Giữ lửa nghề bánh truyền thống

Quyết tâm nối nghiệp gia đình, bà Trần Lê Thị Huệ Linh hay còn được gọi với cái tên thân mật là Cô Mười ở thành phố Cần Thơ đã quyết định từ bỏ công việc ổn định để dành trọn thời gian và tâm huyết cho bánh dân gian Nam Bộ.

Dù chỉ thời gian ngắn nhưng Cô Mười đã gầy dựng được thương hiệu “Bánh dân gian Cô Mười” nức tiếng gần xa. Đó là trái ngọt cho một nghệ nhân trọn lòng lưu giữ hương vị bánh quê. Cảm hứng Mekong cùng gặp gỡ cô Mười để nghe cô trải lòng về niềm đam mê của mình.

Bánh dân gian của cô Mười được làm hoàn toàn thủ công

PV: Chào cô Mười. Hồi xưa ông bà mình dạy hay mình học làm bánh dân gian ở đây vậy cô?

Nói chung con gái ở quê thì lớn lên đã biết cái chày, cái cối, cái giã gạo, mình biết, học từ nhỏ tới lớn luôn. Rồi đi làm mọi người thấy rồi ai dạy cái gì học cái đó, riết rồi nó ngấm dần mới nhiều loại bánh vậy.

PV: Khi làm những sản phẩm đầu tiên, cô nhận được phản hồi như thế nào?

Từ khi làm tới giờ, không có khi nào mà chê hết á. Tại vì từ nhỏ mình đã làm những chiếc bánh như thế này rồi, lớn mình quen làm, ai ăn cũng thích hết trơn. 

PV: Ở gian hàng của mình có rất nhiều loại bánh dân gian. Trong những loại này thì đâu là sản phẩm "đinh" của gia đình mình, thưa cô Mười?

Có 2 sản phẩm đạt huy chương luôn là chè trôi nước nhân mặn và bánh quy dừa nhân trứng muối. Còn sản phẩm lâu nhất ngày xưa tới giờ nói chung bánh của mình thì bánh bò, bánh da lợn, bánh chuối vẫn là truyền thống của mình. Sau này mình mới phát triển ra nhiều thêm, sáng tạo thêm thôi.

PV: Để làm nên một chiếc bánh dân gian ngon, theo cô thì yếu tố nào là quan trọng nhất?

Phải thủ công, cái liều lượng thì cũng tự. Do ngày xưa dạy, nếu mà muốn bánh ngon nữa thì do mỗi người thợ, người ta cũng mày mò dữ lắm, nhiều khi cũng thất bại, lên bờ xuống ruộng chứ phải tự nhiên có chiếc bánh ngon đâu.

PV: Các bạn trẻ bây giờ có nhiều sự lựa chọn, có khi nào cô sợ bánh dân gian bị thất truyền không?

Thật ra mà nói, bánh dân gian bây giờ nó đa dạng lắm. Người nghệ nhân người ta cũng cải tiến mẫu mã để thu hút khách thì cũng không có sợ thất truyền. Giới trẻ bây giờ người ta cũng thích lắm, cũng hướng về chiếc bánh dân gian nhiều hơn. Nhiệm vụ của tôi là bảo tồn và phát triển chiếc bánh dân gian Nam Bộ không bị mai một, chính vì thế tôi rất tự tin khi mà đem sản phẩm đi đến các tỉnh.

PV: Đến Cần Thơ, muốn tìm đến thưởng thức bánh dân gian của cô thì liên hệ như thế nào?

Mình là nghệ nhân, thương hiệu bánh dân gian cô Mười Cần Thơ. Phải liên hệ, tại vì bây giờ đi suốt thế này, đi tỉnh này tới tỉnh kia, muốn đến gặp thì phải có lịch trước.

Hình thức đẹp là điểm thu hút ở bánh của cô Mười

Là người con vùng đất Tây Đô cây lành trái ngọt, lớn lên với vị bánh quê của bà, của mẹ, cô Mười đem lòng yêu chiếc bánh quê từ thuở bé. Là truyền nhân thứ 4 của gia đình chuyên làm bánh dân gian nên việc học làm bánh của cô Mười có phần dễ hơn nhiều người nhưng không vì vậy mà cô Mười tự mãn mà lại luôn cố gắng.

Với hơn 30 năm theo nghề, đến nay, cô Mười đã có trong tay bí quyết làm hơn 50 loại bánh dân gian Nam Bộ với hình dáng, hương vị rất đậm đà, ấn tượng. Yêu nghề thương bánh, cô Mười cố gắng làm bánh thiệt ngon, chất lượng để khách hàng ưng bụng. Cái hay ở cô Mười là dù biết làm nhiều loại bánh nhưng vẫn không ngừng sáng tạo và học hỏi. Hễ nghe ở đâu có bánh lạ, có nghệ nhân giỏi nghề, làm những loại bánh ngon, có nguy cơ thất truyền...là cô tìm đến học hỏi. Mỗi người học một chút, mỗi người một cái hay, từ đó cô Mười đút rút cho mình nhiều kinh nghiệm hay trong làm bánh.

