Hẩm hiu nút bấm đèn tín hiệu sang đường

Nút bấm sang đường tại ngã ba phố Hồng Mai giao phố Bạch Mai (quận Hai Bà Trưng) hoạt động ổn định, các phương tiện cũng chấp hành khá nghiêm chỉnh tín hiệu đèn, nhường đường khi có người bấm nút. Tuy nhiên, số người dùng lại khá thấp.

Nút bấm dành cho người đi bộ gần như thất sủng tại nút Bạch Mai-Hồng Mai, quận Hai Bà Trung, Hà Nội.

Tại Hà Nội hiện có 13 hệ thống nút bấm đèn tín hiệu cho người đi bộ sang đường được triển khai tại các vị trí mà người dân có nhu cầu sang đường cao, tiềm ẩn nguy cơ va chạm, tai nạn giao thông.

Một trong số đó là nút bấm sang đường tại ngã ba phố Hồng Mai giao phố Bạch Mai (quận Hai Bà Trưng). Nơi đây có mật độ giao thông rất lớn, hệ thống hoạt động ổn định, các phương tiện cũng chấp hành khá nghiêm chỉnh tín hệu đèn, nhường đường khi có người bấm nút. Tuy nhiên, số người dùng lại khá thấp. Phóng viên sẽ tìm hiểu nguyên nhân bằng cách trò chuyện ngẫu nhiên với những vị khách bộ hành.

Chào ông, ông có hay phải sang đường và có dùng nút bấm này không?

Tôi thực ra cũng ít sang đường lắm.

Vậy ông thấy hệ thống cho người đi bộ sang đường này có hữu ích?

Nói chung nếu có nút bấm đèn xanh cho người sang đường thì quá tốt. Vì tôi cũng chưa đi nên tôi chưa rõ lắm.

Thế ạ. Thế hai ông cháu mình thử dùng xem thế nào nhé. Đây ạ, ông ấn vào đây.

Ấn vào đây à?

Vâng. Đang đèn xanh đây, đang đếm ngược đây ạ. Các xe họ dừng rồi. Ông có thể đi sang được ạ.

Tốt rồi cứ hoạt động được là được. Nhưng mà đây chỉ có một cái thế này, để như này có người biết sẽ bấm, còn không biết bấm gì cả. Đây này, bà này bán hàng ở đây bà ấy biết, cháu cứ hỏi thêm bà ấy.

Dạ vâng, bác gái cho cháu hỏi một xíu ạ. Bác quan sát ở đây, người đi bộ họ có sử dụng nút bấm này?

Ít người đi bộ dùng lắm. Họ toàn đi bộ vào ngõ thôi. Thỉnh thoảng tôi sang đường là tôi đi vạch trắng này thôi. Hãn hữu lắm, tôi bấm, xe họ dừng thì mình sang. Đơn giản thế thôi.

Vậy trường hợp nào bác sẽ dùng?

Tôi không dùng, cứ đi vạch trắng này, lúc nào xe vắng là tôi sang. Hai nữa là, bên đấy không có chợ. Mé bên này có chợ thì họ đi nhiều. Bên kia họ đi thì họ rẽ sang rồi họ về. Ít người biết và đi cái này lắm cháu ơi. Thế nhé cháu.

Dạ vâng, cháu cảm ơn bác.

Vỉa hè bên dãy số nhà chẵn phố Bạch Mai vốn đã chật hẹp, lại bị lấn chiếm từ hàng quán kinh doanh, nên không khuyến khích được người đi bộ tiếp cận với hệ thống nút bấm sang đường.

Tôi sẽ trò chuyện tiếp với một em học sinh. Em ơi, anh hỏi chút. Em có thường xuyên sử dụng nút bấm tín hiệu này?

Em không để ý lắm nút này, cũng không biết nó có hoạt động hay không.

Đây, nó có một nút bấm. Trong vòng 5 giây, đèn vàng sẽ chuyển sang đèn đỏ. Các xe sẽ dừng lại trong 15 giây để mình sang đường. Nãy giờ anh hỏi rất nhiều người, người ta cũng không dùng mấy. Liệu có phải do nhu cầu sang đường ở tuyến này ít?

Cũng không hẳn ạ. Tại vì người Việt Nam mình chưa quen dùng lắm. Nút này ở đây cũng mới có mấy năm. Chắc hôm nay em thử sử dụng luôn để sang đường ạ.

Uhm, anh em mình sử dụng luôn đi… Em thấy tính năng này thế nào?

Em nghĩ khá được. Nhưng chắc là một thời gian nữa người ta mới quen dùng.

Cảm ơn em!

Chào anh, em ở VOV Giao thông, em đang khảo sát nút bấm này cho người sang đường…

Cái này chưa thông dụng đâu, người ta chưa biết nhiều được đâu. Với cả, vỉa hè bên này rộng thì họ còn đi. Bên kia chật như thế, người ta phải đi xuống dưới lòng đường. Chỗ này cũng không đông đúc lắm.

Em nghĩ người ta đặt nút bấm ở đây cũng có lý do. Trong ngõ này có trường tiểu học, giờ cao điểm chỗ này bị ùn ứ, nhu cầu sang đường sẽ cao hơn.

Đúng rồi. Chính ra có nút này thì thuận tiện. Chưa phổ biến, truyền thông nhiều thôi. Bây giờ anh thấy người dân sang đường cũng cẩn thận lắm. Kể cả các ông bà già cũng báo hiệu bằng ô dù, tay chân các kiểu giơ lên. Cái này thông dụng, được truyền thông mạnh mẽ thì người ta dùng ngay, nhất là các ông bà già sợ sang đường.

Nhưng đúng là khó cho người đi bộ vì vỉa hè bên kia bị lấn chiếm, họ sang được bên kia thì cũng không đi trên đó được.

Đúng rồi em.

Em cảm ơn anh.

Theo quan sát của phóng viên, các phương tiện qua đây chấp hành rất tốt việc dừng xe khi có người bấm nút xin sang đường. Tuy nhiên, thực tế ít người biết tới và sử dụng, thậm chí đa số người tôi hỏi và rủ đi cùng thì cũng mới là lần đầu sử dụng. Nó cho thấy mức độ phổ biến của hệ thống này tại nút giao Hồng Mai – Bạch Mai.

Thiết nghĩ, bên cạnh nâng cao hiệu quả truyền thông về lợi ích của hệ thống nút bấm sang đường, cần tạo được điều kiện khuyến khích người đi bộ bằng cách trả lại vỉa hè thông thoáng, không bị lấn chiếm không gian từ hàng quán, các hoạt động dịch vụ.