Đường riêng của ô tô?

Vào mỗi khung giờ cao điểm khi lượng phương tiện tăng cao không khó để thấy ở một số tuyến đường ô tô dàn ngang 3 – 4 hàng và len lỏi vào những chỗ trống còn lại là xe máy. Trong sự nghẹt thở này người điều khiển xe máy có cảm xúc thế nào?

Những người đi xe máy có mong muốn gì muốn gửi tới những người đi ô tô? Và các bác tài ô tô có mong muốn gì chia sẻ tới những người đi xe máy? VOV Giao thông đã có dịp trò chuyện với 2 nhân vật sau:

Anh Huy: Xin chào quý khán giả của VOV Giao thông, chào anh Ngọc Tuấn em tên là Phạm Quốc Huy hiện tại em đang sinh sống và làm việc bên quận Long Biên, Hà Nội.

Anh Quang: Xin chào VOV Giao thông, tôi là Nguyễn Mạnh Quang là một lái xe taxi, rất vui vì được tham gia cuộc trò chuyện ngày hôm nay.

PV: Cảm ơn Huy và anh Quang đã tham gia cuộc trò chuyện của VOV Giao thông. Như đã giới thiệu về chủ đề ngày hôm nay. Câu hỏi đầu tiên dành cho Huy, em là một người điều khiển xe máy, cảm xúc của em như thế nào khi vào giờ cao điểm xe ô tô dàn hàng 3, hàng 4 ngang đường? 

Anh Huy: Như em, em đi cảm giác hơi khó chịu anh ạ! Cũng là cùng tắc đường nhưng người ta vẫn lấn hết sang làn xe máy, thì bình thường ít cũng có khoảng trống cho xe máy người ta đi. Khi người ta lấn sang như thế mình lại phải luồn lách, khi mình va chạm động vào xe người ta thì người ta lại bảo là mình đi ẩu thế này, thế nọ.

Thực tế người ta đứng hết vào đấy rồi chả nhẽ mình đi mình lại leo lên vỉa hè và thực trạng người leo lên vỉa hè rất là đông. Khi mình đi như thế mình thấy khó chịu, khi mình nói thì người ta…nhiều khi người ta đi ô tô người ta chả quan tâm đến mình đâu.

Không khó để thấy ở một số tuyến đường ô tô dàn hàng ngang, khiến các phương tiện khác khó di chuyển

PV: Huy hay gặp tình trạng này ở những tuyến đường nào?

Anh Huy: Em đi thì hay gặp ở Quốc lộ 5 ý, đường 5 người ta chen vào rất là nhiều. Em hay đi về hướng Trâu Quỳ vì em học trường Nông Nghiệp.  Nhiều khi em về em cũng không đi được vì tô tô người ta đi cả vào làn trong cùng nữa.

Còn xe buýt người ta vào thì người ta vẫn còn ra, còn ô tô con thì người ta vào chỉ 1 cái xe thôi, người ta đứng im một phát là nguyên đàn xe máy đằng sau tắc dài luôn.

Nhiều khi em chỉ muốn đi lên và nói cho họ đi gọn vào cho xe máy người ta đi, nhưng em lại đứng tít ở dưới cuối, mình bất lực anh ạ. Đi không đi được nói cũng chả nói được.

Anh Quang: Tại vì đường đông như thế thì có người này, người kia. Xe máy thì vẫn chen sang làn ô tô mà ô tô cứ chen sang làn xe máy. Cái này chỉ là ý thức thôi chứ cũng không có gì cả. Ví dụ như cái đường Lê Văn Lương – Tố Hữu, thì là mất 1 làn BRT rồi thì còn có 2 làn hỗn hợp thôi thì xe máy với ô tô cùng đi chung, ô tô lấn hết sang làn bên kia rồi thì xe máy lên trên vỉa, với cả sang làn BRT để đi ấy.

Cuối cùng nhìn nhau cười, tiếng, 2 tiếng mới qua được chỗ đoạn tắc thì ai chả bực bội hả em.

PV: Cuộc trò chuyện của chúng tôi hôm nay mục đích là để người điều khiển xe máy và ô tô hiểu nhau hơn. Trong câu chuyện này ai cũng có cái khó riêng. Nhân lúc anh Quang đã lên tiếng, từ phía anh là người điều khiển xe ô tô anh có lời nào muốn chia sẻ tới các bác tài cũng như người điều khiển xe máy không?

Anh Quang: Tôi thì thông cảm với người lái xe máy bức xúc như vậy…ngay cả cái đường thoáng như đường Võ Chí Công này ô tô còn lấn hết cả đường xe máy lúc chờ đèn. Do người ta cái ý thức kiểu đi thấy chỗ nào chống điền vào chả tắc, người ta nôn nóng, người ta muốn nhanh người ta lấn làn sang làn xe máy thôi.

Bây giờ mong muốn là cả ô tô và xe máy có ý thức đi đúng làn đường quy định, không chen lấn nhau là làn đường nhanh thoát tắc là được.

PV: Về phía Huy, em có mong muốn gì gửi tới những người điều khiển xe ô tô?

Anh Huy: Em thì bình thường em đi em nói người ta cũng bỏ kính xuống họ xin lỗi hoặc vẫn tay thì em thoải mái thôi, đấy nhiều người người ta tử tế thì không sao ý anh. Thì em cũng chỉ mong người ta đi thì vẫn nên đi đúng làn của mình thì tốt hơn. Bình thường xe máy người ta đi vào trong thì ô tô hạn chế đi vào làn trong.

Ít nhất cũng phải để ra khoảng 2m làn bên trong cho xe máy người ta đi chứ không nên dàn hết vào như thế xe máy người ta lao lên vỉa hè rất nguy hiểm. Vì em gặp rất nhiều trường hợp người ta chở con chở cái người ta đi lên vỉa hè rất trơn, trượt người ta không đi được.

PV:: Cảm ơn Huy. Cuộc trò chuyện ngày hôm nay 2 nhân vật đã rất thẳng thắn để chia sẻ cảm xúc xoay quanh chủ đề của VOV Giao thông. Với chủ đề này, tin rằng còn rất nhiều câu chuyện nữa được kể. 

Anh Huy: Cuộc trò chuyện hôm nay giúp lái xe ô tô và xe máy có thể hiểu nhau hơn khi đi trên đường. Chúc anh em lái xe vạn dặm bình an và lái xe an toàn trên mọi nẻo đường!

Anh Quang: Xin cảm ơn VOV Giao thông đã có cuộc trò chuyện để em chia sẻ tâm tư của người đi xe máy lưu thông trong giờ cao điểm. Em chúc mọi người lái xe an toàn!

Phóng viên: Một lần nữa cảm ơn anh Quang và Huy!

Trong bối cảnh giao thông thủ đô ngày càng đông đúc, việc các phương tiện đi sai làn trong khung giờ cao điểm là có xảy ra. Tuy nhiên, chúng ta cũng cần sòng phẳng với nhau là không phải vì hoàn cảnh tắc đường mà tôi đi sai làn.

Khi đã tham gia giao thông chúng ta hãy nêu cao ý thức chấp hành luật giao thông, đi đúng phần đường, làn đường của mình, tôn trọng những người tham gia giao thông khác.

Cùng với đó, mỗi người dù là điều khiển ô tô, xe máy hay các phương tiện khác hãy thêm một chút cảm thông, chia sẻ, nhường nhịn, hành trình về nhà của chúng ta sẽ bớt tắc, vui vẻ và an toàn.