Giao mùa...

Đột nhiên, không khí trở nên se lại, chưa lạnh hẳn, nhưng đủ để cơ thể cảm thấy nhẹ bẫng, khoẻ khoắn và vui vẻ lạ thường…

Những chiếc lá vàng nhưng vẫn còn mọng nước, tươi rói thi nhau lìa khỏi cành, rụng tả tơi, rải đầy trên phố, trên vai áo, dưới bước chân, xoay tròn, cuốn theo guồng bánh xe vội vã lướt qua, những chiếc lá khác vẫn cố bám chặt vào cành, đu đưa theo gió nhẹ, dưới cái nắng nhạt, như đứa trẻ sợ hãi níu tay mẹ khi được dắt đi chơi ở nơi xa lạ…

Ấy là lúc trời bắt đầu chuyển mùa...

 

Hà Nội, thực ra là cả ền Bắc - có lẽ, vì sống ở đất Hà Nội quá lâu thành ra cứ khiên cưỡng nghĩ rằng ền Bắc là Hà Nội - người ta bảo có 4 mùa xuân, hạ, thu, đông. Mà thực ra, ền Bắc, có khi chỉ có hai mùa mà thôi.

Mùa nóng chảy mỡ, và mùa lạnh cắt da cắt thịt. Xen giữa hai mùa ấy, là những hôm se lạnh bất chợt, sau những ngày dài nắng như đổ lửa. Mà người ta vẫn gọi là mùa Thu.

Chỉ ít ỏi, vài ngày thôi. Có lẽ vậy, nên mùa Thu mới quý, mới được nhiều người thích thú và tranh thủ tận hưởng đến vậy.

Chẳng báo trước, mùa thu thường đến bất chợt vào một ngày nào đó mà ông trời tỏ ra dễ dãi sau những ngày dài thử thách sức chịu đựng cơn nóng hạn đằng đẵng của con người.

Thế rồi, cũng kết thúc rất nhanh như khi nó đến, để một ngày, nhỏm dậy khỏi giường là đã phải xuýt xoa chạy vội ra tủ quần áo lục tìm thêm chiếc áo ấm mà khoác vào người.

Một hình ảnh rất đỗi bình thường, có khi ngày ngày vẫn lướt qua, nhưng cũng đủ để ta cảm thấy xúc động… (Ảnh: Quang Hùng/VOV Giao thông)

Từ hạ sang thu, người ta thường sẽ cảm nhận một cách nhẹ nhàng, xen lẫn thư thái. Nhưng khi ền Bắc bắt đầu đón những con gió mùa Đông Bấc, kèm theo không khí trở nên lạnh khô, hanh hao, gần như khiến cơ thể con người đột ngột chuyển trạng thái.

Trời vừa bắt đầu chuyển mùa, cũng là lúc phải chuẩn bị đón nhận những cơn mưa lớn, gây ngập lụt phố phường. Những công nhân công ty cây xanh cũng lục tục kéo cưa đi khắp phố để cắt tỉa cành phòng gãy đổ khi gặp bão.

Mùi ngai ngái nhựa cây xen lẫn mùi thơm của gỗ khi những người công nhân cắt tỉa cành xà cừ trên phố lan toả trong không khí theo những cơn gió mát, chẳng hiểu sao cứ thấy lòng nao nao, nhẹ bẫng.

Khi thời tiết chuyển mùa, có vẻ như mọi giác quan cũng trở nên nhạy cảm hơn, tinh tế hơn. Dù chỉ là một hình ảnh rất đỗi bình thường, có khi ngày ngày vẫn lướt qua, nhưng cũng đủ để ta cảm thấy xúc động…

Một cô gái văn phòng dừng xe vỉa hè mua cốc cà phê muối, không biết từ lúc nào, khắp nơi trên các vỉa hè đường phố, những hàng bán cà phê di động mọc lên như nấm. Mỗi quầy hàng chỉ là chiếc thùng nhỏ, bên trên có mấy chồng cốc nhựa, vài bình cà phê pha sẵn.

