Hạn chế ô tô vào phố cổ, tài xế ngoại ô nói gì?

Quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) vừa có đề xuất hạn chế ô tô cá nhân vào khu vực phố cổ nhằm giảm ùn tắc giao thông. Liệu việc áp dụng sẽ khiến quá tải các điểm trông giữ xe trong khu vực lân cận, hay có thể thay đổi hành vi tự lái xe vào vùng lõi của người dân?

Mời các bạn cùng VOV Giao thông tìm hiểu qua cuộc trò chuyện với một người sở hữu ô tô thường lái xe vào phố cổ.

Đứng cạnh tôi lúc này là anh Nguyễn Văn Hải, một cư dân sinh sống bên ngoài vành đai 3, thuộc quận Hoàng Mai, Hà Nội.

Chào anh, ở góc độ là người thường xuyên lái xe từ ngoại ô vào vùng lõi thành phố, anh nghĩ thế nào, nếu một số tuyến phố cổ hạn chế ô tô cá nhân?

Tôi nghĩ, nếu một người ở xa thì chỉ mong muốn là có xe để đi vào trung tâm. Đương nhiên nếu đến phố cổ, chắc họ cũng chẳng vào sâu đâu. Người ta sẽ vào vùng lân cận phố cổ, có bãi gửi xe.

Còn nếu hạn chế thì người ta đặt xe công nghệ cũng tiện, hoặc đi xe công cộng như xe buýt thì đỡ tốn tiền hơn. Còn khoảng cách 10-15 cây số, họ muốn đi xe tư vào trung tâm thì thực ra cũng đúng thôi.

Nhưng đến phố cổ, cách một chút thì họ gửi xe mới vào. Chứ đi lòng vòng trong phố cổ, chả có chỗ gửi xe rồi cũng lại phải lái đi ra, mãi rồi người ta cũng chẳng dám vào nữa.

Tôi hiểu ý anh là khó tìm một chỗ đỗ hợp pháp đúng không? Nhưng thực tế, để kiếm một chỗ đỗ theo kiểu tùy tiện thì lại không khó. Cứ đỗ xe trên phố, kiểu gì cũng có người ra gõ cửa thu tiền và trông xe hộ…

Theo tôi, những điểm đỗ hợp pháp mà nhà nước khai thác thì có lẽ cũng hết rồi, mà chỗ đỗ nó ít. Còn bãi xe tự phát thì nó vô vàn lắm, chỗ nào người ta cũng tìm được chỗ đỗ ngang đỗ ngược cho khách, chủ yếu để thu tiền thôi.

Ảnh nh họa: Chu Dũng

Còn nếu những điểm đỗ ở vùng lõi, thành phố khai thác hết rồi, thì cũng nên bố trí các điểm ở ngoài xa một tí, nhưng phải có điểm xe buýt ấy. Gửi xa một tí nhưng có xe buýt vào vẫn tiện hơn.

Trong phố tìm chỗ đỗ thật thì quả là không có. Mà nhà nước không khai thác thì nhiều điểm tự phát hơn cả nhà nước cơ.

Vâng, việc tồn tại các bãi trông giữ xe tự phát còn vô tình dung túng cho thói quen tự lái xe cá nhân vào vùng lõi?

Đúng rồi. Như thế thành ra rất lộn xộn giao thông. Còn nếu để vào trong phố, bãi đỗ tự phát cho phép đỗ như thế thì cũng ảnh hưởng giao thông.

Người ta dù chẳng muốn đâu, nhưng đỗ thì vẫn phải đỗ thôi.

Chi phí đỗ xe của anh khi tự lái lên phố cổ thì như thế nào?

Đắt chứ, đắt so với số tiền mình tự lái, mình gửi xe thì tốn tiền chứ. Hơn nữa, mình đỗ xe ở những điểm không phải gần. Có khi phải đi 1-2 cây chẳng hạn. Thà đặt xe còn hơn, vừa rẻ lại đỡ phải lái.

Như vậy, anh ủng hộ  việc hạn chế xe cá nhân vào khu vực phố cổ?

Vâng, tôi cũng thấy là nếu xe cá nhân nhiều quá thì cũng nên. Nếu xe ra vào dừng đỗ 5 phút thì không sao, nhưng ai cũng đỗ xe vào ăn bát phở trên phố thì chắc chắn đường không còn chỗ để đi nữa rồi.

Hiện tại chưa cấm, còn khi cấm thì tôi sẽ không lái. Gia đình tôi lên chơi thì đặt xe, tội gì mà gửi xe vừa đắt, lại phải đi bộ xa.

Cảm ơn chia sẻ của anh.

Anh Văn Hải, sống ngoài vành đai 3, tỏ ý sẵn sàng chuyển đổi phương tiện nếu đề xuất hạn chế ô tô vào phố cổ được thông qua. Nhưng hiện anh vẫn tự lái xe chở gia đình vào vùng lõi mỗi cuối tuần, do việc đỗ

Anh Hải cho biết, anh sẵn sàng tìm phương tiện khác để đi vào vùng lõi nếu có quy định hạn chế ô tô cá nhân. Nhưng cho tới khi có quy định mới, anh vẫn tự lái xe chở vợ con vào khu vực Hồ Gươm để đi bộ, ăn uống mỗi dịp cuối tuần. Anh chấp nhận chi trả từ 50 nghìn đến 100 nghìn đồng/lượt gửi xe ở các bãi trông giữ tự phát.

Có vẻ trường hợp của người sở hữu ô tô ngoài vành đai 3 như anh Hải là một gợi ý cho các nhà quản trị đô thị. Nếu quản lý chặt không gian công cộng, không cho phép đỗ xe tùy tiện, dẹp bỏ các bãi xe tự phát lấn chiếm lòng đường, vỉa hè, chính quyền thành phố không nhất thiết cần đến đề xuất mới.

Bởi khi việc tìm chỗ đỗ quá phức tạp và mất thời gian, các chủ phương tiện sẽ tự giác bỏ thói quen lái xe vào vùng lõi.