Từ chỗ lòng đường chật hẹp, vỉa hè bị chiếm dụng hoặc… không có, những tuyến đường như Vành đai 2,5, đường Lĩnh Nam, đường Tam Trinh (quận Hoàng Mai, Hà Nội) được kỳ vọng sau mở rộng gấp 2-5 lần sẽ có hạ tầng chú trọng hơn tới người đi bộ, đi xe buýt.
PV VOV Giao thông đã đi dọc các tuyến này để hỏi chuyện những hành khách trung thành của vận tải công cộng:
Nằm lọt thỏm giữa ngổn ngang phế liệu xây dựng là điểm chờ xe buýt trên đường Tam Trinh hướng ra vành đai 3, nơi tôi đang đứng cạnh chị Đỗ Thu Hương.
Chào chị, với thói quen 10 năm đi lại hoàn toàn bằng xe buýt lộ trình Hoàng Mai-Hà Đông, chị có thể chia sẻ cảm nhận về hạ tầng tiếp cận xe buýt?
Nhìn chung, ở ngoại ô em đi các tuyến 101, 103 thì cũng khá ổn. Nhưng với tuyến Tam Trinh này thì em mong vỉa hè sẽ có một cái nhà chờ để che mưa, che nắng. Vì đường này khi trời nắng thì không có chỗ nào mát, em phải đi sang bên kia đường để đứng.
Chứ đứng đây chờ xe 20 phút mà mùa hè thì chịu. Rất nắng, không có cây, không có gì để che.
Tuyến Tam Trinh đang được mở rộng, việc bắt xe buýt với chị có bị ảnh hưởng nhiều không?
Em đứng bên này thì như anh nhìn đấy, toàn đất cát. Từ ngày làm dự án thì đất cát chướng ngại cũng hơi vướng.
Còn như điểm bên đối diện kia là chiều về em đi, thì toàn phải đứng sát lòng đường, sát xe cộ, nó rất nguy hiểm.
Có vẻ vỉa hè là điều xa xỉ trên trục này chiều từ ngoại ô hướng vào trung tâm? Chị có mong muốn gì với việc mở rộng đường Tam Trinh?
Cái này thì hơi khó thật. Bên kia đường, em mong muốn sẽ có một cái vỉa hè và cả nhà chờ nữa. Ai cũng mong muốn như thế thôi anh ạ, anh hỏi 10 người thì cả 10 người đi xe buýt đều mong muốn, có cả chỗ ngồi thì càng tốt nữa. Vì các cụ già có người chờ xe 158 đến cả tiếng đồng hồ rất mỏi chân.
Vì 15-20 phút một chuyến, nhưng có lúc 3-4 chuyến dồn lại với nhau, nó rất tắc ở đường 70, chỗ viện K ấy. Em trải qua nhiều rồi, mà hạ tầng như này, đứng hôm nắng, hôm mưa thì rất bất tiện cho người dân.
Cảm ơn chị!
Trên trục đường Lĩnh Nam, khu vực đấu nối với vành đai 2,5, tôi cũng có dịp trò chuyện với Trần Thanh Luân, sinh viên Đại học Kinh tế-Kỹ thuật Công nghiệp, người đi học hàng ngày từ Thường Tín lên Lĩnh Nam. Luân rất mong mỏi tuyến đường này sẽ có vỉa hè để cậu không còn nơm nớp lo bị lỡ chuyến xe, hoặc tai nạn vì phải đứng chờ xe buýt dưới đường.
"Em vừa lỡ mất chuyến xe mất rồi, xe đi hơi nhanh ạ. Tầm đến trưa là hay tắc, kiểu mọi người đi ra ồ ạt lắm, nghẽn ở đoạn phía trên kia. Em thấy việc mở rộng đường sẽ giúp mọi phương tiện đi lại thuận tiện hơi, đỡ tắc nghẽn. Xe buýt sẽ đỡ bị đỗ sát điểm chờ quá gây nguy hiểm cho mọi người. Được như vậy, mọi người sẽ thuận tiện đi lại hơn."
Các tuyến buýt hướng tâm từ các khu vực ngoại ô đang thu hút số lượng lớn hành khách trung thành. Điều này là động lực để ngành giao thông và các địa phương sớm hoàn thiện hạ tầng tiếp cận buýt, đặc biệt là vỉa hè và nhà chờ buýt.
Hy vọng những dự án mở rộng sẽ giúp các tuyến đường khang trang, hiện đại cũng như thân thiện hơn với người đi bộ - yếu tố tiên quyết để thu hút người dân sử dụng phương tiện công cộng.