Tại Thiềng Liềng, có khoảng 243 hộ dân với 152 hộ sản xuất muối trên diện tích gần 400 héc-ta. Người làm nghề muối còn được gọi là diêm dân.

Ước tính trung bình mùa vụ thu hoạch khoảng 20.000 tấn muối, giá bán tuỳ theo thời năm và thời điểm, thấp nhất 800 đồng/kg, cao nhất 3.000 đồng/kg. Nếu được giá, mỗi héc-ta thu được từ 80 - 100 triệu đồng/vụ.
Muối ở Thiềng Liềng đạt chất lượng tốt nhưng giá bán lại thấp do bị thương lái ép giá vì tốn thêm chi phí vận chuyển. Trong khi đó, diêm dân ở Thiềng Liềng hầu như không có phương tiện để vận chuyển muối đi nơi khác bán.
Người dân ấp đảo Thiềng Liềng không sống tập trung mà trải rộng thành nhiều cụm như Khu vực trung tâm ấp Thiềng Liềng, Kênh 50, Cán Gáo, Ba Giồng, Lòng Tàu và khu Nông trường quận Một.
Việc di chuyển, mua sắm, giao thương của người dân ấp đảo cũng đều phụ thuộc vào con nước.
Mùa làm muối ở Thiềng Liềng thường bắt đầu từ mùa gió chướng (khoảng tháng 10 âm lịch) kéo dài tới tháng 4 năm sau. Ngày nắng làm, ngày mưa nghỉ. 6 tháng mùa mưa còn lại, diêm dân phải kiếm các công việc khác để mưu sinh.
Diêm dân thường sử dụng các máy bơm truyền thống chạy bằng dầu diesel. Chi phí nhiên liệu hàng năm là một thách thức không nhỏ.
Gần 15 năm nay, vợ chồng chị Vũ Hoàng Thanh Trúc sử dụng hệ thống năng lượng mặt trời phục vụ cho sinh hoạt và vận hành máy bơm để bơm nước vào các ruộng muối.
Các hộ sản xuất muối tại Ba Giồng cho biết, đây là giải pháp tốt nhất giúp họ giảm bớt gánh nặng chi phí, đồng thời góp phần bảo vệ môi trường thông qua việc hạn chế sử dụng máy bơm từ dầu diesel, vốn gây ra lượng khí thải carbon đáng kể.
Hiện ấp Thiềng Liềng có khoảng 40 hộ sản xuất dùng năng lượng mặt trời.
Vợ chồng anh Ngô Quốc Hoài chia sẻ: “Tấm pin dùng vào sản xuất muối, chạy được cả đèn và quạt, xài được cả điện thoại. Lúc mới lắp đặt thì xài ổn lắm, sau này điện dần dần yếu, chỉ xài được ban ngày, ban đêm điện cúp hoài. Khoảng 19 giờ, điện yếu dần. Trước đó, xài đến 1 - 2 giờ sáng.”
Từ năm 2011, với nỗ lực cải thiện đời sống và sinh hoạt cho người dân nơi đây, Tổng công ty Điện lực TP.HCM đầu tư 11 tỷ đồng xây dựng hệ thống năng lượng mặt trời cho 184 hộ dân. Tuy nhiên, theo thời gian, hệ thống này đã xuống cấp nên lượng điện năng tạo ra không như ban đầu.
Năm 2023, Tổng công ty Điện lực TP.HCM tiếp tục triển khai đầu tư lưới điện đến đảo Kênh 50 ấp đảo Thiềng Liềng.
Công trình hoàn thành tháng 1/2025, giúp người dân trên đảo có đủ nguồn điện ổn định để phục vụ sinh hoạt và sản xuất, thay thế hệ thống năng lượng mặt trời trước đó.
Ông Vũ Hoài Nam, Phó Giám đốc Công ty Điện lực Duyên hải (Tổng Công ty Điện lực TP.HCM) cho hay: Về địa lý, Kênh 50 ấp Thiềng Liềng là đảo ven biển và thuộc khu vực dự trữ sinh quyển rừng ngập mặn Cần Giờ, bao quanh bởi hệ thống sông rạch chằng chịt, đảo không có bến tàu lớn, trên đảo không có đường giao thông, việc đi lại thông qua hệ thống bờ bao của các ruộng muối.
Do đó, việc đưa điện lưới quốc gia về Kênh 50 là một nhiệm vụ quan trọng nhưng cũng nhiều vấn đề thách thức.
“Đối với các hộ dân ở sâu trong rừng thực hiện nhiệm vụ sản xuất và bảo vệ rừng, chủ yếu ở phân tán, khoảng cách rất xa, do đó giải pháp khả thi nhất, phù hợp nhất là triển khai thực hiện hệ thống năng lượng mặt trời. Định kỳ hằng năm, ngành điện có phối hợp với Uỷ ban Nhân dân huyện để khảo sát và có giải pháp đầu tư. Riêng về chi phí bảo trì, khi bàn giao lại, các hộ dân sẽ thực hiện”, ông Nam nói.
