Hà Nội, giờ nào cũng là giờ cao điểm...

Gần đây theo ghi nhận của VOV Giao thông, áp lực giao thông tại Hà Nội tăng cao không chỉ trong khung giờ cao điểm, ùn tắc xuất hiện bất cứ lúc nào. Người tham gia giao thông làm thế nào để thích ứng?

Xin chào 2 bác tài ạ!

Chào tất cả anh em lái xe trên mọi ền tổ quốc, tôi tên là Trần Minh

Xin chào quý vị và các bạn tôi tên là Tôn, hiện tôi đang kinh doanh tại phố Kim Mã.

Hằng ngày trong quá trình di chuyển ngoài các khung giờ cao điểm các anh thấy tình hình giao thông tại các con đường, tuyến phố của Hà Nội như thế nào ạ?

Anh Trần Minh: Mật độ thì càng ngày càng đông. Dân số thành phố cứ tăng lên, mọi ền tổ quốc đổ về thủ đô đơm ra mật độ rất là cao. Bây giờ cái giờ gọi là giờ cao điểm trước giờ vẫn tắc, còn bây giờ hầu như giờ nào cũng là giờ cao điểm.

Một số phố mà không phải trung tâm thì mới thoáng thôi. Còn đâu là đã vào trung tâm thì đâu cũng là cao điểm hết.

Anh Tôn: Bây giờ thì cái khung giờ cao điểm của Hà Nội có thể xảy ra vào thậm chí là 9-10 giờ tối. Tắc rất là dài, hoặc có một va chạm gì đó thì tắc rất lâu và đặc biệt di chuyển bằng ô tô rất khó khăn.  

Các anh thường gặp việc phương tiện tham gia giao thông đông đúc ở các tuyến đường nào?

Anh Trần Minh: Mật độ đông thì có nhiều, ví dụ như dọc Hà Đông ra Tôn Đức Thắng. Rồi dọc tuyến 32 từ Nhổn lên phố là cũng đông. Tóm lại các tuyến phố đều đông. Kể cả như bên Long Biên cũng là đông rồi, xưa bảo vắng nhưng giờ cũng là đông rồi.

Theo các anh nguyên nhân của việc này đến từ đâu?

Anh Trần Minh: Nguyên nhân đơn giản thôi, mật độ cư dân quá đông. Xây chung cư chẳng hạn, tôi lấy đơn cử như đường Lê Văn Lương chung cư, rồi nhà mặt đất liền kề thì không thể tránh khỏi. Nó là chạy theo cái mật độ dân cư mới làm hạ tầng. Ví dụ như bên Long Biên mình làm hạ tầng trước nhưng bây giờ dân cư quá lớn rồi lại cũng thành tắc.

Anh Tôn: Nguyên nhân chính là do thời gian gần đây phương tiện xe ô tô đi rất nhiều. Các đường có mở rộng nhưng mà tỉ lệ tăng về người sử dụng ô tô càng ngày càng cao, ô tô để vỉa hè rất nhiều.

Trước việc khung giờ cao điểm đang dần tràn “khung” như thế này, các anh có phương án nào để thích ứng?

Anh Tôn: Mình thường sử dụng xe máy ở quanh quán, còn một khi đi về nhà thì ở phố Văn Hội thì mình vẫn di chuyển phương tiện công cộng. Nhưng mình di chuyển thì…tàu điện bây giờ cũng chỉ có 2 tuyến thôi mà từ đó về quán cũng xa, không đi bộ được, ra đấy lại phải gửi xe máy để đi về quán.

Theo mình phương án dài hạn vẫn phải đầu tư thêm tuyến tàu điện, rồi xe buýt đầu tư hiện đại, sạch đẹp hơn thì người ta sẽ sử dụng.

Anh Trần Minh: Thì đi đường quan sát kỹ người đi đường xung quanh xe của mình sao giữ an toàn. Hy vọng thành phố có quy hoạch, ví dụ một phường có bao nhiêu dân, bao nhiêu căn chung cư để giãn mật độ ra.

Hoặc đơn giản như trường đại học, bệnh viện tuyến trung ương thì có chuyển ra ngoại thành. Ví dụ như ngày lễ tết nghỉ ở khu trường đại học như ở Cầu Giấy cũng rất vắng, học sinh sinh viên về quê nên vắng, các nhà quy hoạch, nhà quản lý sẽ nghiên cứu.

Trong phương án thích ứng của mình 2 anh cũng đã đưa ra những mong muốn gửi tới cơ quan chức năng! Rất cảm ơn những chia sẻ đến từ 2 anh!

Ngoài phương án của anh Tôn và anh Minh, nhiều người dân cũng chia sẻ, để thích ứng với khung giờ cao điểm đang dần tràn “khung” họ cũng chủ động tìm hiểu thông tin giao thông trước khi di chuyển để có những lộ trình thay thế, tránh việc cùng dồn vào một cung đường đang bị tắc.

Ngoài ra, việc tuân thủ đúng luật giao thông đường bộ khi tham gia giao thông cũng giúp cho việc lưu thông thuận tiện hơn.

Phương tiện cá nhân ngày càng đông, người dân cũng mong rằng cơ quan quản lý nhà nước có phương án phát triển thêm phương tiện công cộng để phục vụ nhu cầu đi lại tốt hơn, giảm phương tiện cá nhân.