Hà Nội "tăng tốc" có 400km đường sắt đô thị, người dân kỳ vọng gì?

Theo Đề án tổng thể đầu tư xây dựng hệ thống đường sắt đô thị Thủ đô, Hà Nội phấn đấu đến năm 2035, hoàn thành đầu tư xây dựng 10 tuyến đường sắt đô thị với tổng chiều dài trên 410,8 km.

Người dân Thủ đô đang rất mong chờ vào một mạng lưới đường sắt đô thị phát triển và gắn kết, giúp việc đi lại dễ dàng, thuận tiện hơn. VOV Giao thông đã trò chuyện cùng một người quan tâm và theo dõi thông tin về quá trình đầu tư và vận hành của hệ thống đường sắt đô thị Hà Nội:

Xin chào anh, anh có thể giới thiệu về mình?

Tôi là Kiều Minh, phóng viên Ban Thời sự, Truyền hình Quốc hội Việt Nam, tôi thường xuyên theo dõi mảng giao thông đô thị.

Sau khi Hà Nội có 2 tuyến đường sắt đô thị đi vào vận hành, anh đã trải nghiệm chưa và có cảm nhận ra sao?

Tôi đã đi cả tuyến đường sắt đô thị Cát Linh – Hà Đông và Nhổn – Cầu Giấy, vừa là trải nghiệm vừa là công việc, tôi thấy đây thực sự là phương tiện vận chuyển hành khách văn nh, sạch sẽ và an toàn.

Từ nay đến năm 2035, TP Hà Nội cần khoảng 37,1 tỉ USD để hoàn thành 10 tuyến đường sắt đô thị với tổng chiều dài 410 km.

Anh thấy ưu điểm của đường sắt đô thị so với các phương tiện truyền thống ra sao?

Có nhiều ưu điểm như tốc độ tương đối cao, có lối đi riêng không bị xung đột với các phương tiện khác dưới mặt đất nên người dân đi tàu không bị ảnh hưởng bởi tắc đường, bởi khói xe.

Đây là phương tiện chất lượng cao và hiện đại. Đi từ ga Cát Linh đi Hà Đông không quá 45 phút bao gồm cả thời gian chờ tàu, nhưng nếu di chuyển bằng xe máy hoặc ô tô vào giờ cao điểm thì phải dành ra ít nhất 1,5 tiếng, thậm chí đến 3 tiếng. Vào những thời điểm đó, phương tiện này thực sự phát huy vai trò với khối lượng chuyên chở lớn.

Theo anh, với một đô thị như Hà Nội hiện nay cần phải có hệ thống đường sắt đô thị làm “xương sống” cho hệ thống giao thông công cộng như thế nào?

Chúng ta không thể phủ nhận được hiệu quả của đường sắt đô thị, với một đô thị khoảng 10 triệu dân như Hà Nội thì đường sắt đô thị là phương thức vận tải vô cùng hiệu quả khi được đưa vào vận hành đúng cách.

Tuy nhiên, Hà Nội hiện mới có 1 tuyến đường sắt đô thị số 2A và một nửa tuyến số 3, cả 2 tuyến này đang hoạt động riêng lẻ, theo 2 hướng và chưa có sự kết nối.   

Chắc anh đã nắm được thông tin Hà Nội có đề án tổng thể đầu tư xây dựng hệ thống đường sắt đô thị Thủ đô với việc hoàn thành gần 600 km đường sắt đô thị vào năm 2045. Theo anh, khi mạng lưới đó được hoàn thành sẽ mang lại một diện mạo mới cho thành phố và thay đổi thói quen đi lại của người dân như thế nào?

Hà Nội và TP.HCM đã tìm kiếm và đưa ra mô hình phát triển đô thị dựa theo hệ thống giao thông, cụ thể là theo đường sắt đô thị, đưa ra hướng tìm kiếm các nhà đầu tư bất động sản để lấy số vốn đầu tư ngược lại cho giao thông, cho hệ thống đường sắt đô thị làm “xương sống”, tôi cho đấy là hướng đi phù hợp.

Với những hướng tuyến chuẩn bị được đầu tư thực hiện sẽ đáp ứng được nhu cầu đi lại từ các vùng ven vào khu vực trung tâm sẽ đạt được mục tiêu.

Quả thật ý nghĩa của hệ thống đường sắt đô thị mới diện mạo Thủ đô là rất lớn. Nhưng để đạt được mục tiêu, chúng ta đang gặp những khó khăn, thách thức nào?

Chúng ta đã có nhiều kỷ niệm không vui vẻ về việc kêu gọi vốn và chờ đợi vốn đầu tư cho các tuyến đường sắt đô thị. Khó khăn là chúng ta mất nhiều năm loay hoay với quy chuẩn kỹ thuật, khó khăn trong kêu gọi đầu tư và lệ thuộc vốn đầu tư.

Người dân đến trải nghiệm trong ngày đầu (08/8) Metro Nhổn - Ga Hà Nội chính thức khai thác thương mại

Nhiều tuyến đường sắt đô thị đang chuẩn bị đầu tư song còn chậm, anh có kỳ vọng gì về tiến độ các dự án này được đẩy nhanh trong thời gian tới?

Quốc hội đã thông qua Luật Thủ đô sửa đổi, trong đó đưa ra được nhiều cơ chế đặc thù để Hà Nội có thêm khả năng để kêu gọi và thu hút vốn đầu tư cho giao thông đô thị.

Tôi kỳ vọng Hà Nội sẽ sử dụng tốt cơ chế này để tạo ra nguồn lực thúc đẩy hệ thống giao thông đô thị. Rất nhiều người dân đang ngán ngẩm với cảnh tắc đường vào giờ cao điểm và mong mỏi về hệ thống giao thông văn nh, thuận lợi.

Xin cảm ơn anh với cuộc trò chuyện cùng VOV Giao thông

Đường sắt đô thị tại Hà Nội tuy mới hoạt động được một thời gian nhưng đã thể hiện được tính ưu việt và chắc chắn sẽ là xu thế tất yếu của giao thông công cộng trong tương lai.

Người dân Thủ đô rất mong mỏi Quy hoạch giao thông vận tải Hà Nội được thực hiện đúng để  đường sắt đô thị thực sự trở thành “xương sống” của mạng lưới giao thông vận tải.