Đường dốc vàng

Đi bộ dọc phía cầu Long Biên nhìn xuống phía phường Phúc Tân sẽ thấy một con đường có màu vàng, được thiết kế riêng cho những người yếu thế ngay tại công viên rừng khu bờ vở vốn nổi bật với thiết kế hình rồng.

Con đường dốc vàng này là sự quan tâm của cộng đồng dân cư và đội ngũ thiết kế để người khuyết tật, người già, trẻ nhỏ thuận tiện hơn khi tiếp cận không gian công cộng.

Bà Nguyễn Thị Sáng ở phường Phúc Tân bị tai biến đã 10 tháng nay. Bởi đang trong giai đoạn hồi phục sức khỏe, bà thường chống gậy ra ngoài công viên mới ngay trước cửa nhà để thư giãn và tham gia hoạt động cộng đồng. Điều đặc biệt là công viên này có một con đường dốc màu vàng rất thuận tiện để bà lên xuống:

"Đường ấy đi xuống tiện quá. Dụng cụ này mới dùng mấy tháng nay hồi phục sức khỏe. Tiện, ai đi cũng được. Trẻ con người lớn đi được hết. Hôm nọ cô xuống mấy lần rồi đường đi đẹp. Cô đi ra ngoài suốt".

Công viên rừng Bờ vở Phúc Tân với thiết kế rồng vàng nổi bật

Nếu công viên rừng Bờ vở Phúc Tân với thiết kế rồng vàng nổi bật, lấy cảm hứng từ huyền thoại dòng sông, phù hợp với cảnh quan cầu Long Biên và ước muốn của cộng đồng địa phương, được ví như một giấc mơ đã thành hiện thực.

Thì đường dốc vàng dành cho xe lăn, xe đẩy, xe nôi… và người khuyết tật vận động có thể dễ dàng xuống công viên để nghỉ ngơi, thư giãn ngoài trời và tham gia vào đời sống cộng đồng là cách đội ngũ xây dựng công viên này quan tâm tới những người yếu thế.

"Ngày trước mơ ước lâu rồi. Bọn chị cũng đề nghị làm các con đường cho người tàn tật họ đi xuống ngồi xe lăn, các cháu bước bậc cầu thang đỡ ngã. Rất đẹp".

"Ở đây mới có nhiều người khuyết tật đi bộ, đi ra ngoài này nhiều lắm. Người ta cứ chống gậy, đẩy xe đi. Vì vậy bên thiện nguyện làm con đường này. Không phân biệt, bất kể ai xuống đây cũng được. Tối tập olympic rồi khiêu vũ ở đây vui lắm".

Đường dốc vàng dành cho xe lăn, xe đẩy, xe nôi… và người khuyết tật vận động

Niềm vui của hoạt động cộng đồng vốn là niềm vui chung mà lẽ ra không một ai bị bỏ quên, đặc biệt là những người vốn đã gặp nhiều khó khăn trong sinh hoạt hàng ngày. Một không gian thoáng đãng với nhiều trò vui chơi, giải trí mang lại niềm vui đều giúp họ sống tích cực hơn mỗi ngày. Và chính con đường dốc vàng của công viên bờ vở Phúc Tân giúp người yếu thế thuận tiện hơn tiếp cận niềm vui ấy.

Ở Nhật Bản, cách người dân tôn trọng các cụ già là để họ tự mình xoay sở khi đi tàu điện ngầm với thiết kế luôn thân thiện. Cùng chung mục tiêu này, mỗi con đường thiết kế riêng như đường dốc vàng để mỗi người bộ hành ngang qua không phải chìa tay ra giúp đỡ người yếu thế lên một bậc cầu thang hoặc xuống một sân chơi trong phố... giúp họ sự tự tin làm chủ cuộc sống của mình. 

Con đường dốc vàng này là sự quan tâm của cộng đồng dân cư và đội ngũ thiết kế để người khuyết tật, người già, trẻ nhỏ thuận tiện hơn

Không chỉ tại công viên rừng Bờ vở Phúc Tân, việc dành không gian thuận tiện cho người yếu thế khi xây dựng công trình công cộng trong thành phố là mong mỏi của người dân, nhất là những người vốn đã thiệt thòi hoặc kém may mắn hơn mọi người xung quanh.

Khi ấy, không gian công cộng mới thực sự trở thành nơi giống tên gọi của nó- giúp con người đến gần nhau hơn.