Gia đình chỉ một

Hình ảnh những thành viên trong gia đình xuất hiện cùng nhau trên phố luôn mang lại một cảm giác ấm áp, yên bình cho những ai ngang qua. Dẫu hình thái gia đình có ít nhiều đổi thay trong sự vận động không ngừng của xã hội, thì với mỗi người, gia đình chỉ một, chỉ một chốn yêu thương, một chốn đi về.

Ngày hè, khi những đứa trẻ đang được tận hưởng quãng thời gian thảnh thơi, không bài vở, không chạy đua với lịch học thêm, cũng là lúc bạn ít gặp những gia đình đi cùng nhau trên đường hơn so với thời gian trong năm học.

Nếu có, họ xuất hiện cùng nhau vào những ngày cuối tuần, ở những nơi vui chơi, những công viên, không gian công cộng. Bàn tay bé nhỏ trong bàn tay vững chãi. Tay trong tay, chân líu ríu theo chân, cùng những tiếng cười giòn tan, những nũng nịu ngây ngô, những lời mắng yêu hay ân cần nhắc nhở.

Sự xuất hiện của mỗi gia đình trên một đoạn hè phố, một góc đường, luôn làm cho không gian dịu lại. Nó khiến mọi người chung quanh sẵn sàng nhường đường, để giữ niềm vui trọn vẹn cho cái tổ ấm đang ríu ran kia. Nó khơi dậy khát khao trong mỗi ánh nhìn.

Gia đình mỗi người chỉ một, một chốn yêu thương, một chốn đi về (Ảnh: Phúc Tài)

Mùa hè, khi vắng các chuyến xe bố con, mẹ con, hay cả nhà chờ nhau, đèo nhau đi học đi làm, bạn sẽ thấy con phố rộng hơn nhưng dường như cũng trầm hơn. Dù sự vội vã của giờ vào lớp hay tan trường đi kèm với áp lực giao thông, nhưng thiếu tiếng reo của trẻ thơ khi được đón, thiếu lời hỏi han trìu mến của che mẹ lúc gặp con, thiếu cái ôm từ phía sau xe… phố dường như thiếu đi sinh khí.

Nhìn người đi trên phố, bạn có thể đoán được, họ có phải là một gia đình. Bởi có những liên kết và dấu hiệu đặc trưng, mà chỉ người trong gia đình mới có, từ ánh mắt, cử chỉ họ dành cho nhau.

Cùng với sự vận động của xã hội, những gia đình ngày càng nhiều hình thái hơn. Có gia đình thông thường theo ý niệm của số đông lâu nay, với đầy đủ con cái – vợ - chồng. Cũng có những gia đình ít người hơn vì các lý do khác nhau: “gà trống”, “gà mái” nuôi con, hay những người làm cha, làm mẹ đơn thân. Với Trà My, một cô gái tuổi đôi mươi, thì đó đơn giản là một lựa chọn cá nhân:

"Em thấy bình thường, bây giờ xã hội cũng cởi mở hơn nhiều, không có gì phân biệt cả. Họ nghĩ bình thường thì sẽ là bình thường".

Anh Nguyễn Đức Độ ở Đống Đa từng quan sát không ít những gia đình như vậy khi đi bộ trên đường, hay cả những đồng nghiệp xung quanh. Khi đó, anh thường suy ngẫm về nghị lực của người trụ cột những gia đình ấy:

"Các gia đình có đủ bố và mẹ thì việc chăm sóc con cái đã là vất vả rồi, gia đình bố đơn thân, mẹ đơn thân hay đồng giới thì sẽ vất vả hơn nhiều. Đó là hoàn cảnh đưa đẩy hoặc họ quyết định như thế. Mình thì hoàn toàn tôn trọng và rất khâm phục những người có thể một mình chăm lo cho con cái”.

Với người nhiều trải nghiệm như ông Vũ Mạnh Cường ở quân Thanh Xuân, dù là ai, gia đình nào, thì khi họ còn yêu thương nhau và yêu cuộc sống, thì đó là điều tốt đẹp:

"Khi gặp những người đơn thân mà dẫn con đi chơi thì tôi rất cảm động. Thời buổi nào cũng thế, đó là cái tình cảm. Họ như thế là rất yêu cuộc sống, tốt đẹp! Tôi cũng rất tôn trọng họ, vì sở thích hay hoàn cảnh họ như thế thì mình tôn trọng cuộc sống thôi!"

Ngắm nhìn những gia đình khác nhau mỗi khi bộ hành qua phố, bạn sẽ thấy, gia đình dường như cũng đang vận động nhanh hơn theo nhịp sống này. Nhưng dù khác biệt thế nào, thì khi các tổ ấm được dệt từ tình yêu thương và tự nguyện, từ khát vọng hạnh phúc, từ trách nhiệm với nhau và với cộng đồng, thì đó đều là những gia đình bình thường, đều đáng yêu, đáng quý.

Và dù hình thái có khác nhau, nhưng gia đình chỉ một mà thôi: Chỉ một chốn yêu thương, một chốn đi về.