Gió mùa đông bấc

Miền Bắc đang bước vào những ngày lạnh nhất từ đầu mùa đông. Sau những ngày dài đầu đông nắng nóng chẳng khác gì mùa hè, nhiệt độ chợt giảm mạnh, Hà Nội đón đợt không khí lạnh gần như đầu tiên của mùa đông…

Gió mùa Đông Bắc, dân gian vẫn quen gọi là Đông Bấc, là khối khí lạnh kéo về từ mãi tận vùng Siberi của nước Nga xa xôi, vượt qua Trung Quốc rồi về ền bắc Việt Nam.

Cứ mỗi khi gió mùa đông bấc tràn về, là người ta lại có dịp xúng xính những bộ quần áo đại hàn, co ro sụt sịt. Những ngày đầu gió mùa lạnh buốt, dân tình nhao nhác lãng mạn đua nhau ra đường để… hưởng cái tiết trời lạnh thấu xương.

Có lẽ bây giờ no đủ, quần áo ấm không thiếu nên chẳng mấy ai thấy gió mùa đông bắc là khắc nghiệt nữa. Thậm chí người ta còn mong mỏi cái rét như mong mẹ đi chợ về ngày bé.

Có đủ thứ cảm xúc lãng mạn mà người ta có thể làm khi gió mùa đông bắc tràn về. Như rủ nhau sáng sớm tinh mơ, khi đường phố, Bờ Hồ còn mù mịt sương mờ ra hàng phở quen phố cổ “đánh” một bát phở bò tái chín khói bốc nghi ngút, thơm lừng mùi gừng, thảo quả, hành lá…

Rồi sau đó đơn giản là ngồi vỉa hè co ro trong từng con gió buốt lạnh thổi hắt từ mặt Hồ Gươm, tay ôm chén trà nóng nhấp từng ngụm nhỏ, để mặc cho ếng nước trà nóng rẫy trôi từ từ qua khoang ệng xuống tận dáy dạ dày. Thế mới đúng là tận hưởng mùa đông.

Các đôi bạn trẻ thì lại thích rủ nhau vào quán cà phê, tay trong tay ngồi nhìn đường phố qua cửa kính, thoáng cái đã hết nửa ngày mà vẫn chẳng muốn đứng dậy ra về.

Ngày xưa, mùa đông, mưa phùn, gió bấc là nỗi ám ảnh sợ hãi. Mỗi khi bắt đầu vào thu là nhà nhà đã phải chuẩn bị mang chăn bông, quần áo rét ra phơi cho được nắng. Chăn bông nhà ai cũ quá thì phải thuê thợ bật bông làm lại. Mỗi lần có ông bật bông kẽo kẹt đạp xe vào khu tập thể mang theo cái cần gỗ bật bông dài bằng hai ba chiều dài cái xe đạp là lũ trẻ con hò nhau chạy theo để xem.

Nhà tập thể, hầu hết đều xập xệ, vách bằng liếp tre hoặc đất bùn trộn rơm, mái ngói thủng lỗ chỗ mỗi lần mưa là phải huy động đủ các loại nồi niêu xoong chảo, xô chậu ra bày khắp nhà để hứng. Khổ nhất vào ban đêm đang nằm trong chăn bông ấm bỗng thấy lạnh toát, ướt nhẹp…

Hoá ra là mưa dột xuống trúng giường ngủ. Cả nhà có mỗi cái chăn bông dày ấm ướt cả, vậy là phải hò nhau lục tủ mang hết quần áo ấm ra mặc cho đỡ rét mà đi ngủ.

Cửa sổ, cửa ra vào bằng gỗ mục nát hết cả, mỗi cơn gió thổi qua là không khí lạnh bên ngoài tràn vào nhà, chạy thẳng từ cửa trước ra cửa sau, lạnh buốt. So với bên ngoài thì trong nhà khéo còn lạnh hơn. Ngày xưa, tối đến muốn ngủ ngon nhà nào cũng phải đốt một chậu than hoa để dưới gầm giường.

Bây giờ thỉnh thoảng đọc báo thấy có người đốt than trong nhà sưởi ấm bị mất oxy mà chết.

Nhưng ngày xưa nhà cửa thông thống, có kín đáo như bây giờ đâu mà bị lửa than làm mất oxy? Có lẽ, trong cái nghèo, thiếu hiểu biết, còn có cái may. Sống được qua bao nhiêu mùa đông rét mướt như thế, là do nghèo quá chăng?

Mùa đông về, mỗi lần đi tắm là cả một sự đấu tranh căng thẳng. Nhất là những đứa trẻ con. Chỉ cần nghe mẹ nhắc, chuẩn bị đi tắm là khóc hết nước mắt. Nhà tắm không có như bây giờ, cũng chẳng có bình nóng lạnh, nên mỗi lần tắm là phải đun một nồi nước to, rồi pha ra cái chậu nhôm lớn, đặt chậu giữa nhà, đóng kín hết tất cả cửa lại, đốt thêm một chậu than củi cho ấm nhà, rồi mới tắm.

Vậy mà đứa nào đứa nấy, vừa cởi quần áo, răng vừa va vào nhau cầm cập như gõ nhịp.

Tôi nhớ những lần đi công tác ền núi vào trúng đợt rét hại. Trâu bò chết hàng loạt, rau cỏ héo rũ vì lạnh, vậy mà trẻ con ở những vùng ấy vẫn cởi truồng, đi chân đất chạy khắp nơi, trên người chỉ độc cái áo vải mỏng tang, thỉnh thoảng có đứa thêm được cái áo len in hình quảng cáo của một nhãn hàng nào đó, rộng thùng thình cáu bẩn, chắc do được nhận từ đợt làm từ thiện nào đó của mấy người dưới xuôi mang lên.

Năm nay, mùa đông đến muộn, đầu tháng 12 dương lịch mới có đợt rét gọi là đậm. Thế nên, nhiều người cứ than thở: Sao năm nay mùa đông mà chả thấy lạnh? Ngày xưa, ai cũng mong cho đến lúc sang xuân thời tiết ấm lên vì không thể chịu nổi mùa đông kéo dài.

Người ở phố bây giờ còn chả sợ rét.