Những năm gần đây, người nông dân phải đối mặt với nhiều khó khăn trong việc sản xuất và tiêu thụ nông sản. Một trong những nguyên nhân của tình trạng này đó là thiếu liên kết giữa các khâu trong chuỗi cung ứng đã dẫn đến việc sản phẩm không được tiêu thụ kịp thời, gây ra tình trạng hao tổn, thất thoát cho người dân.
Anh Nguyễn Văn Hiển, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Thương mại và Đầu tư Chanh Việt (Chavi) được biết đến là một trong những người mở đường xanh hóa vùng đất phèn nặng của huyện Bến Lức, tỉnh Long An. Từ năm 2011-2013, anh Hiển bắt đầu nghiên cứu trồng gần 150ha chanh không hạt. Năm 2013, Chavi bắt đầu xây dựng nhà máy và có những đơn hàng xuất khẩu chanh trái đi châu Âu và các sản phẩm chế biến đi Nhật, Hàn Quốc, Trung Quốc, châu Âu, Mỹ… Đến nay, anh đã có nhà xưởng chế biến và kho đông lạnh có thể chứa 400-500 tấn nước cốt chanh, tương đương với 4.000-5.000 tấn chanh.
Anh Nguyễn Văn Hiển, chia sẻ: Chúng tôi tạo ra các sản phẩm về nông nghiệp và tăng giá trị của sản phẩm đó; sẽ cùng phối hợp với các viện, trường để tập trung nghiên cứu tăng giá trị quả chanh nói chung cũng như một số loại nông sản phù hợp với điều kiện của chúng tôi.
Còn với HTX Kỳ Như ở huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang với diện tích khoảng 3ha nuôi cá thát lát, cùng với đó vùng nguyên liệu liên kết gồm 26 thành viên, diện tích khoảng 12ha. Đến nay, HTX có 10 sản phẩm đạt chuẩn OCOP 4 sao và 1 sản phẩm OCOP tiêu biểu vùng ĐBSCL. Riêng cá thát lát có 10 sản phẩm. Hiện HTX cung cấp các sản phẩm cho các cửa hàng, hệ thống siêu thị và xuất khẩu... với sản lượng trên 700 tấn sản phẩm cá thát lát/năm. HTX đã xây dựng chuỗi sản xuất sạch, khép kín từ con giống, nuôi, chế biến. Tất cả được kiểm soát chặt chẽ, đảm bảo nguồn gốc, an toàn thực phẩm, cân đối nguồn cung giúp tiết giảm chi phí.
Chị Nguyễn Kim Thùy, Giám đốc HTX Kỳ Như chia sẻ: Sản xuất mô hình nhỏ hoặc lớn mình phải áp dụng theo quy trình sạch, để mình có nhiều sản phẩm sạch, cái đó mới đủ, đáp ứng cho thị trường lớn và cái đó là thế mạnh của địa phương mình. Hậu Giang nhiều sông, rạch và thuận lợi cho việc nuôi trồng thủy sản, bản thân HTX ngành thủy sản cũng muốn định hướng đến bà con mình làm sao hiểu được sản phẩm sạch như thế nào sẽ đồng hành với HTX để phát triển vấn đề này.
Sản xuất nông nghiệp theo chuỗi cung ứng là hướng đi bền vững giúp nâng cao hiệu quả sản xuất và thu nhập cho nông dân và doanh nghiệp. Sự phát triển của nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị cho thấy vai trò quan trọng của việc liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp theo hợp đồng.
Tuy nhiên, trên thực tế, thời gian qua bên cạnh những hiệu quả mà chuỗi liên kết mang lại thì đâu đó vẫn còn những hạn chế, bất cập, trước hết là hành lang pháp lý còn thiếu các cơ chế, chế tài đủ mạnh để giải quyết những mâu thuẫn giữa các “nhà”, nhất là giữa doanh nghiệp và nông dân khi tình trạng doanh nghiệp hoặc nông dân đơn phương phá bỏ hợp đồng mỗi khi có biến động giá trên thị trường vẫn khá phổ biến.
Do vậy, để nâng cao tính cạnh tranh cho nông sản rất cần sự liên kết chặt chẽ giữa các nhà. Ngoài ra, nên đào tạo và nâng cao kiến thức cho người nông dân về kỹ thuật sản xuất, quản lý và kinh doanh nông sản, đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ trong nông nghiệp, cũng như cần có quy chuẩn chất lượng trong sản phẩm, ứng dụng công nghệ thông tin trong truy xuất nguồn gốc sản phẩm.
Ông Đông Văn Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang, cho biết: Nông dân không phải một mình mà có thể thực hiện được, mà phải luôn có sự gắn kết với các doanh nghiệp. Đặc biệt, người nông dân thông qua mô hình HTX, tổ hợp tác sản xuất để kết nối với các doanh nghiệp nhằm đưa doanh nghiệp hỗ trợ người dân về nguồn vốn, thuốc, phân bón, mua hàng hóa, đặc biệt là bao tiêu sản phẩm lúa gạo cho bà con nông dân với một cái giá phải chăng để người nông dân lúc nào cũng yên tâm trong sản xuất lúa gạo.
Ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) cho rằng, các địa phương vùng ĐBSCL cần tăng cường liên kết. Nông sản nhờ đó sẽ được sản xuất với quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao cho các vùng lúa, rau, cây ăn trái, dừa, vùng nuôi tôm, cá trọng điểm…, từ đó đưa ĐBSCL trở thành trung tâm sản xuất, chế biến cung ứng một số sản phẩm nông sản đặc sản, chất lượng cao.
Ông Trương Đình Hòe cho biết: Theo thống kê của chúng tôi, có khoảng 4000 doanh nghiệp đang sản xuất và xuất khẩu thủy sản. Trong đó phần về sản xuất không chiếm nhiều nhưng về thương mại thì rất lớn. Họ ít tiếp cận về kỹ thuật nhưng tập trung về thương mại. Tôi nghĩ với tình hình phát triển logistics của Việt Nam như hiện nay thì rõ ràng tương lai ĐBSCL sẽ có nhiều đơn vị tham gia thương mại về thủy sản cũng như nông sản. Do đó chúng ta phải chuẩn bị tinh thần để phát triển một cách bền vững. Bởi vì trong vấn đề về nông sản, yếu tố an toàn thực phẩm vẫn là hàng đầu. Và gắn với an toàn thực phẩm thì không thể nói rằng tôi ở khâu này thì tôi làm tốt khâu đó, mà phải xuất phát từ gốc là cây con giống, nuôi trồng, canh tác.
Có thể thấy, việc liên kết vùng hiệu quả sẽ đồng thời tạo nên các vùng nguyên liệu tập trung, bảo đảm sản lượng và chất lượng nông sản, nhất là đối với các loại trái cây có thế mạnh của từng địa phương. Từ đó đưa Đồng bằng sông Cửu Long trở thành trung tâm sản xuất, chế biến cung ứng một số sản phẩm nông sản đặc sản, chất lượng cao, không chỉ cho thị trường trong nước mà còn cho xuất khẩu.