“Hết cửa” đỗ tùy tiện, bạn có ngại lái xe vào trung tâm?

Những vỉa hè phong quang, những lòng đường ngăn nắp. Đó là hình ảnh hiếm thấy ở một số trục đường chính tại trung tâm Thủ đô Hà Nội vào những ngày trung tuần tháng 10 này. Đây là kết quả ban đầu của chiến dịch dẹp bỏ những bãi xe tự phát được thành phố triển khai từ đầu năm 2023.

Câu hỏi mà PV Giao thông luôn thắc mắc là, những chiếc ô tô gửi ở các bãi xe trái phép ấy giờ đã dạt đi đâu? Các chủ phương tiện đã xoay sở thế nào khi việc tìm kiếm chỗ đỗ trên phố giờ khó khăn hơn rất nhiều?

PV VOV Giao thông sẽ có cuộc trò chuyện với anh Nguyễn Xuân Huy, người trước đây thường xuyên lái xe vào nội đô, và cũng là người chịu tác động bởi chiến dịch dẹp loạn các bãi xe tự phát. 

PV: Chào anh Huy, được biết anh làm ngành nhập khẩu và phân phối sản phẩm, chắc hẳn là phải đi lại khá thường xuyên?

NV: Chào anh. Lộ trình hàng ngày đi lại của tôi từ nhà ra văn phòng. Nhà tôi ở Hà Đông, văn phòng thì ở Đại Mỗ, Nam Từ Liêm. Thông thường tôi đi ô tô hàng ngày không phải vấn đề quá căng thẳng. Đường xá cũng có kẹt, ùn, nhưng không bị tắc nặng.

PV: Nhưng có vẻ anh cũng hay vào trung tâm?

NV: Vâng, vì tôi kinh doanh nên thường xuyên phải vào trung tâm để gặp khách hàng. Hay cuối tuần rủ bạn bè đi ăn tối với nhau.

PV: Kể từ cuối năm ngoái, đầu năm nay, anh có nhận thấy sự khác biệt nào về việc đỗ xe trong nội đô?

NV: Tôi thấy, việc tìm bãi đỗ hay chỗ đỗ thì rất khó. Trước kia gần như tôi luôn tìm được điểm đỗ xe gần  nơi tôi cần đến.

PV: Vâng, có vẻ cứ xuống xe là sẽ có một người gõ cửa đưa anh một tấm vé và thu tiền đúng không?

NV: Chính xác, nhưng từ đầu năm trở lại đây, việc tìm nơi đỗ thực sự khó khăn.

Không còn chỗ đỗ tùy tiện, liệu các bác tài có thay đổi thói quen chạy xe rỗng vào nội đô. Ảnh nh họa

PV: Trước đây, nhiều bãi xe tự phát mọc lên đáp ứng nhu cầu đỗ. Sau khi họ bị dẹp đi, anh có thấy hụt hẫng. Cái thói quen vô tình đỗ xe ở trên vỉa hè, lòng đường nơi không được đỗ, thì có thay đổi nào không?

NV: Thành phố đã có chủ trương đúng khi giảm các bãi xe, giảm ùn tắc. Là công dân, tôi tuân thủ, không lấy làm phiền lòng gì. Nhưng bên cạnh đó, tôi cũng phải tìm phương thức di chuyển khác hợp lý hơn, thay vì lái xe thẳng đến nơi mình cần đến trong nội đô.

PV: Nó sẽ mất thời gian hơn để tìm chỗ đỗ, đôi khi còn bị lỡ việc?

NV: Chính xác, đi lòng vòng khéo mất nửa tiếng, 40 phút mới tìm được chỗ đỗ gần điểm đến.

PV: Chưa kể lên phố, có nhiều tuyến chỉ cho phép ô tô đi một chiều thôi, như trên hồ Gươm. Vậy anh có thể chia sẻ rõ hơn về phương thức đi lại mới?

NV: Tôi đã ngồi suy nghĩ và tính toán. Cuối cùng, tôi nhận ra nên kết hợp một số phương pháp để vừa di chuyển phương tiện cá nhân, vừa có thể tận dụng phương tiện công cộng. Ví dụ, bản thân tôi, bây giờ, khi đường tắc, giao thông không thuận tiện, tôi sẽ đỗ xe của tôi ở Hà Đông, có bãi đất trống gần nhà ga, tôi thường đỗ ở đấy, rồi sử dụng buýt nhanh hoặc tàu điện trên cao.

Kèm với đó, tôi luôn mang theo mình chiếc xe điện gấp gọn. Tôi hay để cốp sau ô tô, lên xe buýt, tàu điện thì xách theo, để đi tới nơi tôi muốn.

PV: Có vẻ anh đang đi theo hướng mà Hà Nội cũng đang hướng tới. Đó là mô hình Park and Ride, nghĩa là đỗ và di chuyển. Từ đó giảm việc lái xe cá nhân trực diện từ ngoài vành đai 3 vào trung tâm. Vậy ưu điểm của phương án này là gì?

NV: Có 2 ưu điểm chính khi di chuyển bằng đường sắt trên cao. Tình trạng giao thông ở dưới có mưa, ngập, tắc thế nào thì không ảnh hưởng tới mình. Tôi cũng chỉ mất bằng đấy thời gian, rất nhanh. Thứ hai, khi có xe đạp điện gấp gọn đi kèm, thì cũng rút bớt thời gian đi bộ. Anh cũng biết, khí hậu Việt Nam cũng rất nắng nóng, việc đi bộ trên 2 cây số theo tôi là bất khả thi.

PV: Liệu phương thức này của anh có bền vững không?

NV: Tôi thấy khá bền vững. Thay vì căng thẳng tập trung vào việc lái xe, giao thông tương đối phức tạp, thì tôi có thêm thời gian nghỉ ngơi, thư giãn, lướt điện thoại, đọc báo, nghe nhạc theo sở thích, giúp tôi giảm căng thẳng hàng ngày.

PV: Việc giảm dần lệ thuộc vào lái xe cá nhân theo anh có khó không?

NV: Vẫn có khó khăn nhất định. Tuy nhiên, mọi công dân sống trong thành phố đều phải tuân thủ quy định của chính quyền và phải tìm cách thích ứng. Khi đã thành thói quen rồi thì tôi nghĩ nó không phải vấn đề gì lớn.

PV: Cảm ơn chia sẻ của anh!

Qua trường hợp của anh Huy, một người đã dần chuyển sang kết hợp lái xe cá nhân với phương tiện công cộng và phương tiện xanh, có thể nhận thấy, chính quyền Hà Nội chưa cần thu phí vào nội đô, mà chỉ cần quản lý thật chặt không gian công cộng, dẹp bỏ các bãi xe trái phép, không dung túng cho việc dừng đỗ xe tùy tiện, là đã tạo ra sự thay đổi hành vi rõ nét của các chủ phương tiện.