Hàng Bè – Chợ của Kẻ Chợ

Đã hàng trăm năm nay chợ Hàng Bè là nguồn chính cung cấp thực phẩm cho người dân phố cổ Hà Nội. Với người Kẻ Chợ - Thăng Long, chợ Hàng Bè là một phần trong cuộc sống của họ, là nơi sinh hoạt, giao lưu, là một không gian văn hóa của những người dân sống trong phố cổ…

Theo lẽ thường, hễ cứ chỗ nào đông dân cư sinh sống, ấy sẽ là nơi có chợ. Nhìn vào chợ, người ta sẽ biết được đời sống của người dân nơi ấy ra sao. Ở Kẻ Chợ - Thăng Long xưa, Hà Nội nay, chợ luôn là một phần không thể thiếu trong cuộc sống thường ngày của người dân. Chợ ở phố cổ có nét giống, và rất nhiều nét khác với những chợ quê…

Nếu kể đến những chợ chính, chợ lâu đời ở phố cổ Hà Nội thì chỉ có mấy khu chợ như Đồng Xuân, chợ Hôm và chợ Cửa Nam... Chợ với đúng ý nghĩa của nó, có cầu quán, có cửa hàng, họp theo đúng giờ giấc,…

Còn cả trăm cái chợ cóc, chợ xanh mọc lẫn trong các khu dân cư, rồi các chợ ở các đầu ô, các chợ chỉ xuất hiện vài ngày phiên giáp tết như chợ Hàng Lược…

Nằm ngay cạnh Hồ Gươm, với người dân phố cổ, chợ Hàng Bè gắn bó, thân thiết với họ cả trăm năm nay và vô hình chung nó đã trở thành một không gian văn hóa rất riêng của người Hà Nội. Xét về một khía cạnh nào đó, nó cũng phản ánh được một phần cuộc sống, thói quen sinh hoạt, ăn uống truyền thống của người dân nơi đây.

Chợ Hàng Bè luôn nổi tiếng với đồ ăn ngon, đồ khô, gia vị, rau quả, thịt cá tươi không chỉ ở Hà Nội mà còn quy tụ ở nhiều vùng ền trên cả nước… Với những bà, những chị yêu nội trợ, đây quả là một thiên đường phục vụ các mặt hàng cho họ trổ tài nấu nướng.

Không những thế, chợ còn có rất nhiều hàng quà bánh đặc sản để phục vụ ngay tại chỗ cho những thực khách ưa ẩm thực phố phường… Với những cô gái hơi vụng về trong khâu nấu nướng, chợ cũng có đủ các đồ làm sẵn, nóng hổi phục vụ tận tình.

Chị Thuỷ, nhà ở phố Hàng Bồ, gia đình chị nhiều đời nay là khách hàng quen thuộc của chợ Hàng Bè tâm sự: Nhà tôi ở gần chợ Hàng Bè, từ đời ông bà, cha mẹ tôi thì cũng có thói quen đi chợ Hàng Bè, và cho đến bây giờ thì cũng vẫn như thế. Mọi người có thói quen mua sắm đồ ăn thức uống cũng như đồ lặt vặt trong gia đình ở chợ. Nói chung là ở giữa phố mà có một cái chợ đầy đủ các thứ mà rất tiện dụng như thế này thì cũng rất là thích… 

Trước đây, chợ Hàng Bè “chiếm trọn cả con phố Gia Ngư và một phần các tuyến phố xung quanh. Lòng đường cũng là không gian của chợ. Nhưng cách đây vài năm, thành phố quyết định giải toả khu chợ này để trả lại lòng đường cho các phương tiện tham gia giao thông và sự thông thoáng của con phố này.

Cũng có điều thật lạ, chợ họp trong lòng phố, thế nhưng đôi lúc người ta như bắt gặp những hình ảnh của một phiên chợ quê. Những ông già, bà cả, những cô gái bán hàng mộc mạc, giản dị, với những món hàng mang chút hương vị quê mùa khiến ta cứ nghĩ rằng khung cảnh ấy đang ở một phiên chợ xa nào đó ở một vùng quê đồng bằng Bắc Bộ.

Ông Hải, một người sống cạnh chợ Hàng Bè, khẳng định, chợ luôn có một chỗ đứng rất thân thiết trong lòng người dân ở đây: Phố Hàng Bè là chỗ mà để cho chúng ta có thể tạo ra một cái chợ quê, chợ Thăng Long xưa, Kẻ Chợ… và những nhà mặt phố có thể cải tạo lại. Bởi vì nhiều chợ lớn cũ mình đã bê tông hóa nhiều quá rồi, Hàng Da bê tông hóa, Đồng Xuân bê tông hóa rồi… Giữa Thăng Long nên giữ một ngôi chợ kiểu Kẻ Chợ, đấy là những hồn phố cổ…

Chợ Hàng Bè bây giờ chỉ còn phảng phất một chút không khí của phiên chợ quê, của Kẻ Chợ khi xưa. Và vẫn mang lại đôi chút sự luyến tiếc cho những người gắn bó cả đời với nó. Dù sao, bây giờ, chợ Hàng Bè vẫn còn chút ít dáng dấp của nét sinh hoạt xưa cũ đất Thăng Long…