Giao thông Hà Nội, một trò mạo hiểm

Sáng nay, nghe một tin đau xót đến mức thắt tim. Một cháu gái, bạn học của cậu con trai tôi, trên đường đi học bị một xe chở rác đâm phải. Cháu đã không qua khỏi.

Sáng nay, nghe một tin đau xót đến mức thắt tim. Một cháu gái, bạn học của cậu con trai tôi, trên đường đi học bị một xe chở rác đâm phải. Cháu đã không qua khỏi.

Cháu ra đi khi niềm vui vừa đỗ vào lớp 10 còn chưa vơi nguội. Thật khó có thể tưởng tượng được nỗi đau của cha mẹ cháu lúc này. Nhưng sự đồng cảm vì có con cùng lứa tuổi, khiến bản thân tôi cũng như nhiều phụ huynh vẫn cảm thấy thực sự đau đớn khi nghe tin.

Là một người thường xuyên phải ra đường vì công việc. Nhưng tôi vẫn chưa bao giờ có thể quen được với tình trạng giao thông ở Thủ đô. Mỗi khi ra đường, có cảm giác như tất cả mọi người đều luôn vội vã, luôn phải chạy thật nhanh đến mức không thể chờ nổi vài giây khi đèn tín hiệu giao thông vẫn còn đang đỏ.

Họ sẽ vượt qua ngã tư khi đèn vẫn còn vài giây mới chuyển xanh, hoặc sẽ không đứng chờ tại vạch khi đèn vừa sang đỏ. Khiến những người đi đúng tín hiệu phải dừng, tránh nếu không muốn gây tai nạn giữa ngã tư.

Không chỉ có xe máy, mà cả ô tô cũng không chịu nhường nhịn. Bằng tất cả mọi giá, họ phải vượt lên trên người khác trên đường, dù chỉ là lúc đứng chờ tín hiệu giao thông. Không ai chịu đứng sau người khác, thậm chí, việc dừng chờ ở vạch kẻ đường cũng là một điều xa xỉ đối với rất nhiều người. Người ta thích đứng chờ đèn đỏ ở… giữa ngã tư, một cách điềm nhiên, mặc cho các phương tiện khác phải né tránh mình.

Ô tô tham gia giao thông bây giờ là điều phổ biến. Nhưng rõ ràng, quy trình cấp bằng của chúng ta đang quá dễ dàng. Rất nhiều người, có thể nói là chưa làm chủ được kỹ năng lái xe vẫn dễ dàng có được tấm bằng và đưa xe ra đường.

Nhưng câu chuyện không hẳn là việc kỹ năng điều khiển xe kém. Mà là ý thức của người lái xe.

Người Việt – nói các bạn đừng buồn – hình như tất cả chúng ta đều không có trong mình mã gene của sự kỷ luật nghiêm khắc để có thể tiếp cận gần đến việc tuân thủ những nguyên tắc tối thiểu được quy định trong xã hội. Ví dụ gần nhất là việc tham gia giao thông.

Khi có đủ điều kiện hoặc thậm chí chưa đủ để sở hữu oto, nhiều người tìm mọi cách để phải có được tấm bằng lái. Chắc chắn, trong số rất nhiều người lái xe máy, oto ra đường, có rất ít người hiểu về luật giao thông đường bộ.

Nhưng hiểu là một chuyện, việc đủ điều kiện tham gia giao thông không chỉ bởi ta hiểu luật, hay vì đã sở hữu bằng lái nên đương nhiên ta có quyền lái xe ra đường. Mà theo tôi, quan trọng nhất vẫn là sự tôn trọng đối với cộng đồng. Đã bao giờ bạn bị một chiếc xe máy phóng nhanh tạt ngang qua đầu xe khiến bạn phải giật mình phanh gấp? Đã bao giờ bạn bị một chiếc ô tô ép sát vào lề đường đến mức không thể đi nổi, khi đáng lẽ ra phần đường đó là dành cho xe máy, xe đạp? Đã bao giờ bạn phải tránh những chiếc xe đạp, xe thồ ngang nhiên vượt đèn đỏ?

Có lẽ câu trả lời cho hầu hết chúng ta là: Đã từng!

Người ta luôn vi phạm luật giao thông mỗi ngày và sau đó là lên mạng mắng mỏ lực lượng cảnh sát giao thông là chỉ có mỗi việc đứng rình vi phạm để bắt phạt. Sao không nghĩ rằng, nếu mình làm đúng, đi đúng thì đâu phải gặp những việc như vậy?

Quay trở lại câu chuyện cháu bé xấu số bạn của con tôi. Cháu mất đi là sự đau xót cho bố mẹ và người thân, không gì có thể bù đắp được.

Nhưng có thể nói rằng bây giờ, các bậc cha mẹ quá coi thường chuyện tham gia giao thông của con cái. Một đứa bé mới học hết cấp 2, vừa bước vào ngưỡng cửa cấp 3, đã phải tự điều khiển xe máy để đi học (trong trường hợp của cháu gái kia là xe điện - Theo ý kiến cá nhân của tôi, xe điện hiện nay, hầu hết đều không phải là một phương tiện với thiết kế an toàn để có thể tham gia giao thông. Không biết người ta áp dụng tiêu chuẩn nào để cấp phép cho những chiếc xe điện kiểu này ra đường?). Trường hợp như vậy hiện nay là khá phổ biến, thậm chí nhiều học sinh cấp 2 cũng được bố mẹ mua xe máy phân khối lớn cho đi học.

Ngày nào trên đường, tôi cũng phải nhìn thấy những đứa trẻ mặc đồng phục học sinh, đầu không đội mũ bảo hiểm và phóng như bay, lạng lách trên đường… Tôi tự hỏi, không biết có mấy đứa trẻ được bố mẹ dành thời gian dạy cho cách điều khiển phương tiện khi tham gia giao thông?

Không biết chúng có được người lớn dạy cho những kỹ năng, phản xạ và những trường hợp cần phải nhớ, phải tránh khi tham gia giao thông hay không? Hay thậm chí bố mẹ của chúng còn chẳng biết và không quan tâm tới những điều ấy?

Mà chỉ việc đưa xe cho con trẻ chạy ra đường, hoà mình vào đám đông hỗn loạn, phó mặc tính mạng của con với trò mạo hiểm nhất – là tham gia giao thông…