Giữ nghề dệt chiếu Long Cang

Từ lâu, nghề dệt chiếu tại xã Long Cang, huyện Cần Đước, tỉnh Long An đã nổi tiếng với các sản phẩm chiếu trơn, chiếu hoa, chiếu in. Trãi qua bao thăng trầm, bà con nơi đây vẫn miệt mài thủy chung với nghề, cho ra đời chiếc chiếu truyền thống đượm tình quê hương.

 Hò... hơ... chiếu Long Cang nhịp nhàng em dệt

Bấy nhiêu tình em gửi hết vào đây

Chiếu hoa em dệt thật dày

Mong đây với đó... Hò... ơ... Mong đây với đó xuân này nên duyên….

Bà con làng chiếu lác Long Cang không biết chính xác nghề dệt chiếu xuất hiện ở quê hương mình từ khi nào, chỉ biết rằng khi lớn lên đã thấy cả làng làm nghề dệt chiếu. Người đi trước dạy người đi sau, thay nhau giữ nghề. Cứ như thế, làng nghề tồn tại và phát triển đến bây giờ.

Chiếu Long Cang được khách hàng gần xa ưa chuộng vì bền và đẹp - Nguồn ảnh Báo Long An

Bà Phạm Thị Thanh Phượng, Tổ trưởng nghề chiếu xã Long Cang kể gia đình bà có truyền thống làm chiếu đã 4 đời. Từ ông bà, cha mẹ đến đời bà và cả các con đều nối nghiệp, cả gia đình vui buồn cùng từng đôi chiếu. Ngày xưa, hầu như nhà nào trong xóm cũng dệt chiếu.

Không riêng gia đình bà Phượng mà ở làng nghề này đã có rất nhiều thế hệ dệt chiếu truyền thống ở Long Cang. Vào thời hưng thịnh của nghề, cả xóm rộn ràng tiếng khung dệt ngày đêm. Chiếu dệt xong được đem ra phơi kín hai bên đường, mùi thơm của chiếu mới hòa vào trong nắng càng tô thắm thêm tình yêu nghề của những người thợ nơi đây.

Bà Phạm Thị Thanh Phượng chia sẻ: "Thời gian rảnh rỗi thì thấy bà ngoại ngồi dệt chiếu có một mình thì đứa cháu đương nhiên phải lại kéo phụ rồi thì nó sẽ biết từ bé, làng nghề truyền thống rồi. Cái làng nghề truyền thống chiếu Long Cang thì có từ lâu lắm rồi. Hàng thế kỷ trước lận"

Theo bà Phượng, so với trước đây, số hộ dân theo nghề dệt chiếu Long Cang chỉ còn lại khoảng 100 hộ. Nhiều người cao tuổi vẫn yêu nghề, sống với nghề mặc dù dệt chiếu mang lại thu nhập thấp so với mặt bằng chung hiện nay.

Các người thợ lành nghề cho biết, làng nghề dệt chiếu Long Cang, từ lâu nổi tiếng với chiếu trơn, chiếu hoa, chiếu in…Những sản phẩm này được ưa chuộng vì bền, nằm mát, hoa văn đẹp nhất là những đôi chiếu “uyên ương” được dệt riêng cho dịp cưới, hỏi. Ngoài chiếu “uyên ương”, còn có những đôi chiếu đẹp cho lễ hội, cúng đình, hội thi đờn ca tài tử… Thuở xưa, chiếu Long Cang còn được coi đẳng cấp cho những nhà khá giả ở nông thôn.

Để dệt nên tấm chiếu đẹp, người thợ phải lắm kỳ công, từ cẩn thận chẻ, khâu, nhuộm lác và khéo léo khi dệt để tạo hình hoa văn. Lác phơi khô phải chẻ ra chứ không để nguyên như bây giờ. Khi đó chưa có sợi gân, phải dùng sợi trân tạo thành sợi dọc trên khung dệt. Người dân thường tận dụng khoảng sân để phơi chiếu cho ráo trước khi giao cho khách hàng.

Tuy không nhộn nhịp như xưa nhưng nghề dệt chiếu truyền thống ở Long Cang vẫn còn duy trì nhiều ha trồng lát. Gần như nhà nào cũng có vườn lác. Cây lác có thể phát triển quanh năm. Chỉ một vài trận mưa thôi, lác lại phát triển nhanh chóng. Các khâu trồng, thu hoạch, chẻ, nhuộm lát vẫn theo quy trình cũ. Trãi qua bao thăng trầm giờ đây, xóm Ðình, ấp 1, xã Long Cang là nơi còn nhiều hộ gắn bó với nghề dệt chiếu.

Chiếu đan xong được mang ra phơi nắng trước khi giao cho khách - Nguồn ảnh Báo Long An

Từ dệt chiếu thủ công truyền thống vất vả, giờ, máy móc đã xuất hiện giảm nhẹ sức người. Tuy nhiên, hầu hết những người thợ theo nghề ở đây đều đã có lớn tuổi bởi những thanh niên, trai tráng đều chọn đi làm công việc khác.

Ông Đặng Văn Út, một trong những người dệt chiếu lâu đời tại xã Long Cang chia sẻ thêm: "Có hàng trăm năm rồi. Dệt thủ công cũng có, ngày dệt 1-2 đôi chiếu hà. Mà bây giờ cũng có máy rồi. Bây giờ máy tự động người ta dệt rồi. Người ta nghỉ cũng nhiều lắm rồi tại vì ở khu vực Long Định, Long Cang công nghiệp hóa nó ra công ty nhiều quá người ta đi làm hết rồi thành ra bây giờ người ta làm bằng máy không hà"

Những người thợ có thâm niên chia sẻ rằng, họ gắn bó với khung dệt mấy chục năm nay không nỡ bỏ nghề. Công việc này cũng phù hợp với những người lớn tuổi vì chủ động được thời gian, mệt thì nghỉ, khỏe lại dệt tiếp, vừa giữ cháu hay làm việc nhà. Người không phụ nghề, thì nghề cũng không nỡ phụ người.

Bà Phạm Thị Thanh Phượng trải lòng: "Tôi cũng muốn các nơi khác biết đến làng nghề chiếu Long Cang truyền thống của chúng tôi. Hy vọng những cái mẫu mã sau này sẽ phát huy thêm những cái gì đó đặc sắc"

Nặng lòng với tiếng khung dệt nhịp nhàng, nhớ những sợi lác thơm mùi nắng đã giúp những người thợ dệt chiếu ở Long Cang quyết tâm giữ nghề truyền thống trước những nhịp sống hối hả. Với bà con, dệt chiếu không chỉ là kế sinh nhai mà còn góp phần gìn giữ giá trị truyền thống quê hương.