Hàng Thiếc

Thảng hoặc mới thấy còn một phố Hàng người ta vẫn còn theo nghề cũ. Như Hàng Thiếc chẳng hạn. Ở đây người ta bán và làm những đồ từ tôn, thiếc… và nhiều người Hà Nội cũ vẫn nhớ nhưng đồ chơi dịp Trung Thu tháng Tám thợ thủ công ở đây làm bày bán.

Người nào ưa sự yên tĩnh thì có lẽ không nên đi qua phố này. Bởi lúc nào, không gian ở đây cũng như bị xé nhỏ bởi tiếng ầm ào của búa gò tôn, tiếng máy cắt hoạt động không ngừng nghỉ từ sáng tới tối mịt. Mà nếu có đi bộ qua phố này, kiểu gì cũng phải bước xuống lòng đường, bởi vỉa hè người ta dùng làm nơi sản xuất hết cả.

Nhưng cũng không mấy ai phiền lòng, vì có điều khá lạ, khác với các con phố cổ, Hàng Thiếc lại rất vắng xe cộ qua lại. Nhiều khi có cảm giác nó giống như phố đi bộ hơn.

Người ta có thể vừa đi bộ, vừa ngắm các bác thợ, anh thợ, em thợ còng lưng gò tôn, khéo léo lựa kéo cắt những đường tôn uốn lượn như bằng máy. Nói vậy để thấy rằng, có lẽ những người thợ ở phố này vẫn còn đủ đam mê mà truyền lại được lửa nghề cho con cháu.

Dân phố cổ thường vẫn hay mang mấy đồ dùng trong nhà cũ, hỏng một phần nào đó ra thuê thợ Hàng Thiếc làm lại. Bởi không phải món gì cũng có đồ thay thế. Mà thợ Hàng Thiếc thì tuyệt đỉnh khéo tay. Chỉ cần nhìn là gò lại được những bộ phận hỏng của món đồ ấy vừa in, chính xác.

Một người bán hàng trên phố Hàng Thiếc

Ông Trần Văn Đạt, ở số nhà 69 phố Hàng Thiếc, hậu duệ đời thứ 3 của họ Trần vốn quê ở Đan Hội – Hà Đông ngày xưa lên Hàng Thiếc lập ra phố nghề này. Ông Đạt tự hào:Khẳng định là nghề này không thể mất được, vì có những sản phẩm thủ công mà máy không thể làm được, có những dụng cụ và những đồ đặc biệt mà chỉ có tay nghề của người thợ thiếc mới có thể làm ra được mà thôi…

Thực tế, nói phố Hàng Thiếc còn giữ nguyên nghề cũ thì cũng không hẳn. Bởi bây giờ không mấy ai làm hàng thiếc nữa, mà chủ yếu là đồ làm bằng sắt tây, tôn inox…

Chính vì thợ Hàng Thiếc với tay nghề thủ công khéo léo của mình mà đến nay nghề vẫn còn phát triển. Tất nhiên, bây giờ những thợ trẻ không còn độ tỉ mỉ mà muốn làm những việc mất thời gian là phục chế lại những đồ cũ nữa. Công việc này, dân phố cổ thường chỉ tín nhiệm một vài nghệ nhân có tuổi, và cũng còn lại rất ít người nhận làm.

Người hàng phố xưa vẫn truyền tai nhau mang đồ cũ hoặc muốn phục chế lại ra hàng ông cả Chức, ở số nhà 33 Hàng Thiếc đặt làm. Gần như là người thợ duy nhất còn lại ở đây có thể làm được những món đồ thủ công hoàn toàn:Tôi làm những sản phẩm bà con khu phố không làm được hoặc những sản phẩm cần sự tỷ mỷ thì bà con giới thiệu đến tôi.

Thí dụ như bây giờ người ta yêu cầu làm những cái chậu cổ ngày xưa hoặc làm màng mỏng thổi nilon ci-ti-len thì cả phố không ai làm cái đó, thì tôi vẫn làmGiờ đây, hầu hết các hộ làm nghề ở phố Hàng Thiếc chỉ chuyên làm những sản phẩm riêng lẻ theo đơn đặt hàng, còn lại những sản phẩm được sản xuất hàng loạt như thùng tôn đựng tài liệu, xô, chậu,… thì lại nhập về từ các làng nghề ven Hà Nội. Những thợ ở các làng nghề này đều học nghề ở Hàng Thiếc rồi về mở cơ sở sản xuất và đem hàng ra đây đổ mối…

Trong ký ức của những đứa trẻ con hàng phố những năm 80-90 thế kỷ trước, vẫn còn nhớ những món đồ chơi thủ công may mắn được bố mẹ chiều chuộng lên Hàng Thiếc mua cho về chơi dịp Trung Thu, như chiếc thuyền chạy dầu, đèn lồng, ông Quan Công có thể tự múa võ nổi tiếng… Ngày ấy, chỉ cần được một món đồ chơi kỳ diệu ấy thôi, lũ bạn hàng xóm phải đổi bằng đủ thứ quà cáp mới được sờ vào chơi một lúc.

Cách đây khoảng chục năm, tôi vẫn thấy có một hàng bày bán những món đồ chơi thủ công này. Nhưng vài năm trở lại đây, đi qua Hàng Thiếc, hình như đã không còn thấy bày bán nữa.

Bây giờ thì trẻ con hàng phố mè nheo đòi quà là được bố mẹ đưa ra Hàng Mã, Lương Văn Can mua đồ chơi bằng nhựa vừa đẹp, vừa màu sắc bắt mắt. Những món đồ thủ công kia, có đưa cho, chúng cũng chẳng buồn chơi. Nhưng, chính vì đầy đủ quá, mà có lẽ trẻ con bây giờ không có những cảm xúc sung sướng vỡ oà như thế hệ cha anh của chúng khi xưa.