Từ đam mê với bột, với sắc màu hoa trái, cô Mười đã mạnh dạn lập nên thương hiệu “bánh dân gian cô Mười Cần Thơ”. Từ đây, nhiều loại bánh được ra đời, từ đặc sệt truyền thống đến biến tấu nhẹ nhàng “thay da đổi thịt” cho chiếc bánh ngon hơn, hợp thị hiếu của khách hàng hơn.

Sự "lăn lộn", "xông pha" cùng chiếc bánh dân gian của cô Mười sau đã gặt được thành tựu. Đó là sự công nhận của những chuyên gia, những người cùng nghề với cô, là những vị khách từng thưởng thức bánh do chính tay cô làm.

"Bánh ăn rất ngon, sống gần đây nên thèm là tôi đều ghé mua ăn giống vị nhà làm".

"Tôi thấy làm bánh dân gian rất cực vì tất cả phải làm bằng tay từ nặn bột, tạo hình bánh. Phải yêu nghề mới theo được".

Luôn tay với những mẻ bánh, nhưng hễ có lời mời quảng bá bánh dân gian, cô Mười hiếm khi từ chối. Với cô, đó là cơ hội để quảng bá du lịch, ẩm thực của người ền Tây đi khắp nơi.

Cô Mười chia sẻ: "Tôi muốn là mọi người sẽ biết đến chiếc bánh dân gian nhiều hơn tại vì nếu mà không giữ được bánh này thì bánh công nghiệp sẽ thay thế dần thì mọi người sẽ không còn nữa. Nhưng mà cái bánh này là bánh ông bà xưa đã gìn giữ lâu đời, là truyền thống phi vật thể của dân tộc rồi".

Không chỉ là những món bánh đặc sản của ền Tây như bánh da lợn, bánh ích trần, bánh chuối hấp, bánh bột báng,… cô Mười còn tự hào về 3 loại bánh mang đậm dấu ấn của mình là chè trôi nước nhân mặn, bánh quy dừa và bánh mì dè. Trong đó thì chè trôi nước nhân mặn là món khiến nhiều thực khách tò mò.

Thay vì chè nhân đậu xanh xay nhuyễn vò viên như thường lệ, Cô Mười đã sáng chế ra loại nhân mặn với đậu, thịt, tôm, lạp xưởng... phần vỏ bọc bên ngoài được nhào nặn công phu và có các màu sắc từ tự nhiên như màu xanh từ hoa đậu biếc, tím của lá cẩm, cam của gấc làm nên món chè hương vị rất độc đáo, ngon ệng. Với cô Mười, bí quyết làm nên chiếc bánh ngon chính là đặt cái tâm vào từng sản phẩm.

Cô Mười trải lòng: "Bánh thì ai cũng làm được nhưng mà để chiếc bánh ngon, giữ được lâu thì đòi hỏi cái công rất là lớn. Và cái tâm người thợ phải đổ hết vào chiếc bánh thì mới được cái chiếc bánh ngon. Nếu người thợ chỉ làm sơ sài qua loa thì chiếc bánh không có hồn, nhìn không có đẹp, tất cả đều bằng tay hết chứ không có máy móc, máy móc nó không ngon. Giả sử như cái loại bánh hấp, tôi cầm lên là tôi biết lượng bột nặng hay nhẹ là tôi biết lượng vừa đúng bon, khi hấp ra nó vừa ăn. Còn bánh nhờ cũng vậy, bốc vày nè. Cái bột nó mềm, vừa tay thì mình làm thôi. Cái đó là cái quen rồi".

Hành trình bảo tồn và phát huy bánh dân gian của cô Mười hiện đã có các học trò tiếp nối. Họ là những người trẻ cùng đam mê với ẩm thực Việt Nam. Vui hơn cả có lẽ là cô Mười vì cô đã khơi gợi cho nhiều người quay về cội nguồn, biết yêu thương trân quý sản phẩm truyền thống.

Giờ đây, cô Mười vui vì sống được với nghề làm bánh dân gian của gia đình. Vui vì mình đang góp phần lưu giữ được hương vị bánh quê nhà. Mỗi mẻ bánh làm ra, cô nhận được những lời khen, động viên từ khách hàng, chính là niềm vui bất tận. Đó là sự ghi nhận và cũng là thành quả cho những nỗ lực, đam mê của nữ nghệ nhân đất Cần Thơ.