Gieo chữ nơi “vọng gác tiền tiêu”

Thiếu tá Trần Bình Phục đang công tác tại Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Cà Mau đã xin ra đảo Hòn Chuối vừa làm nhiệm vụ, vừa phụ trách lớp học tình thương. Hơn 10 năm trôi qua, thầy giáo “tay ngang” mang quân hàm xanh đã dạy đủ lứa tuổi, nhiều học sinh đỗ đại học và thành tài.

Đảo Hòn Chuối thuộc Thị trấn Sông Đốc, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau chỉ rộng vỏn vẹn 7km2 nhưng có vị trí đặc biệt quan trọng trên vùng biển phía Tây Nam của tổ quốc. 60 hộ dân với 200 nhân khẩu sống trên đảo luôn sát cánh cùng lực lượng bộ đội biên phòng duy trì sinh kế, củng cố “phên dậu” vững chắc để bảo vệ an ninh- quốc phòng, biên giới, hải đảo. Tuy nhiên, đời sống nơi đây còn quá khó khăn, trẻ em không có điều kiện đến trường.

Cảm thương và muốn gầy dựng một thế hệ biết chữ trên đảo, Thiếu tá Trần Bình Phục đang công tác tại Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Cà Mau đã xin ra đảo Hòn Chuối vừa làm nhiệm vụ, vừa phụ trách lớp học tình thương. Hơn 10 năm trôi qua, thầy giáo “tay ngang” mang quân hàm xanh đã dạy đủ lứa tuổi, từ lớp 1 đến lớp 7, nhiều học sinh đỗ đại học và thành tài. Lớp học trên đảo Hòn Chuối đã được UNESCO vinh danh là “địa chỉ nhân văn”.

Đảo Hòn Chuối chỉ rộng 7km nhưng có địa hình hiểm trở và khí hậu khắc nghiệt. Tuy vậy lực lượng vũ trang và cư dân trên đảo luôn sát cánh củng cố "phên dậu" giữ vững an ninh và chủ quyền biển, đảo.

PV: Song song với sứ mệnh giữ vững cột mốc biên giới, an ninh - trật tự, chủ quyền biển đảo thì lực lượng Bộ đội Biên phòng còn đảm trách nhiệm vụ đặc thù về công tác dân vận, xóa đói giảm nghèo, nâng cao dân trí nơi biên giới. Từ đất liền ra đến hải đảo, Bộ đội Biên phòng dạy học, chữa bệnh và cùng dân làm kinh tế… đã là hình ảnh quen thuộc. Nhưng để “tự tin” đứng lớp dạy cho nhiều học sinh, đủ mọi lứa tuổi thì phải cần đến bản lĩnh và lòng kiên nhẫn. Xin được hỏi Thiếu tá Trần Bình Phục, khi anh bắt tay vào việc, thách thức ban đầu là gì?

Thiếu tá Trần Bình Phục: Ngày đầu tiên mình đến Hòn Chuối bắt gặp các em nhỏ ở đây nói chuyện toàn văng tục. Một năm đầu không dạy được gì hết, chỉ là tập hợp các em lại để dạy cách xưng hô, chào hỏi. Phân tích cho các em nghe bằng cách kể những câu chuyện về việc thái độ lễ phép, biết chào hỏi người lớn để được người lớn khen ngợi.

Sau một năm thì có chuyển biến, người nhà các em cũng thấy bất ngờ. Nhiều đoàn ở đất liền ra thăm đảo gặp các cháu đều khen trẻ em ở đảo rất ngoan. Một đứa bé nhỏ xíu mà đã biết khoanh tay chào người lớn. Hỏi các cháu là học trò của ai, các cháu nói học trò của thầy Phục thì lúc đó mình thấy ấm lòng lắm.

PV: Đảo của chúng ta chỉ có 1 phòng học duy nhất, vậy thì làm cách nào để trong cùng 1 lớp, cùng 1 buổi, anh dạy 7 chương trình?

Thiếu tá Trần Bình Phục: Độ tuổi các bé không đồng đều, có khi 1 em học riêng 1 lớp. Mình cũng tìm hiểu rất nhiều nơi, từ những người bạn là giáo viên thì cuối cùng mình tiếp cận được mô hình dạy lớp ghép. Mô hình này trong đất liền nhiều lắm là 3 lớp, nhưng ngoài đảo mình có khi mình dạy lên đến 7 lớp. Lượng kiến thức trong buổi dạy rất nhiều nên mình phải tự rèn luyện cho chính mình có kiến thức sư phạm, kỹ năng và phương pháp lên lớp.

Vì vậy, trong phòng học mình có 3 tấm bảng đặt 3 hướng khác nhau để tránh cho các em bị ảnh hưởng từ lớp này sang lớp kia. Soạn giáo án theo lớp ghép, khi dạy thì lấy các em lớp lớn làm trợ giảng cho các em lớp nhỏ. Mình chủ yếu là truyền đạt cho các em lớp lớn, sau đó các em lớp lớn sẽ dạy lại các em lớp nhỏ, kiểm tra bài cũ cho các em lớp nhỏ.

Mình là người hướng dẫn chính, nếu các em viết chữ chưa đẹp thì mình sẽ cầm tay dạy, nếu các em phát âm chưa chuẩn thì chính mình tập đọc cho các em. Cứ như thế, lớp học xoay vòng… dần dần thành kỹ năng. Trong lớp việc ai người đó làm, dần dần lớp học là một gia đình, người lớn dạy bảo người nhỏ.

