Giữ lửa nghề rèn

Trước đây, khi đến các xóm lò rèn ở miền Tây, mọi người có thể nghe rõ âm thanh xì xèo của những thanh sắt được nung đỏ ngâm vào nước lạnh hay nghe tiếng đe, tiếng búa nện nhịp nhàng hòa cùng tiếng cười nói vui vẻ của những người thợ.

Đó là thứ âm thanh quen thuộc suốt hàng chục năm qua, tạo nên nhiều vật dụng hữu ích với các gia đình ền Tây. Qua rồi thời hoàng kim, nhưng vẫn còn đó những người thợ cần cù, bình dị, ngày đêm giữ lửa nghề rèn được nối truyền qua nhiều đời.

Cảm hứng Mekong mời các bạn cùng lắng nghe chia sẻ của chị Bé Chín, ở Giồng Riềng, Kiên Giang thành viên của một gia đình có truyền thống làm nghề rèn mấy chục năm qua.

Ảnh nh họa. Nguồn: Người lao động

PV: Nghề rèn của gia đình mình có lâu chưa chị?

Rèn thì anh thứ 3 rèn lâu rồi, hồi đó ảnh đi rèn cho người ta đó. Rồi tới sau này anh về anh làm. Nói chung, dòng họ làm nhiều lắm. Cậu út, cậu 10 cũng làm lò rèn.

Đốt than rồi mình đập, lúc mà cầm cây búa đập nó nặng lắm rồi tới sau này có cậu 10 nghỉ đập tay rồi, ổng có mua cái máy ông đập. Còn mình đập tay cầm cây búa, cây búa nó nặng lắm.

PV: Ngày xưa rèn là đập bằng tay hết hả chị?

Đúng rồi. Đập bằng tay không hà. Bây giờ thì làm máy móc. Có người thì làm máy, có người thì làm tay. Chứ không phải ai cũng làm máy. Bữa rồi cậu Mười mua mười mấy, 20 triệu gì đó. Tự ông làm mua đồ về ổng làm. Còn nếu mình mướn người ta nữa thì nhiều hơn.

Cũng như anh thứ ba làm thì phải mướn người đập, không mướn đập ên thì nó mệt nhiều. 

PV: Một cái lò rèn vậy thì khoảng mấy người làm?

Nói chung là mình bỏ mối nhiều thì mướn nhiều người, nếu mình bỏ mối ít thì mướn ít người. Mướn 1 người cũng được, 2 người cũng được. Sáng mình mướn người ta làm thì 7 giờ người ta vô làm, 5 giờ người ta về.

PV: Rèn được những loại nào chị?

Rèn dao yếm với búa, mác, chỉa đồ đó. Nói chung ra là đồ cũ người ta làm lại cái gì cũng làm được hết. Người ta đem sắt ếng lại cho mình vậy đó, mình làm lại như là thép vuông, nhíp xe đồ đó. Người ta làm thì mình làm cho người ta hết.

PV: Bây giờ nghề rèn sống khỏe không chị?

Cũng được mà giờ thấy cũng nghỉ nhiều rồi đó. Kiểu như làm nặng nề cũng cực quá đó rồi người ta cũng nghỉ nhiều.

PV: Hồi xưa cần cái gì, em thấy là nhà có leng, có búa thì người ta ra rèn còn bây giờ mua là có.

Hồi xưa, dạng làm cuốc làm đồ, cuốc tay. Bây giờ đâu có làm đâu, người ta làm máy không hà. Bây giờ máy nhiều, đập dao thì đập tay đập đồ. Có cây búa đập đồ, đốt than, mua than về đốt, đốt cho cái cây đó nó đỏ lên mình mới đem ra mình đập mình rèn rồi mình mới cạo gọt.

PV: Làm dao này lâu không chị?

Tại vì để cho nó đỏ hết trơn nó mời mềm cái cục sắt, cục thép đó lại rồi mình mới đập ra rồi, cạo gọt, nói chung làm công phu lắm.

Máy móc được đưa vào sử dụng giúp thợ rèn đỡ vất vả. Ảnh: Báo An Giang

Theo lời chị Bé Chín, thợ rèn thường là nam, phụ nữ theo nghề chỉ chiếm số lượng ít. Bởi công việc này đòi hỏi người thợ phải có sức dẻo dai, chịu được sức nóng của lò lửa, làm việc từ hừng đông cho đến chiều tối.

Từ thanh sắt, thép xù xì, nặng trịch, họ phải nung, đập rồi tạo dáng cho nó mà không có bất kỳ 1 khuôn mẫu nào, tất cả nhờ vào đôi mắt quan sát và kinh nghiệm cá nhân. 3, 4 người thợ phối hợp ăn ý với nhau để tạo ra sản phẩm ưng ý.

Chị Bé Chín, chia sẻ: "Mới đầu mình cân thép đưa vào lửa cho mềm hết rồi mình đưa ra đập, đập rồi mình gọt làm này kia cho láng bóng cây dao lại, dao rèn nói chung mấy người ta đặt thì 200 có, 300 có, rồi 400 cũng có, rồi 100 ngoài cũng có tùy theo nhỏ lớn, mình làm thì rẻ hơn, tại vì mình làm bằng thép ếng, còn nhíp xe thì nặng đập, nên công mắc hơn".

Thời hưng thịnh của nghề, tại các tỉnh ĐBSCL, dễ dàng tìm thấy lò rèn với các sản phẩm đặc trưng khác nhau. Các lò rèn thường đỏ lửa quanh năm mà vẫn không kịp đơn đặt hàng. Khách hàng ra vô nườm nượp, ngồi đợi lấy sản phẩm.

Chị bé Chín kể về những loại hàng của lò rèn nhà mình: "Dao yếm, dao mần cá, mần cỏ với dao chét để chặt củi với búa này kia vậy thôi, 50-60-40-20 cũng đủ hết, đủ cỡ hết 80-90 nhỏ lớn".

Điểm đặc biệt của các sản phẩm lò rèn, đó là người thợ khắc những ký tự riêng biệt, đánh dấu thương hiệu của mình. Nghề rèn là rèn người, ai cũng hết lòng với sản phẩm, bởi đó là uy tín, là thương hiệu của gia đình. Mỗi lò rèn đều có lập bàn thờ tổ nghề, tổ lò làm chỗ dựa tinh thần.

Để làm nên sản phẩm tốt, mỗi lò thường có bí quyết riêng. Trong đó, canh lửa theo từng loại sắt là một trong những điều quan trọng. Nhờ nghề rèn mà gia đình nhiều người thợ có cuộc sống ổn định, con cái học hành đến nơi đến chốn.

"Hồi xưa, nhà mình toàn xài đồ rèn không hà. Lâu lâu mấy con dao ở nhà bị lục, cũng đem lại lò làm lại. Coi mấy chú làm mà thấy nóng dữ lắm. Phải yêu nghề mới làm được".

"Bây giờ thấy thanh niên theo nghề cũng ít lắm. Thợ giờ lớn lớn không à. Nhưng mà tay nghề giỏi, rèn là mình an tâm có đồ tốt xài".

Đã qua rồi thời hoàng kim. Những âm thanh quen thuộc thuở nào không còn giòn giã ở nhiều làng nghề mà chỉ còn vài hộ gia đình “giữ lửa”. Dù không còn thu nhập bạc triệu mỗi ngày như trước, nhưng nếu chăm chỉ, thợ rèn cũng đủ trang trải cuộc sống. Duy trì nghề cũng là cách họ trả ơn tổ nghiệp, cha ông và ơn đời.