Theo ông Đặng Hoàng Sơn, Phó Chủ tịch UBND xã Thạnh An, huyện Cần Giờ, hiện nay đa số các hộ sinh sống ở khu dân cư đang sử dụng điện lưới quốc gia. Tuy nhiên, vẫn còn một số hộ sinh sống ở Ba Giồng, Nông trường Quận Một, ... vẫn đang sử dụng điện năng lượng mặt trời.
“Nguồn điện này cũng được sự quan tâm hỗ trợ của Nhà nước, đặc biệt là Tổng Công ty Điện lực Thành phố Hồ Chí Minh. Nhu cầu của người dân là muốn hạ thế và có điện lưới quốc gia để họ có thể áp dụng trong sản xuất, tăng chất lượng nghề muối”, ông Sơn chia sẻ.
gggg
Ở vùng ven biển như huyện Cần Giờ, môi trường có độ ẩm cao, hơi mặn và gió mạnh gây ra những thách thức trong việc đảm bảo hiệu suất và tuổi thọ của hệ thống điện mặt trời.
Qua thời gian, bốn chiếc bình ắc quy công suất 100 Ampe giờ mỗi bình trong hệ thống điện mặt trời của gia đình chị Trúc có dấu hiệu xuống cấp.
Lo lắng trước tình trạng xuống cấp và sự an toàn của hệ thống điện mặt trời, nhưng vợ chồng chị Trúc chỉ biết vệ sinh hệ thống, không có chuyên môn để kiểm tra và sửa chữa.
Trong căn nhà nhỏ của vợ chồng anh Hoài, chị Trúc, mọi sinh hoạt đều phải tiết kiệm tối đa. Đèn chỉ dùng khi thật cần thiết, quạt chỉ dám bật lúc trời quá nóng. Mọi người trong gia đình phải tranh thủ làm hết mọi việc vào ban ngày để tiết kiệm điện.
“Trong nhà ghim 3- 4 bóng đèn, 2 chiếc quạt, nhưng hạn chế xài lắm. Chừng nào thật cần mới ghim điện. Bởi vậy, nhà cửa phải dọn dẹp cho thoáng để gió lùa vào, chứ không có điện để bật quạt. Nói chung không có điện rất là cực. Mùa nắng thì ổn định một chút, chứ mùa mưa thì không xài được gì.” - Chị Trúc nói.
Gia đình ông Ru từng có một mảnh đất tái định cư, nhưng vì nghèo khó, ông bà đã phải bán đi để trang trải cuộc sống và lo cho con ăn học. Giờ đây, hai vợ chồng sống trong rừng, ngày đêm bám trụ với nghề làm muối.
Trên diện tích 1,8 hecta, áp dụng phương pháp làm muối trải bạt, gia đình ông Ru thu hoạch được khoảng 150 tấn muối mỗi năm. Ông Ru chỉ tay vào những lu nước, chia sẻ: “Nước tôi đi đổi ở ngoài xã về, chứa trong những chiếc bồn này. Sau đó dùng máy bơm chạy bằng điện năng lượng mặt trời bơm lên. Bồn này 400 lít, bồn còn lại 300 lít, hai bồn 700 lít, tổng 20 ngàn. Hai bồn này xài được 3 bữa. Cứ mỗi chuyến đi hết 2 lít xăng, đi ba chuyến 6 lít xăng, cộng thêm 60 ngàn tiền nước, tổng hơn 100 ngàn. Mỗi tháng xài hơn chục mét khối nước”.
Ông Ru cho biết, giá nước hiện tại là 25 ngàn đồng/mét khối. Như vậy, tính cả tiền xăng dầu chạy vỏ lãi, mỗi tháng nhà ông Ru chi hết khoảng 250 ngàn đồng mua nước từ đất liền.
Buổi sáng nước lên, ông tranh thủ chạy vỏ lãi ra xã mua nước, rồi dùng máy bơm từ điện mặt trời bơm nước lên dự trữ trong các lu chứa.
Chập tối ở cánh đồng muối đỡ heo hút hơn bởi âm thanh phát ra từ tiếng tivi.
Nhờ có điện mặt trời, gia đình ông Ru có thể cập nhật thông tin. Ánh sáng từ chiếc đèn điện nhỏ cũng giúp bà Tuyết Mai không còn phải phụ thuộc vào củi đốt khi nấu ăn.
Tuy vậy, 2 năm nay, gia đình ông Ru cũng đã phải bỏ tiền thay bình ắc quy mới với công suất chỉ bằng một nửa so với bình lắp đặt ban đầu.
