Tại thời điểm biến động này, Sở Giao dịch hàng hóa Việt Nam (MXV) cho rằng các thành phần tham gia thị trường cà phê, đặc biệt là các doanh nghiệp xuất khẩu nên quan tâm nhiều hơn đến việc phòng hộ giá qua thị trường cà phê phái sinh.
Giữa bối cảnh giá cả hàng hóa thế giới biến động mạnh, cà phê Arabica và Robusta nổi bật khi liên tiếp phá vỡ nhiều kỷ lục mới. Theo ghi nhận của Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV), kết thúc phiên giao dịch ngày 27/11, lần đầu tiên trong hơn bốn thập kỷ, giá cà phê Arabica xấp xỉ mốc 7.200 USD/tấn; giá cà phê Robusta vượt mức 5.500 USD/tấn. Chưa dừng tại đó, đóng cửa phiên gần nhất 9/12, giá Arabica tiếp tục lập đỉnh mới khi chinh phục mốc 7.326 USD/tấn.
Theo MXV, đà tăng của mặt hàng cà phê từ tháng 9 đến nay chủ yếu vẫn xuất phát từ những lo ngại về việc thiếu hụt nguồn cung trên thị trường. Bên cạnh đó là hoạt động đầu cơ được đẩy mạnh sau khi có kết quả bầu cử Mỹ. Đánh giá về diễn biến giá hàng hóa trong thời gian qua, ông Dương Đức Quang - Phó Tổng giám đốc MXV cho biết:
"Theo ghi nhận của chúng tôi, kể từ tháng 11 đến nay, giá cả hàng hóa nguyên liệu thế giới biến động rất mạnh. Thậm chí, một số mặt hàng còn có phiên tăng vọt tới gần 10% nhưng sau đó lại lao dốc tới 9%. Kết thúc tuần giao dịch đầu tiên của tháng 12, nhóm nguyên liệu công nghiệp đã thực sự gây chú ý cho thị trường khi nhiều mặt hàng đồng loạt tăng giá rất mạnh.
Trong đó, ca cao tăng gần 5%, hiện đang hướng tới 10.000 USD/tấn – mức đỉnh đã được thiết lập hồi tháng 9. Bên cạnh đó, mặt hàng cà phê Arabica cũng đã phá vỡ mốc kỷ lục lịch sử gần 50 năm khi vượt mốc giá 7.300 USD/tấn".
Tuy nhiên, về phía nguồn cung, triển vọng cho vụ mùa cà phê 2024-2025 tại hai quốc gia sản xuất hàng đầu là Brazil và Việt Nam đang có dấu hiệu kém tích cực. Điều này khiến thị trường đứng trước nguy cơ thâm hụt cung - cầu nghiêm trọng. Tại Việt Nam, nơi sản xuất khoảng 40% lượng hạt cà phê Robusta thường được sử dụng để làm cà phê hòa tan, cũng gặp một đợt hạn hán nghiêm trọng vào đầu năm nay và kế tiếp là những đợt mưa kéo dài ngay trước vụ thu hoạch
Trong khi đó, nhu cầu nhập khẩu cà phê tại châu Âu đang tăng vọt trong bối cảnh lo ngại về việc thực thi Quy định chống phá rừng châu Âu (EUDR) sau ngày 30/12/2024. Nhận định thêm lý do khiến thị trường cà phê biến động mạnh trong thời gian vừa qua, bà Nguyễn Thị Thu Hương - Giám đốc Điều hành Công ty TNHH Đầu tư Quốc tế Hữu Nghị nhận định:
"Cà phê là một trong những mặt hàng đang được giao dịch nhiều nhất trên thị trường hàng hóa phái sinh trong thời gian gần đây. Càng gần các dịp lễ lớn của năm thì nhu cầu tiêu thụ cà phê tại các nước nhập khẩu lớn trên thế giới càng tăng mạnh. Tuy nhiên, lại chỉ có một số ít quốc gia sản xuất đáp ứng được nhu cầu này như là: Brazil, Việt Nam, Colombia, Indonesia hay Ethiopia.
Mà trên thực tế, hầu hết các quốc gia nhiệt đới này đều đang phải chịu ảnh hưởng rất lớn của sự biến đổi khí hậu và thời tiết cực đoan. Tôi cho rằng điều này đã tác động đáng kể lên tâm lý của thị trường và kéo giá cà phê liên tục tăng trong thời gian qua".
Sau thời gian tăng giá liên tục, thời gian gần có ngày giá cà phê robusta quay đầu giảm sâu, có lúc lùi sâu về dưới mức 5.000 USD/tấn. Đây là lần biến động mạnh nhất trong nhiều tháng qua. Tiến sĩ Trịnh Đức Minh, Chủ tịch Hiệp hội cà phê Buôn Ma Thuột lý giải giá cà phê đảo chiều liên tục đi xuống:
"Thị trường cà phê là thị trường lấy các sàn giao dịch cà phê trên thế giới làm tham chiếu. Bản chất của nó là nơi người ta buôn bán thu hút những dòng vốn đầu tư về để sinh lời. Trong thời gian vừa qua, với những biến động của thị trường thế giới của tình hình chính trị, kinh tế thế giới nói chung các dòng vốn đầu tư thường là chuyển dịch qua cho các nông sản hàng hóa, trong đó có cà phê là rõ rệt nhất, tăng giá rất là dài. Mà thường tăng giá đó khi người ta mua quá nhiều rồi thì người ta phải bán để kiếm lời, giá sẽ biến động đi xuống".
Biến động mạnh của thị trường đang đặt ra nhiều cơ hội cho nhà đầu tư trong nước và quốc tế. Lựa chọn danh mục đầu tư hợp lý, giao dịch hiệu quả để bảo toàn vốn và gia tăng lợi nhuận là mục tiêu mọi nhà giao dịch Việt Nam hướng tới. Chia sẻ về kinh nghiệm cá nhân khi tham gia thị trường hàng hóa trong thời gian qua, Nhà đầu tư Nguyễn Minh Tuấn tại Hà Nội cho biết:
"Tôi là một nhà đầu tư có khá là nhiều trải nghiệm đối với thị trường giao dịch cà phê. Nhưng thú thật, chưa bao giờ diễn biến giá cà phê lại biến động mạnh, nhanh và bất ngờ như giai đoạn gần đây. Cà phê là mặt hàng rất nhạy cảm với các thông tin cung cầu cũng như yếu tố vĩ mô, cho nên tôi cho rằng việc phòng hộ giá thông qua thị trường cà phê phái sinh là điều rất cần thiết trong bối cảnh hiện nay".
Trước những biến động mạnh chưa từng có trong vòng một năm trở lại đây trên thị trường cà phê, MXV cho biết cà phê là mặt hàng rất nhạy cảm với các thông tin cung cầu cũng như yếu tố vĩ mô nên việc phòng hộ giá thông qua thị trường cà phê phái sinh, cụ thể là hợp đồng tương lai là điều rất cần thiết.
Đặc biệt, hiện nay Việt Nam đang là quốc gia sản xuất cà phê lớn thứ hai thế giới và những tháng cuối năm khi thu hoạch vào chính vụ, hoạt động xuất khẩu được đẩy mạnh thì diễn biến giá lại biến động mạnh và dễ có xu hướng đảo chiều.