Thiếu tá Trần Bình Phục đã gắn với lớp học tình thương hơn 10 năm, cùng 1 phòng dạy 7 lớp.

PV: Sau khi hoàn tất lớp học của anh thì trẻ em trên đảo này tiếp tục hướng đi tiếp theo là gì?

Thiếu tá Trần Bình Phục: Lượng kiến thức mình truyền đạt cho các em nhằm đáp ứng được việc các em nắm cơ bản kiến thức của môn học đó để khi các em chuyển vào đất liền là có thể học tiếp tục lên các lớp cao hơn.

Nhờ Sở GD&ĐT tỉnh tạo điều kiện mà lớp học của đảo Hòn Chuối được gắn với 1 lớp của trường tiểu học ở Thị trấn Sông Đốc. Hằng năm mình làm học bạ cho các em, để các em vào đất liền học lên cao hơn.

Thật ra, mình chỉ đảm bảo dạy kiến thức cho học sinh tới hết lớp 5 thôi, nhưng mà trên đảo còn nhiều học sinh khó khăn chưa chuyển vào đất liền để bắt đầu cấp 2, nên mình cáng đáng dạy thêm lớp 6, lớp 7.  Học sinh của mình vào đất liền đã được hơn 30 em rồi và đã nhiều em vào đại học, thành tài.

PV: Vâng xin được cảm ơn Thiếu tá Trần Bình Phục

Mỗi ngày, thầy và trò trên đảo phải leo 303 bậc thang, dốc nghiêng 45 độ để để đến lớp.

Thật ra đảo Hòn Chuối cách đất liền không xa, độ chừng 32km, nhưng đây là đảo tiền tiêu có địa hình rất phức tạp, điều kiện khí hậu rất khắc nghiệt, chưa có trạm y tế và hệ thống trường học quốc gia. Đảo chia làm ba gành là: Gành Nam, Gành Chướng và Gành Nồm. Hằng năm, từ tháng 9 đến tháng 3 âm lịch, người dân dựng nhà ở Gành Nam để tránh gió chướng. Từ tháng 3 đến tháng 9 âm lịch thì họ lại gồng gánh quay về Gành Chướng để tránh gió mùa Tây Nam. Người dân di cư đến đảo đều là lao động nghèo, mưu sinh bằng nghề nuôi cá lồng bè. Hạ tầng cơ sở trên đảo chưa có gì ngoài các đơn vị lực lượng vũ trang đứng chân.

Năm 1998, Tổ nhân dân tự quản đã phối hợp với Đồn Biên phòng Hòn Chuối và Trạm rađa 615 mở một lớp học tình thương để trẻ em trên đảo được học tập. Thiếu tá Trần Bình Phục là người đã khơi dậy khát vọng của lớp học, học không chỉ để biết chữ mà học để thay đổi vận mệnh, phụng sự cho đất nước.

Em Kim Thị Trâm Anh  - học sinh của Lớp học tình thương trên đảo Hòn Chuối bày tỏ lòng biết ơn về thầy Phục: "Thầy dạy tận tình lắm, nếu như bài đó không hiểu là thầy dạy nhiều lần. Thầy rất là nhiệt tình với em và mọi người ở đây nên các em quý Thầy như người nhà vậy đó".

Hằng ngày, thầy và trò phải phải vượt 303 bậc thang với dốc đứng 45 độ để đến lớp học. Trong một lần leo dốc, cả thầy và trò đã trượt chân và bị thương. Nhưng điều đó vẫn không làm thầy trò chùn bước.

Thiếu tá Trần Bình Phục – Đồn Biên phòng Hòn Chuối, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau cho biết: "Thấy bé nó hụt chân, cắm đầu thì mình chỉ biết lao theo mà chụp lại. Lúc đó bé nó trúng vào cạnh đá rách da đầu. Còn cái vai của mình bị trật khớp, mấy năm mới hết, sau này vai nó bị lệch luôn. Thương tích chỉ là chuyện bình thường. Động lực để mình gắn bó với việc này ngoài trách nhiệm của người bộ đội thì còn là tâm tư tình cảm, mình muốn gắn kết với các bạn nhỏ ở đây".

Gieo chữ nơi "vọng gác tiền tiêu" xuất phát từ khát vọng muốn gầy dựng một thế hệ học tập trên đảo, để sau này, các em có tương lai tươi sáng, phụng sự cho đất nước.

Đến thời điểm này, đã có trên 30 học sinh của đảo Hòn Chuối chuyển vào đất liền để học các chương trình cao hơn và lớp học tại đảo vẫn duy trì từ 17-20 học sinh hằng năm.

Trung tá Lê Quốc Cường – Đồn trưởng Đồn Biên phòng Hòn Chuối, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau khẳng định: "Hằng năm khai giảng năm học, chúng tôi đều hỗ trợ cho các cháu quần áo, cặp sách để đến lớp. Thật ra đơn vị chỉ trang bị cho các cháu những kiến thức giúp biết chữ và tính toán. Sau này các cháu có điều kiện, được gia đình đưa vào đất liền, học đến nơi đến chốn để mai sau còn phục vụ gia đình và xã hội".

Quen với sương gió, thiếu thốn, vượt qua bão tố của biển cả… lực lượng Bộ đội Biên phòng cùng cư dân trên đảo Hòn Chuối tiếp tục là những “cột mốc sống” để giữ vững chủ quyền biển, đảo. Trong đó, trẻ em là đội ngũ kế thừa nên thầy Phục và Đồn Biên phòng Hòn Chuối quyết tâm không để lớp học bị gián đoạn vì bất cứ lý do nào.