Hồng Nhật Trường - Lương y trẻ tận tâm với người nghèo

Nhắc đến lương y người ta hay nghĩ đến những thầy thuốc đông y lớn tuổi, râu tóc điểm bạc, tác phong chậm rãi. Thế nhưng vẫn có những lương y trẻ tuổi, tài cao, tận tụy với nghề y học cổ truyền nhưng chưa được nhiều người nhắc đến.

Cảm hứng Mekong sẽ giới thiệu với các bạn lương y trẻ Hồng Nhật Trường, ở phường 9, TP Cà Mau. Lương y Trường không chỉ trẻ tuổi, đam mê với y học cổ truyền mà còn là người hết lòng, hết sức với bệnh nhân nghèo.

Có mặt tại Phòng chẩn trị đông y Tuệ Tĩnh, Khóm 4, Phường 9, TP Cà Mau là nơi lương y Hồng Nhật Trường bắt mạch, hốt thuốc nam ễn phí cho người nghèo hơn 10 năm nay, phóng viên có cuộc gặp với lương y Trường.

Chào anh! Xin anh cho biết là cơ duyên nào đưa mình đến với nghề y sĩ đông y?

Xuất phát từ truyền thống của gia đình, trước đây cha tôi cũng đã làm nghề đông y rồi. Nghề này trên tinh thần chữa bệnh cứu người, nghề đông y xuất phát từ tinh thần từ thiện.

Và trên tinh thần từ thiện đó, phòng khám đông y của anh đã hỗ trợ cho các bệnh nhân nghèo, có hoàn cảnh khó khăn như thế nào?

Xét về vấn đề tây y thì tới bệnh viện tốn kém rất nhiều, thì đây mình lồng ghép vô, vì giờ đông – tây y kết hợp hết rồi, nên giờ những người nghèo có sổ khám bệnh qua tây y khám cũng đỡ tốn tiền, rồi mình kết hợp đông y hốt thuốc hỗ trợ cho bà con.

Vấn đề chi phí rất thấp, mọi người dân đều được chữa bệnh chứ không phải người có kinh tế mới được chữa bệnh.

Cùng với việc chẩn mạch, bốc thuốc ễn phí cho người nghèo thì với các bệnh nhân có điều kiện hơn anh cũng chỉ lấy phí 10 ngàn đồng/thang. Vậy để đảm bảo cho phòng khám hoạt động hơn 10 năm qua thì anh đã vận hành thế nào?

Những mạnh thường quân hay những người dân của mình đã điều trị hết bệnh thì ủng hộ lại mình tiền thuốc men, giống như một chuyến thuốc lấy khoảng 10- 15 triệu thì mình thu một tháng bao nhiêu rồi số thiếu hụt còn lại 1-2 triệu gì đó thì mạnh thường quân hỗ trợ, đóng góp cho mình.

Thứ hai, nguồn thuốc của mình ở An Giang biết tới phòng thuốc của mình mười mấy năm nay rồi, bà con ở trên đó cũng hỗ trợ nguồn thuốc luôn. Có những chuyến xe 0 đồng, mình chỉ hỗ trợ xăng đi lại cho người ta với số tiền 4-5 triệu là mình lấy được xe thuốc. Người dân đi sưu tầm thuốc người ta biết và tìm hiểu kỹ càng chỗ của mình làm đúng vấn đề từ thiện.

PV: Xin cảm ơn anh

Lương y, y sĩ Hồng Nhật Trường mặc dù còn trẻ nhưng đã có gần 15 năm bốc thuốc, chữa bệnh. Ảnh: VOV

Trong những ngày se se lạnh của gió bấc về, chúng tôi có dịp theo chân lương y, y sĩ Hồng Nhật Trường đến thăm bệnh nhân ở xã Khánh An, huyện U Minh. Tất bật với công việc ở Hội Đông y tỉnh rồi bắt mạch, hốt thuốc, châm cứu ở Phòng chẩn trị đông y Tuệ Tĩnh thì thứ 7, chủ nhật lương y Trường cũng dành cho bệnh nhân. Bệnh nhân Trần Văn Ngoán, ở ấp 10, xã Khánh An, huyện U Minh đã nhận được sự lui tới, hốt thuốc, châm cứu chuẩn mạch hơn 2 năm nay từ lương y Trường.

