Tuy vậy nhưng không ít người vẫn lựa chọn băng qua đường thay vì đi qua hầm. Vì sao lại có nghịch lý như vậy, chúng ta hãy cùng đến với cuộc trò chuyện ngay sau đây để tìm câu trả lời.
Nơi tôi đang đứng đây là hầm chui đường bộ gần Bảo tàng Hà Nội trên đường Phạm Hùng. Theo như quan sát, hầm rất sạch sẽ sáng sủa nhưng vắng người qua lại. Tôi sẽ hỏi chuyện nhóm bạn nữ gần đây. Các bạn có thường sử dụng hầm chui này để sang bên kia đường không?
Bình thường mình không hay sử dụng hầm đường bộ lắm. Nếu mà để qua đường thì thường mình sẽ lựa chọn là băng qua đường trên các vạch kẻ đường hoặc là tìm những nơi có cầu vượt qua đường hơn là đi hầm đường bộ.
Những chỗ đường hầm đi bộ mà mình biết thì đều có đèn đỏ ở phía trước nên mình chọn cách đi lên 1 đoạn rồi đi qua các đèn đỏ đấy luôn cho tiện thì đỡ phải đi xuống hầm. Đi lên ngã tư đèn đỏ sẽ đi nhanh hơn vì đèn đỏ ngã tư đấy cách hầm đường bộ có vài bước chân.
Vâng, đúng như tôi thấy thì ngay trước cửa hầm đi bộ này chỉ vài mét thôi là đèn giao thông và vạch kẻ qua ngã tư. Vậy còn lí do nào khác mà các bạn không thường xuyên sử dụng hầm đi bộ hay không?
Thật ra thì trông nó hơi đáng sợ, trông tối tăm vắng vẻ. Thật ra mình đã đi ở dưới đấy rồi và không đông người đi xuống cùng nên cảm giác hơi vắng vẻ. Một vài người trải chiếu ngồi ở đấy.
Với mình thì mình thấy là hầm đường bộ hơi nguy hiểm. Bên dưới đấy nó sẽ hơi tối và nhất là không an toàn cho bọn mình là con gái đi bộ một mình.
Có vẻ như các bạn ấy vẫn còn lo lắng khi sử dụng hầm đi bộ này, vậy các bạn mong muốn hệ thống hầm đi bộ sẽ cải thiện như thế nào để thu hút người sử dụng hơn?
Mình nghĩ nên có các bác bảo vệ đứng ở dưới đấy trông sẽ an tâm hơn, nên có người quét dọn vệ sinh trông nó sạch sẽ với cả nên có còi báo động để khi có vấn đề gì chẳng hạn, chẳng may thì có thể phản ứng được luôn.
Vâng, vậy còn với những người hiện tại vẫn thường xuyên đi qua hầm đi bộ này thì sao. Tôi sẽ hỏi chuyện một người dân khác. Chào chú, chú thấy cơ sở vật chất ở các hầm này ra sao ạ.
Ánh sáng chú thấy vẫn bình thường mà, chỗ Nguyễn Trãi – Ngã Tư Sở chú cũng đi thỉnh thoảng, cũng thấy bình thường mà. Tiện lợi cho người đi bộ, người sử dụng thì ví dụ muốn sạch sẽ thì phải có người hằng ngày quét dọn ở đấy thì sẽ sạch.
Ở đâu cũng vậy, ở nhà cũng vậy huống chi tập thể. Đi thì nó đỡ nguy hiểm, đỡ phải băng qua đường, nó an toàn.
Đó là ý kiến của người dân, nhưng thực tế từ vài năm trở lại đây, các hầm đi bộ đã được bố trí người trực gác liên tục. Chú Trần Văn Chung là nhân viên trực ca ở chính hầm chui này. Công việc hằng ngày của chú diễn ra như thế nào?
Ngày xưa chưa trông thì có ai dám đi đâu, từ ngày trông thì mới bắt đầu nhiều người người ta đi. Bây giờ điện bật suốt ngày sáng lắm, sạch sẽ, bây giờ không có cái gì đâu. Chẳng bao giờ hỏng, hỏng phát là có người thay ngay, thay bóng ngay. Mỗi hầm 2 người canh, 2 người trực hầm đấy, trực là vừa lau dọn, vừa trông.
Hầm đã sạch sẽ nhưng vẫn ít người đi. Theo chú, cần có thêm giải pháp nào ạ?
Ngày xưa nó bẩn thì người ta sợ, bây giờ thì không sợ. Họ vẫn nghĩ như ngày xưa mà nhưng bây giờ họ đi thì lại cảm tưởng sạch sẽ quá. Bật điện sáng các kiểu, mình ngồi đây thì họ không sợ. Dần dần họ đi họ thấy sạch, an toàn thì họ đi thôi.
PV: Xin cảm ơn những chia sẻ của chú!
Có thể thấy, việc thay đổi hình thức đã giúp hầm đi bộ trở nên thân thiện, an toàn hơn trong mắt người dân. Nhưng để hầm đi bộ thực sự trở nên hấp dẫn, phá tan được định kiến trong suy nghĩ của khách bộ hành, thì có lẽ, các đơn vị quản lý cần làm nhiều hơn thế.
Theo các chuyên gia, để hầm đi bộ có thể thu hút người dân cần có thêm các biển, bảng chỉ dẫn nổi bật, dễ thấy ở các giao lộ hướng dẫn đi về vị trí hầm, có các thông điệp đề nghị người dân sử dụng. Thậm chí, hầm cần được lắp đặt camera và có thông báo rõ ràng về điều này ở ngay cửa hầm, người sử dụng sẽ yên tâm hơn.