” hành nghề chăn trâu mướn.
Từ tháng 8 đến khoảng giữa tháng 12 hàng năm, cả một cánh đồng mênh mông chỉ toàn là cỏ lau xanh mướt. Hàng nghìn con trâu của cư dân ệt Cà Mau, Kiên Giang, Hậu Giang… kéo về tìm thức ăn sau mùa cày bừa kết thúc. Đây cũng là lúc người dân bản xứ vào mùa chăn trâu thuê. Trên dưới 6 giạ lúa cho một cặp trâu giữ thuê, vì vậy có người nhận giữ vài trăm con nên có lúa chứa trong nhà cả năm.
"Hồi đó mình đi kiếm ruộng sinh sống, rủ nhau đi cả đoàn, làm hoài thấy không khá cái bỏ đi xứ khác. Hồi đó kinh ở đây cạn lắm, toàn đẩy chống ghe chứ không có chèo được"
“Cánh đồng chó ngáp” toàn là dân ở để giữ trâu mướn, một người giữ ít là 40 đôi, nhiều là mấy trăm đôi"
"Nhờ bác Võ Văn Kiệt chỉ đạo đào kinh nên toàn dân được hưởng. Mặn, chua đều xử lý, dân làm ăn thấy phát triển từ con tôm và cây lúa"
Dấu mốc quan trọng để “Cánh đồng chó ngáp” chuyển mình bắt nguồn từ chủ trương ngọt hóa bán đảo Cà Mau được cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt chỉ đạo thực hiện. Tuyến kênh kết hợp với giao thông đường bộ Quản lộ Phụng Hiệp được đào mới, mở rộng, dẫn nước ngọt từ dòng sông Hậu đổ về các kênh nhỏ Một Ngàn, Hai Ngàn, Ba Ngàn, giúp tháo chua, rửa phèn.
Từ “sương lam chướng khí”, đồng chó ngáp một bước biến thành “bờ xôi ruộng mật” nhờ vào trí tuệ nhạy bén và đôi tay cần cù lao động của nông dân cố cựu chốn này.
Sau khi dẫn nước vào đồng ruộng để thao mặn, rửa phèn thành công, cánh “mục đồng” năm xưa bắt đầu công cuộc “đổi đời” trở thành tỷ phú. Năm 1995, Nhà nước cho đào kinh, người dân lên liếp trồng khóm. Tới năm 2000 bắt đầu nuôi tôm. Mô hình “con tôm ôm cây lúa”; lúa - cá- tôm; lúa – cua – tôm… lần lượt xuất hiện, được mùa trúng giá. Thu nhập của các hộ nuôi thủy sản ở đây ít nhất 1 tỷ đồng/năm.
Ông Lê Thanh Tâm – Phó Bí thư Đảng ủy xã Vĩnh Phong, huyện Vĩnh Thuận, tỉnh Kiên Giang cho biết: “Yếu tố đem lại lợi nhuận cho nông dân chủ yếu là về mặt tự nhiên và điều kiện thời tiết cộng với sự cần cù của người dân trong sản xuất. Nói chung ai cũng hài lòng cao với việc phát triển sản xuất ở đây hết. Đời sống tinh thần cũng nâng lên nữa”.
Giàu có, nông bắt đầu xây nhà lầu, danh sách các “tỉ phú đồng năn” cứ dài thêm theo năm tháng. Chạy dọc hai bờ sông kênh Phó Sinh-Cạnh Ðền và kênh Bạch Ngưu qua địa bàn ấp Thị Mỹ có đến hàng trăm căn biệt thự -ni mới toanh đã mọc lên.
Chương trình điện khí hóa nông thôn, từ năm 2000, điện đài kéo về đây phát triển phủ khắp giúp “Cánh đồng chó ngáp” thuở nào bừng sáng, sầm uất, phát triển mạnh hơn vùng nông thôn khác.
Rất nhiều nông dân đạt danh hiệu sản xuất giỏi cấp tỉnh, cấp huyện, có cả nông dân sản xuất giỏi cấp trung ương qua các mô hình nuôi tôm, cua, ba ba, cá sấu, rắn…
Có thể kể những cái tên đã thành danh tỷ phú, như: Phan Văn Nam, Nguyễn Hoàng Lựu, Nguyễn Văn Gìn, Hồ Văn Sang. Phần lớn chủ nhân của những căn biệt thự đều là lão nông có nét mặt đầy khắc khổ vì một thời vật lộn với đồng đất quê nghèo.
Ông Võ Thanh Xuân - Bí thư Đảng ủy thị trấn Vĩnh Thuận, huyện Vĩnh Thuận, tỉnh Kiên Giang cho biết: “Người dân ở định danh “Cánh đồng chó ngáp” rất biết ơn cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt, Bác lưu trú và làm việc ở đây một thời gian dài nên rất am hiểu phong tục, tập quán của bà con nơi đây. Từ đó khi làm Thủ tướng thì Bác đã trăn trở, có giải pháp thủy lợi nội đồng khơi thông dòng chảy, từ đó mới ngọt hóa và thay đổi phương thức sản xuất giúp nông dân “Cánh đồng chó ngáp” giàu lên như hôm nay”.
Biệt danh “Cánh đồng chó ngáp” giờ đây đã đi vào dĩ vãng, hàng loạt mỹ danh mới đã xuất hiện để thay thế. Trong đó có nhiều mỹ danh đã trở thành tên ấp, điển hình như ấp Nhà Lầu. Vùng đất vắng vẻ xưa kia giờ đây là nơi quy tụ của rất nhiều người, tạo nên một diện mạo nông thôn hoàn toàn mới.
Ngẫm lại, nơi giáp ranh, giao thoa giữa các địa phương vẫn có thế mạnh riêng mà “Cánh đồng chó ngáp” là một câu chuyện khắc sâu vào đời sống của bao thế hệ ở xứ sở Cạnh Đền.