Chị Phạm Mộng Nghi, vợ ông Ngoán không khỏi bùi ngùi, cám cảnh khi kể về bệnh tình của chồng: "Trước ông chưa bệnh, ông đi làm bảo vệ trong khí điện đạm nhưng lần ông trên đường đi làm bị tai nạn giao thông năm 2019, bệnh rồi nằm đó gia đình tôi nói chung gặp nhiều khó khăn, con đang tuổi đi học, chật vật thuốc thang rồi tôi phải xin đi làm tạp vụ, tháng cũng được 3 triệu nhưng cũng không đủ vô đâu, ông nằm đó tháng 4-5 triệu tiền tã, thuốc men".

Đây là hoàn cảnh mà lương y Trường chưa bao giờ nhận một đồng chi phí nào cho việc chăm sóc tại nhà. Nhìn căn nhà khang trang không ai nghĩ kinh tế kiệt quệ vì tai nạn ập đến với ông Ngoán. Biến cố xảy đến làm người lao động chính của gia đình bị liệt toàn thân. Mọi sinh hoạt của ông đều phải nhờ đến người thân trợ giúp. Vậy mà những di chứng của tai nạn còn khiến chân tay ông đôi khi co giật, quắp quéo và những cơn đau nhức hành hạ đến mất ngủ.

Phương pháp châm cứu kết hợp tập vật lý trị liệu, uống thuốc Nam từ lương y Trường phần nào giúp bệnh nhân vơi bớt những di chứng, đau nhức xương khớp nhất là khi trái gió trở trời.

Ông Trần Văn Ngoán, ở ấp 10, xã Khánh An, huyện U Minh chia sẻ: "Trước khi bị tai nạn thì có biết anh Trường có ra tới lui mấy lần châm cứu, sau khi tai nạn xuất viện về liên hệ lại với Trường, lúc đầu thì sẵn dịp ra Cà Mau khám bệnh thì cũng có ghé lại nhờ Trường ra xe khám giùm, sau này không có điều kiện Trường vô nhà khám, bắt mạch, hốt thuốc, châm cứu thì thấy dù thực trạng bệnh không hồi phục như mình mong đợi nhưng đỡ đau nhức hơn rất nhiều, với tâm lý mà bớt được phần nào hay phần ấy".

Phòng chẩn trị đông y Tuệ Tĩnh, Khóm 4, Phường 9, TP Cà Mau là nơi lương y Trường bắt mạch, hốt thuốc nam ễn phí cho người nghèo hơn 10 năm nay. Nguồn thuốc nam được phòng khám sử dụng đa phần là từ tỉnh An Giang. Lương y, y sĩ Hồng Nhật Trường chia sẻ: trên đó nguồn thuốc nam phong phú, thuốc nam thu về được cắt, sấy bằng máy nên đảm bảo vệ sinh, thời gian bảo quản được lâu.

Trung bình mỗi người được hốt 5 thang thuốc/lần tương đương với 5 ngày uống và tùy theo bệnh trạng mà có lịch hẹn quay lại bắt mạch. Dù nguồn thuốc đều phải mua nhưng chi phí 1 thang thuốc với hộ có điều kiện chỉ là 10.000 đồng/thang; hộ khó khăn, hộ nghèo, người già, trẻ em thì được ễn phí hoàn toàn. Tuy trẻ tuổi nhưng sự lành nghề, đam mê với y học cổ truyền nên lương y Trường mát tay trong bắt mạch, hốt thuốc được nhiều bệnh nhân tìm đến chữa trị.

