Giữa đường có một cái cây

Những sự lạ lùng luôn mang đến bất ngờ thú vị. Giờ này năm ngoái, tôi kể cùng bạn câu chuyện “Kẽ tường có một cái cây”. Và giờ, tôi sẽ kể bạn nghe chuyện “Giữa đường có một cái cây”.

Cái cây rất to nằm ở giữa tim đường như cột mốc phân làn

Có một cái cây bỗng từ đâu mọc ở giữa đường. Đoạn đường bề ngang hơn chục mét. Và cái cây cũng rất to cao, xòa tán um tùm cả vùng đất rộng. Cái gốc xù xì chằng chịt rễ cuốn quanh, phải vài ba vòng tay ôm. Thân của nó chia thành 4 nhánh ngang nhau, như bốn anh em một nhà đang trổ giò thi nhau lớn.

Đó là một cây đề, chính giữa con đường bên hữu sông Nhuệ, qua xóm Chùa, thôn Hữu Từ, xã Hữu Hòa, Thanh Trì Hà Nội.

Các cụ xóm Chùa, thôn Hữu Từ, xã Hữu Hòa cho hay, cái cây vốn ở bên bờ sông, nhưng khi đường mở rộng ra phía bờ sông thì cái cây lại ra chính giữa

Cái cây giữa đường này có lâu chưa bà?

- Lâu rồi, từ hồi bé đã thấy

- Ngày xưa nó ở vệ đường, người ta đổ dần ra phía bờ sông, thế là nó ra giữa đường

Làm đường mà người ta vẫn giữ cái cây giữa đường, bà nhỉ?

- Giữa đường kệ nó chứ! Hai bên còn rộng mà! Nó ở giữa nó phân luồng, lại đẹp.

- Ngày xưa chỗ ấy là cây đa, nó bật gốc, xong người ta trồng cung tiến vào chỗ ấy hai cây đề.

Lòng đường mỗi bên rộng khoảng 4 mét, buổi tối có điện sáng trưng nên việc đi lại không bị ảnh hưởng gì từ cái cây

Ra là thế. Cái cây không tự nhiên mọc ở giữa đường. Nó vốn ngay ngắn bên sông. Chỉ vì con đường thay đổi. Con đường liên thôn cũng chỉ mới được sửa cho rộng vài ba năm trở lại đây, phục vụ nhu cầu đi lại và giao thương ngày càng tấp nập.

Nhưng người ta không đánh chuyển, cũng chẳng lập hàng rào gốc cây. Người ta cứ để cái cây sừng sững ở đấy, khiến con đường và cái cây đều trông rất lạ.

Những đứa trẻ luôn thích thú, tò mò với sự lạ này:

“Mẹ cháu chở cháu đi học hay qua đây. Cháu thấy có mỗi đường này là có cái cây ở giữa đường như vậy. Nó phân luồng cho xe hai bên đỡ vướng vào nhau”.

“Cháu thấy rễ của nó trông rất là hay! Nó che mát hai bên cho người dân đi qua đỡ bị nắng hắt vào”.

Nhìn từ bờ sông Nhuệ, cái cây ngả bóng xuống mái chùa Hữu Từ, làm cho khung cảnh con đường trở nên thanh bình, yên ả

Giữa đường bỗng có một cái cây. Chuyện có vẻ nghịch lý. Đã gọi là đường thì phải thẳng, phải thoáng, nhà cửa công trình còn phải dời, nữa là một cái cây. Mà lại là một cái cây đơn lẻ, không phải một hàng cây cổ thụ.

Cũng không phải là cây di sản. Để cái cây giữa đường, ngộ nhỡ gãy đổ, hoặc ai đó thiếu cẩn thận, đâm vào nó thì sao? Làm đường, ai lại để thế bao giờ!

Nhưng cái cây ở giữa đường, cũng đâu có gì nghịch lý. Thực tế, người dân xóm Chùa vẫn thấy nó hết sức bình thường. Là bởi, đây không phải đường cái quan, đây là đường làng. Và cái cây đã ở đó từ trước khi con đường khác đi, theo cái muốn của con người.

Dân làng kể rằng, trước kia ở vị trí này là một cây đa to. Khi cây đa chết đi, người dân trồng cung tiến hai cây đề tạo bóng mát

Cái cây đã ở đó, nó có chỗ của nó, trước một ngôi chùa, bên một bờ sông, trong một không gian văn hóa của làng. Người ta không thấy nó là vướng víu, vì con đường rốt cuộc cũng chỉ để đi, chỉ cần vừa đủ.

Còn cái cây, nó không chỉ là cái cây. Nó đã lớn lên cùng ngôi làng, đã bầu bạn cùng những người tóc hoa râm kể từ khi họ đôi mươi mười tám. Nó là tấm lòng của những người dâng tặng với tất cả nâng niu.

Không vạch kẻ đường, theo sự 'phân làn' của cái cây, người và xe tuần tự đi gọn gàng vào phần đường bên phải
Tuổi 'đôi mươi', cái cây xòa bóng mát cho cả con đường và tạo một điểm nhấn độc đáo từ bộ rễ chằng chịt uốn lượn

Cái cây giữa đường, người ta không thấy vướng. Trái lại, để tạo thành một chỉnh thể, người ta nắn cho con đường rộng thêm một chút về phía bờ sông, để cái cây tọa vào chính giữa. Con đường đến đó, vì thế mà bỗng rộng mênh mông, như một tấm lòng nơi cửa Phật.

Một tấm lòng bao chứa, với tất cả thương yêu thương và độ lượng, để trái ngang cắc cớ cũng thành mềm mại êm đềm.

Bờ hữu sông Nhuệ, xóm làng còn xanh ngắt với những cội cây cổ thụ rất to
Những cái cây không chỉ cho bóng cả mà còn giữ cho bờ sông vững chắc, che chở cho làng trước mỗi đợt lũ dâng cao

Một cái cây sừng sững giữa đường, không gây khó dễ cho ai, mà trái lại, làm cho người đi qua nắn nót, nhường nhịn nhau hơn, dù không cần sơn kẻ. Hơn thế nữa, nó còn tạo thành một điểm nhấn, không có ở bất cứ nơi nào.

Vậy đấy, nghịch hay thuận, ngáng trở hay là đổi thay để thêm phần thú vị… rốt cuộc, cũng chỉ phụ thuộc vào một cặp mắt nhìn.