Trong không khí nôn nao đón Tết, làng nghề Bình Đức đang hối hả se nhang để bán do người dân tiến hành nghi lễ. Bình Đức đã giúp nhà nhà lưu giữ những giá trị cao đẹp bằng nén nhang có hương thơm dịu nhẹ. Hương khói bay lên, mang theo bao ước vọng đầu xuân.
Nét đẹp văn hóa và lịch sử hình thành
Bảy Núi chập chùng vốn là vùng đất địa linh với nhiều huyền tích, mảnh đất “trăm chùa” này đã tất yếu sinh ra làng nghề se nhang Bình Đức có tuổi đời ngót 84 năm. Đi trên Quốc lộ 91 (từ Long Xuyên về Châu Đốc), làng nghề se nhang Bình Đức (phường Bình Đức, TP. Long Xuyên, tỉnh An Giang) bắt đầu từ hai bên chân cầu Cần Say bắc qua con rạch cùng tên, nối liền Quốc lộ chạy dài cho tới cuối ngọn con rạch.
Nhang đối với người phương Đông là sinh hoạt tín ngưỡng, nhưng không phải loại nào cũng được ưa chuộng. Danh tiếng nhang Bình Đức đã vang dội khắp châu thổ ở chất lượng và hương thơm. Làng nghề cũng là biểu tượng của kỹ năng khéo léo và lòng kiên nhẫn của lưu dân những ngày đầu đến Bình Đức khai ấp, lập làng.
Bà Lê Thị Thu, 75 tuổi, ngụ tại phường Bình Đức, TP.Long Xuyên nói về cái nghề se nhang xóm mình: “Mình làm nghề này mấy đời, từ đời mình tới đời con cháu, nhờ nghề này mới có gia đình ấm êm đó. Nhưng phải đam mê mới làm được”.
Cư dân địa phương nói rằng vào khoảng cuối những năm 1940 có một nhóm di dân về vùng này đem theo nghiệp se nhang. Có giả thiết nói, những dân di này đã học được nghề làm nhang từ TP.HCM. Lúc đầu mới tới định cư tại Bình Đức chỉ vài ba hộ biết nghiệp này nên lao động theo nghề lúc đó chỉ trên dưới 30 người.
Đặc điểm của vùng hành lang Thất Sơn này là nhiều đền chùa với chuỗi lễ hội liên tiếp nhau trong năm nên nhang ở Bình Đức làm ra bao nhiêu đều bán hết. Dần dần số nhân công học được nghề bắt đầu mở cơ sở sản xuất riêng, từ người làm công trở thành ông bà chủ. Vàng son của làng nghề bắt đầu từ năm 1990 khi 50% hộ dân đang cư trú chuyển sang nghề làm nhang chuyên nghiệp.
Ông Huỳnh Văn Tùng, ngụ phường Bình Đức, TP. Long Xuyên cho biết: “Hồi xưa tôi với cha và ông nội làm nghề nhang này khá lắm, nửa tháng đi 1 chuyến, chở bằng ghe xuống các tỉnh: Cà Mau, Bến Tre, Trà Vinh… mà bán. Hồi xưa mình dùng lá còng ủ lại cho ngã màu vàng, xoay bột để làm nhang. Ngày xưa nguyên liệu tại chỗ nhiều lắm”.
Quy trình sản xuất và những thách thức
Ưu điểm của nhang Bình Đức là mỗi loại đều khác nhau bởi chất liệu sản xuất riêng, nhưng điểm chung toát ra ở nhang trầm, nhang thơm, nhang se, nhang sóc, nhang nêu… là hương dịu nhẹ, thanh tao và ẩn chứa trong đó là ý nghĩa rất lớn về mặt tâm linh.
Nói nghề se nhang cần sự tỉ mỉ và khéo tay chẳng ngoa chút nào, bởi 100% công đoạn làm nên cây nhang đều là thủ công. Nguyên liệu chính để làm nhang bao gồm bột gỗ trầm, quế, keo dính từ thiên nhiên.
Người dân thường lựa chọn các nguyên liệu sạch, không hóa chất để đảm bảo an toàn cho sức khỏe người sử dụng. Bột nhang được trộn với keo và nước, sau đó se chặt lên những que tre mỏng đã được phơi khô. Đây là bước đòi hỏi kỹ thuật cao để đảm bảo que nhang đều và đẹp.