Theo chuyên gia Phạm Đăng An - Phó Tổng Giám đốc Vũ Phong Energy Group - Giám đốc điều hành VP Carbon, trong trường hợp nhu cầu bơm nước phục vụ cho sản xuất muối hoặc tưới tiêu diễn ra liên tục trong suốt cả ngày, việc áp dụng một hệ thống điện mặt trời trực tiếp kết hợp với máy bơm là giải pháp khả thi.
Tuy nhiên, để giải pháp này có thể được triển khai thành công, cần phải cân nhắc kỹ lưỡng về chi phí đầu tư ban đầu.
Các hệ thống điện mặt trời, đặc biệt là những hệ thống tích hợp với máy bơm, đòi hỏi một khoản vốn đầu tư khá cao so với hệ thống truyền thống sử dụng dầu diesel.
“Với hệ thống có công suất khoảng 1 kWp – tương đương với công suất 1 HP (mã lực), chi phí đầu tư ban đầu được ước tính vào khoảng 20.000.000 - 25.000.000 đồng. Trong vùng điều kiện tự nhiên có nhiều nắng, đây là giải pháp tối ưu và đầu tư xứng đáng, có thể thu hồi vốn và vận hành hệ thống tương đối ổn định.
Tuy nhiên, đối với địa bàn chưa có lưới điện hoặc xa khu vực có lưới điện, lúc này lại phải đầu tư thêm một hệ thống lưu trữ nữa (kết hợp giữ điện mặt trời và pin lưu trữ). Chi phí cho mỗi 1 kWp (tương đương với bơm công suất 1 HP (mã lực)) khoảng 30.000.000 - 35.000.000 đồng, do vậy cần phải cân nhắc về hiệu quả tài chính", ông Phạm Đăng An phân tích.
Cho đến nay, các hộ sản xuất muối ở Ba Giồng vẫn đang tìm cách duy trì sản xuất trong điều kiện khó khăn.
Những chiếc máy bơm đã qua nhiều năm sử dụng, cùng với các thiết bị tự chế, phải khởi động nhiều lần. Và rải rác, vẫn còn hộ quay lại dùng chiếc sa quạt bằng gỗ cổ xưa...
Theo ông Võ Hữu Thắng, Phó Chủ tịch UBND Huyện Cần Giờ, để hướng tới mục tiêu Net zero, ngay sau khi Thành uỷ Thành phố Hồ Chí Minh ban hành Nghị quyết số 12 về định hướng phát triển huyện Cần Giờ đến năm 2030, Uỷ ban nhân duyện đã đề xuất, triển khai nhiều chương trình, kế hoạch, dự án.
“Huyện đã trình và được UBND Thành phố ban hành danh mục 41 chương trình, đề án, kế hoạch triển khai thực hiện Nghị quyết 12 (Quyết định 2435/QĐ-UBND ngày 13-6-2023 của UBND Thành phố) trong đó có chương trình “Vì một Cần Giờ xanh” – ông Thắng cho biết.
Chương trình Hành động Vì một Cần Giờ Xanh với mục tiêu triển khai các định hướng phát triển huyện Cần Giờ theo hướng tăng trưởng xanh, thông nh, thân thiện với môi trường với các mô hình bảo tồn đa dạng sinh học, bảo vệ môi trường, giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu.
Theo đó, với mục tiêu đến năm 2030 sẽ trồng thêm 350 héc-ta rừng, tiếp tục khoanh nuôi, xúc tiến tái sinh rừng; khai thác, tận thu các nguồn năng lượng sạch như năng lượng mặt trời áp mái, điện gió ven biển, xử lý rác theo công nghệ đốt có thu hồi năng lượng.
Trong Chương trình Hành động Vì một Cần Giờ xanh cũng sẽ tính toán đề xuất đặt hàng nghiên cứu điện áp mái tại các bãi muối Cần Giờ.
Việc ứng dụng điện mặt trời tại Cần Giờ không chỉ giúp giảm áp lực lên lưới điện quốc gia khi nhu cầu điện tăng cao mà còn góp phần thực hiện các chính sách về bảo vệ môi trường và hướng tới mục tiêu phát triển bền vững.
Đặc biệt khi Cần Giờ là vùng cửa ngõ phía Đông quan trọng của TP.HCM, và cũng là vùng được định hướng trở thành đô thị “Xanh” trong tương lai không xa.
Để giải quyết những thách thức trong thực tiễn, người dân mong mỏi có sự hỗ trợ mạnh mẽ về chính sách, tín dụng ưu đãi và chương trình đào tạo kỹ thuật, nhằm đảm bảo hiệu quả sử dụng lâu dài và tạo ra một mô hình kinh tế xanh tiên phong cho địa phương.