Bệnh nhân Dương Ngọc Duyên, Phường 8, TP Cà Mau từng có thời gian bệnh viêm gan nặng nhưng việc kết hợp điều trị đông – tây y đã giúp bệnh tình thuyên giảm nhiều. Bà Dương Ngọc Duyên chia sẻ: "Đi chỗ khác cũng 5-6 năm mà không hết nên quay lại Trường 3-4 năm thì hết tiệt, mới không được khỏe chừng tháng mấy nay nên trở lại hốt đợt này nữa là 2 đợt, thấy thuốc tốt, uống nhanh hết hơn, có đôi khi ít xuống cũng điện hỏi thăm, nhiều khi tuần kẹt không xuống hốt thuốc được cũng điện hỏi thăm sao chế không xuống? thì nói tui kẹt công chuyện không xuống nên mai xuống, quan tâm bệnh nhân có khi mang thuốc tới nhà, đỡ tiền xe ôm".

Phòng chẩn trị của lương y Hồng Nhật Trường cũng trở thành địa chỉ lui tới của nhiều bệnh nhân mỗi khi có vấn đề về sức khỏe.

Bệnh nhân Trần Thị Bích Ngân, Phường 5, TP Cà Mau cho biết thêm: "Đợt này hơi bị đau lưng lại nên đi kiếm anh Trường tiếp, anh Trường rất vui vẻ, hoạt bát, cư xử giống như gia đình thôi không có xem như người ngoài đâu, rất là thân thiện, hay hỏi thăm em lắm. Em cũng đi hốt thuốc nhiều nơi rồi nhưng giá cao lắm, đợt em hốt 30 thang mà 3 triệu mấy lận, thời buổi này được như anh Trường là hiếm lắm, có lần em lại buổi tối, bà con ở xa lại khám chỗ anh Trường ảnh cũng không lấy tiền".

Sinh ra trong gia đình có truyền thống làm nghề đông y, ngay từ bé, anh Hồng Nhật Trường đã được cha là Lương y Hồng Bình Đẳng truyền dạy nhiều kiến thức về các vị thuốc nam, mạch tượng, các bài thuốc chữa bệnh hay của gia đình.

Nhưng thay vì tiếp nối thì anh Trường chọn đi học qua trường lớp để có thể khám, chữa bệnh một cách bài bản hơn nên năm 2009, anh Trường theo học lương y, y sĩ y học cổ truyền trường Cao đẳng Y tế Cà Mau. Đến tháng 9/2012 anh tốt nghiệp và về làm việc ở Hội Đông y tỉnh. Và anh cũng vừa tốt nghiệp cử nhân phục hồi chức năng trường Đại học Cửu Long vào tháng 6/2023.

Song song với việc học tập, trau dồi kiến thức, vừa làm việc ở Hội đông y tỉnh Cà Mau, Lương y Trường vẫn tiếp tục kế thừa phòng chẩn trị đông y từ cha mình. Trung bình mỗi ngày Phòng chẩn trị tiếp nhận hơn 40 bệnh nhân từ kê đơn, bốc thuốc, châm cứu, điện châm, dùng kỹ thuật vật lý trị liệu, xoa bóp, bấm huyệt để khám phục hồi sức khỏe.

Khi tiếp xúc với Lương y Hồng Nhật Trường người khác dễ ấn tượng bởi sự nhanh nhẹn, hài hước của thầy thuốc trẻ. Chính sự dung dị, gần gũi và hay pha trò của anh Trường mà không khí Phòng chẩn trị lúc nào vui vẻ, nói cười, tạo tâm lý thoải mái cho bệnh nhân. Ở đó chẳng có sự phân chia cấp bậc thầy thuốc hay bệnh nhân mà là sự sẻ chia, tư vấn tận tình, không tư lợi. Nhiều bệnh nhân trở nên thân thuộc với phòng chẩn trị như chính nhà mình, ai đến sớm thì phụ giúp quét nhà, dọn dẹp lại dược liệu, phụ giúp gói thuốc…

Và cái tên Phòng chẩn trị đông y Tuệ Tĩnh không chỉ tôn vinh triết lý chữa bệnh của y sư, ông tổ của ngành dược Việt Nam mà ở đó còn thể hiện sự noi gương y đức, một tấm lòng thơm thảo của lương y trẻ Hồng Nhật Trường giỏi y thuật, giàu y đức thầm lặng mang thuốc Nam chữa bệnh cứu người.