Nhang sau khi se sẽ được mang ra phơi dưới nắng tự nhiên, giúp nhang khô đều và giữ được hương thơm của nguyên liệu. Mùa sản xuất đông ken là vào các đợt chuẩn bị lễ hội, tết Nguyên Đán. Đến Bình Đức vào các mùa sản xuất tập trung, nhang phơi giăng ngập từ góc sân đến lề đường. Lúc này, với sự khéo léo của đôi tay người thợ phơi nhang, nhìn từ trên cao, làng nhang Bình Đức giống như một rừng hoa “tiểu thủ công nghiệp” lúc nào cũng ngát thơm.
Bà Trần Thị Cuốn, ngụ phường Bình Đức, TP.Long Xuyên cho biết: “Hồi đó mình làm thủ công lag sử dụng gòn mới mạt cưa. Nay thì dùng keo với bột. Tết thì bán đỡ hơn ngày thường. Ngày thường tuy có chậm nhưng bán cũng được lắm”.
Sản phẩm của nghề nhang Bình Đức là các loại nhang cây: Nhang trầm, nhang se, nhang sóc, nhang thơm, nhang nêu… nhiều kích cỡ khác nhau: ngắn dài, to nhỏ. 84 năm hình thành và phát triển, chất lượng sản phẩm không thua kém các sản phẩm cùng loại.
Tuy nhiên, làng nhang Bình Đức vẫn phải “khoác” cho sản phẩm của mình những thương hiệu khác theo yêu cầu của phía đặt hàng. Điều này đồng nghĩa với việc những chủ nhân của các cơ sở se nhang vẫn cứ phải làm thuê cho các thương hiệu khác.
Rồi mùa vắng đơn đặt hàng, làng nghề nhang Bình Đức phải ngậm ngùi đưa ra thị trường một thứ sản phẩm không tên tuổi. Hai năm trước, đã có 8 hộ sản xuất nhang ở làng nghề này tổ chức liên kết lại thành tổ hợp tác sản xuất. Xây dựng logo, lập thủ tục đăng ký nhãn hiệu cho nhang Bình Đức và chờ được công nhận thì làng nhang Bình Đức mới thoát kiếp gia công.
Hiện tại, cả phường Bình Đức (TP. Long Xuyên) có 231 hộ sống bằng nghề se nhang, chiếm 62% dân cư dân toàn phường. Bình quân mỗi hộ sản xuất có từ 5 – 10 lao động, năng lực sản xuất bình quân hàng năm 300 muôn/hộ (1 muôn = 10.000 cây). Các công đoạn sản xuất đều hoàn toàn bằng thủ công, sản phẩm gồm các loại: Nhang trầm bột tùng (loại 33 - 40 – 50 cm); nhang bột áo vàng thường (40 cm).
Sản phẩm làm ra được vận chuyển âm thầm, giao cho các mối “ăn hàng” nhiều nơi thuộc Cần Thơ, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau. 10% sản phẩm của làng nghề Bình Đức còn được xuất khẩu sang Campuchia.
Hiện nay, đã có nhiều hộ dân làm nhang chuyển sang trộn bột và se nhang bằng máy. Nhờ vậy không những tiết kiệm được chi phí nhân công mà năng suất tăng, nhang làm ra cũng có chất lượng đồng đều hơn so với nhang làm bằng tay. Nhang sản xuất bằng máy với sự đa dạng sản phẩm như: nhang thơm, nhang không thơm, nhang ba cây… đáp ứng được nhu cầu của người sử dụng và nhu cầu cũng ngày một nhiều hơn.
"Tháng Chạp làm không kịp, tới ra Giêng cũng còn bán được vì người ta đi chùa"
"Câu nhang ở đây chất lượng lắm, cứng cây, đẹp, không yếu"
"Đủ chỗ đặt hàng: từ Phú Quốc, Bạc Liêu, TP.HCM. Thu nhập từ nghề làm nhang như đi làm công ty, ổn định, không bấp bênh"
Cây nhang từ lâu đã ngự trị ở mọi nơi thờ phụng, từ chùa chiền, đình ếu cho đến mọi gia đình, bất kỳ sướng khổ, sang hèn. Đối với người Việt nói riêng và người Á Đông nói chung, thắp một nén nhang mang ý nghĩa thiêng liêng và là nếp văn hóa trong cuộc sống hàng ngày.
Cũng từ đó, Bình Đức tồn tại với thời cuộc để dâng cho đời những nén tâm nhang thanh toát, an yên.