Góc phố thơm hương nếp

Hà Nội những ngày đông càng rét ngọt như những ngày này lại càng khiến cho chúng ta dễ cảm nhận được hơi ấm đến từ những điều nhỏ nhất!

Như tôi, khi chậm lại cùng bộ hành qua phố, dù sớm ngày đông chưa tỏ mặt người, chỉ có những cơn gió bấc hun hút trên đường phố thênh thang, ta đã có thể nghe thấy mùi hương nếp thơm nơi mỗi góc phố.

Ấy là khi những thúng xôi đầu phố đã có người mua….

Gần như góc phố nào của Hà Nội cũng có ít nhất một thúng xôi bán ở vỉa hè rất đông khách, chỉ bán từ khoảng 5-6h sáng đến 8-9h là hết hàng với mức giá rất bình dân, khoảng 10.000 đồng mà có đầy đủ cả xôi và đồ ăn kèm như vừng, ruốc, chả thịt…

Từ rất sớm, như một thói quen với nhiều người ở Hà Nội, đặc biệt với những người lao động hay những người đi tập thể dục sáng thì góc vỉa hè nào có đông người nhất chính là chỗ bán xôi ngon nhất trên phố.

Khách đứng đợi mua xôi trong cái rét buốt vẫn nặng hơi sương đều xuýt xoa cùng người bán, chuyện trò đôi ba câu về thời tiết và tranh thủ hít hà hương thơm, hơi ấm tỏa ra từ thúng xôi đang đầy ắp! Có khách dù chẳng kịp ngồi lại ăn, cầm vội gói xôi nóng hổi, thơm phức mùi lá dong, lá chuối cũng đủ ủ ấm đôi bàn tay và và đủ năng lượng khởi động một ngày làm việc mới.

Khách đứng đợi mua xôi trong cái rét buốt vẫn nặng hơi sương đều xuýt xoa cùng người bán, chuyện trò đôi ba câu về thời tiết và tranh thủ hít hà hương thơm, hơi ấm tỏa ra từ thúng xôi đang đầy ắp! (Ảnh: Vũ Loan)

Trong bầu không khí se sắt lại vì lạnh thì hơi ấm thơm hương nếp tỏa ra từ những thúng xôi vỉa hè lại càng có sức hấp dẫn hơn nữa. Nhất là trên phố Lê Quý Đôn, một con phố khá ngắn, chỉ khoảng 200m mà có tới 4-5 hàng xôi tập trung trên phố, hàng nào cũng đông khách đứng đợi mua từ sáng sớm.

Đi bộ trên phố, để ý kỹ, bạn sẽ thấy ngay đầu phố Lê Quý Đôn, vừa gần lối vào chợ, vừa gần lối đi ra vườn hoa Yec-xanh có một hàng xôi ngay ngoài vỉa hè, chỉ với một chiếc biển bán xôi nhỏ treo ngay trên chiếc xe máy, bên cạnh là thúng xôi to với rất nhiều người đứng đợi xung quanh.

Một đôi vợ chồng giọng ền Nam đứng co ro phía sau đợi đến lượt, có lẽ không quen với cái lạnh buốt của mưa phùn và gió bấc ền Bắc nên ôm chặt nhau, vô thức ngày càng đứng sát chị bán xôi hơn mà đôi mắt vẫn không rời tay người bán đang thoăn thoắt gói hàng:

"Mình thích ăn xôi ngô không, mỗi lần ra HN là mình khoái ăn xôi hàng này, tại vì bên này có xôi ngô là ngô không vậy đó, chứ mình không thích ăn kèm xôi, bao nhiêu năm rồi vẫn nhớ, đi vô trong Nam 20 năm rồi, tìm mấy chỗ rồi mới có chỗ bán đúng ý nên đang mua về đem đi sân bay ăn đây".

Niềm vui vì tìm được chỗ bán xôi đúng ý đủ làm nóng ý chí của người ở nơi ấm áp đã nhiều năm vẫn sẵn sàng đứng đợi 10-15 phút trong cái lạnh buốt của mưa phùn, gió bấc lúc hơn 6h sáng những ngày lạnh nhất của mùa đông Hà Nội.

Gói xôi 20 nghìn được người khách ền Nam đón nhận trong sự ấm áp và tự hào vô cùng của người bán xôi, bởi chị biết, ở Hà Nội không mấy ai để riêng xôi đã bung như chị vẫn tỉ mẩn làm suốt bao nhiêu năm qua.

Hầu như những thúng xôi bán ở vỉa hè các con phố của Hà Nội đều là của những người dân làng Phú Thượng – làng nghề nấu xôi truyền thống nổi tiếng Hà Nội nhiều năm qua.

Ảnh: Vũ Loan

Từ sớm tinh mơ, người dân Phú Thượng tỏa đi các con phố quen khắp Hà Nội, có người đi xa, người gần, nhưng nhất định họ đều chỉ bán ở một chỗ, trên một phố quen, chứ không cần phải đi bán rong, bởi xôi làng Phú Thượng ngon tới mức bán loáng một chút buổi sáng là đã hết sạch người tới mua.

Tôi cứ ngạc nhiên tại sao mỗi thúng xôi nặng tới 50-60kg mà hầu như lúc nào cũng chỉ cần 1 người bán, mà vẫn bán xuể chỉ trong vòng ít tiếng buổi sáng như thế. Nhìn đôi tay chị bán xôi ở vỉa hè đầu phố Lê Quý Đôn thoăn thoắt bán hàng không ngơi, nhất là lúc cao điểm đông khách từ 6h30 đến 7h30, lại gặp hôm trời mưa, khách chỉ đứng lại mua để nhanh chóng mang đi thì đúng là  vô cùng đáng nể.

Chị bán xôi cười xòa, vừa bán hàng, vừa tranh thủ kể: "Món này ngon bổ rẻ em ạ, bây giờ cái gì cũng đắt, 20-30k một bát phở, giờ đi làm phải tiết kiệm nên món này kinh tế nhất đấy. Năm đầu tiên chị đi bán hầu như là đủ cả năm, nhà chồng nhà chị ưu tiên là năm đầu tiên đi bán thì công việc ở nhà cho ễn, nên năm đầu tiên 365 ngày chị đi bán đủ cả 365 ngày.

Chị hôm nào mà đến, kể cả 5h kém, đến lúc nào là có khách ăn lúc đấy, đông lắm. Có hôm bán luôn tại xe, không kịp bê xuống, tiền thì cứ vứt ở đây này, tí có người nhặt đếm hộ. Mọi khi không mưa thì có người ra giúp.

Ví dụ như các em đến ăn xôi các em ko vội thì các em nhường cho khách, các em bán hộ cho này, bán xong, em nào không đi làm thì còn đếm tiền cho mình ấy. Ốm cả tháng đến lúc đi vẫn có người vào hỏi thăm, ko ăn xôi vẫn vào hỏi thăm, bảo vào ăn xôi đi, không, hôm nay vào hỏi thăm thôi, để mai…"

Lời hỏi thăm chân tình, lời hẹn giản đơn: “để mai nhé” của những con người biết nhau, nhớ nhau và mến nhau trên phố như thế cũng đủ làm ấm lòng một người bộ hành qua phố như tôi.

Ngày mai, có thể trời vẫn rét buốt, có thể những lo toan, vất vả vẫn còn đó, nhưng ngày mai chắc chắn là sẽ vui hơn trên gương mặt và những đôi mắt thân quen ấy. Ngày mai, sớm mùa đông lại ấm hương nếp quen, phố và người cũng ấm áp hơn nhiều…