Thực tế này buộc cơ quan chức năng có biện pháp quyết liệt trong việc rào chắn, đóng các lối đi tự mở, tăng cường cảnh giới, báo hiệu tại đường ngang dân sinh dọc tuyến đường sắt Bắc Nam đoạn Ngọc Hồi- Văn Điển, một trong những “điểm đen” tai nạn đường sắt nổi cộm ở Thủ đô.
Hiệu quả của giải pháp này ra sao, mời quý vị cùng VOV Giao thông tìm hiểu thông qua các cuộc trò chuyện ngẫu nhiên với các cư dân “xóm đường tàu”:
Tôi đang có mặt tại ngõ 54 đường Ngọc Hồi, phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai, bên cạnh ông Trịnh Đình Cách, tổ an ninh cơ sở Tổ dân phố 8, khu dân cư liên cơ.
Chào bác ạ, theo cháu quan sát, nhiều lối đi tự mở qua khu vực này đã bị đóng, các phần hở hộ lan cũng được hàn lại, không cho xe đi qua. Khu vực chỉ còn ngõ 54 này là lối giao cắt đồng mức chính thức với barie, đèn báo hiệu tự động. Bác cho biết hiệu quả từ ngày đóng các lối đi tự mở kia?
Thực ra mà nói, từ ngày đóng các đường ngang này, các vấn đề chung về an toàn đường sắt được nâng cao hơn, ít xảy ra tai nạn hơn. Ở ngõ này, khi bỏ barie người kéo, barie này tự tự động an toàn hơn. Chỉ còn một ít người dân quá vội, khi barie đóng mà vẫn mất cảnh giác mà đi qua.
Nhiều ô tô người ta ngồi trên xe, vẫn đóng cửa lại, nhiều lúc trèo lên cả đường sắt, lùi vào lùi xe khi tàu đến. Khi người dân hô rồi, các ông vẫn không mở kính để nghe người dân phản ánh. Cơ bản là tốt đấy, nhưng vẫn có người chưa chấp hành.
Sau khi đóng các lối đi tự mở, người dân sẽ phải đi theo đường gom bên trong và về ngõ 54 này để sang đường. Họ cảm thấy thế nào khi phải đi xa hơn, và không còn được băng cắt tùy tiện từ nhà sang bên kia đường ray như trước?
Tôi thấy đường gom này tương đối hiệu quả khi người dân đi đường này. Tôi chưa thấy có ai ta thán , phản ánh về sự phức tạp cả.
Mọi người đều thấy an toàn hơn vì các xe không đi tắt vào được bằng các lối đó nữa.
Cảm ơn chia sẻ của bác.
Tiếp tục đi dọc tuyến và sang địa phận huyện Thanh Trì, nơi có con ngõ khá đặc biệt là ngõ 210 Ngọc Hồi. Tại đây, cụm dân cư địa phương đã tự đóng góp để lắp barie thủ công cùng biển báo. Khu vực xung quanh ngõ này cũng được cơ quan chức năng đóng một loạt đường ngang tự phát. Tôi sẽ hỏi chuyện anh Trình Hữu Trung, cư dân sống giáp đường tàu.
Chào anh, theo anh thấy, việc hàn, bịt những nơi ta-luy, hộ lan sắt bị cắt, phá đã giúp cải thiện thế nào về an toàn giao thông trong khu vực?
Thực ra nhiều đường tự phát người ta cứ đục ra thì đúng là không an toàn. Nhiều người chỉ gom về một lối để đi thôi thì đảm bảo hơn. Chứ cứ băng qua, chạy ra chạy vào thì chết dở.
Tất nhiên, ở những ngõ lớn thì vẫn để cho người ta đi lại thuận tiện, chỗ nào tự phát đi không an toàn thì đóng lại là đúng.
Anh có mong muốn gì về hệ thống cảnh báo ở đường ngang này không?
Ngoài việc biển báo, barie người dân tự làm, nếu được bên đường sắt quan tâm, thì lắp cho cái chuông cảnh báo thì đỡ rất nhiều. Thực tế ở đây, dân đi ra là chúng tôi vẫn quan sát, ai không để ý thì vẫn nhắc nhở cho họ an toàn.
Buổi tối không có người mấy, có tiếng chuông thì mọi người sẽ để ý và quan sát hơn.
Cảm ơn ý kiến của anh!
Các cuộc trò chuyện với người dân “xóm đường tàu” dọc tuyến đường đường sắt Ngọc Hồi-Văn Điển liên tục bị ngắt quãng bởi họ phải hét lên cảnh báo tàu đang đến đối với những người đi xe máy, ô tô chưa chú ý.
Khoảng cách giữa vị trí tàu chạy qua với những sinh hoạt, giao thông thường nhật ở đây là quá gần, nguy cơ va chạm rất cao.
Trong bối cảnh chưa có giải pháp triệt để về việc giải tỏa, đảm bảo hành lang an toàn đường sắt, việc đóng đường ngang, lối đi tự mở, tăng cường hệ thống cảnh báo, trực cảnh giới ở các đường ngang hợp pháp là giải pháp cần làm trước mắt để ngay lập tức giảm tỉ lệ người bị thương, người chết do tai nạn dọc những tuyến đường sắt xuyên qua khu vực đông dân cư.