Những người bán hàng đều trẻ tuổi, ăn mặc sạch sẽ, thậm chí là hợp mốt với giới trẻ bây giờ. Chẳng biết có ngon không, cũng chưa dám thử. Nhưng dù sao, cũng là một nét mới phục vụ nhu cầu cà phê bình dân của mọi người.

Những hàng trà đá, thực ra, mùa này người ta đã chuyển sang uống trà nóng nhiều hơn. Nhưng chẳng hiểu sao, bất cứ hàng nước nào trên vỉa hè, cũng đều được quen gọi là “Hàng trà đá”. Nơi những chàng trai sơ vin sạch sẽ ngồi co người bên chén trà nóng - chẳng hẳn là dân văn phòng, hoặc nhân viên ngân hàng vừa ăn sáng và tranh thủ uống thêm cốc trà nóng trước khi tới giờ làm.

Văng vẳng bên tai đâu đây tiếng rao của một chị hàng “đồng nát” đi làm sớm hơn ngày thường, chẳng hiểu sao lại thấy hợp với cái không khí giao mùa này đến kỳ lạ.

Phố sang mùa, sáng sớm trời se lạnh, nhưng vẫn có chút nắng mai xuyên qua những tán cây (Ảnh: Quang Hùng/VOV Giao thông)

Phố sang mùa, sáng sớm trời se lạnh, nhưng vẫn có chút nắng mai xuyên qua những tán cây sấu, cây xà cừ dọc hai bên phố, lốm đốm thả từng chùm sáng se sẽ xuống những góc vỉa hè cũ kỹ. Những cụ già ngồi phơi nắng, im lìm, bất động, như những bức tượng, chỉ có đôi mắt khẽ đưa qua lại như thể ngắm sự chuyển động của phố phường…

Bây giờ, chỉ hơi lạnh một tí, chẳng chờ đến lúc gió mùa Đông Bấc thực sự, là người ta đã mang áo đơn, áo kép ra mặc. Rồi giày bốt cao cổ, khăn quàng khoác hờ, đi bộ thì thêm chiếc mũ beret vải len lông cừu hay dạ. Chả bù cho ngày xưa, mỗi khi bắt đầu chuyển mùa là ai nấy đều lo lắng chẳng biết có trụ qua nổi mùa đông?

Ngày bé, mùa đông, cùng lắm có cái áo bông rách te tua lòi cả khuỷu tay, đen nhẻm, qua mỗi mùa lại lộn ngược ra để mặc, giấu những vết sờn rách do nghịch ngợm và dùng đã quá thời hạn nhiều năm, ngắn cũn cỡn vì không theo kịp sự phát triển của những đứa trẻ đang tuổi ăn tuổi lớn, chả đủ để che mấy ếng tích kê chằng chịt ở mông quần, lòi cả cái bụng lép kẹp dính chặt vào lưng.

Thế mà cũng phải để dành, chờ những hôm thật lạnh mới được mang áo bông ra mặc. Còn ngày thường, chỉ có mỗi chiếc áo sợi cổ tim mỏng dính mặc bọc bên ngoài cái áo sơ – nhìn xa cứ tưởng áo len, nhưng thực chất là áo được dệt từ vải sợi, thưa thếch, mỗi lần có cơn gió lạnh lùa qua là cả người cứng đờ, da gà, gai ốc đua nhau nổi dậy biểu tình. Hai hàm răng gõ vào nhau như người ta đẽo đá.

Để chống lại cái rét mùa đông, đứa nào cũng phải mang theo một hộp sữa bò đục thủng, buộc vào sợi dây cầm trên tay, rồi nhét củi, lá cây cỏ khô nhặt dọc đường vào đốt. Mỗi lần lửa tắt là thổi lấy thổi để, quay đến sái cả khớp vai để mồi lửa.

Vậy mà cũng qua được bao nhiêu mùa đông như thế…