Từng một thời, Thủy Đài Sơn “máu đổ thành dòng” trong trận thảm sát của Pol Pot, những tưởng vùng đất u uất này mãi chìm đắm trong khổ hận, nhưng bằng đôi tay tỉ mẩn của các mẹ, các chị… họ đã vượt lên quá khứ đau thương để xây dựng một Thủy Đài Sơn với nghề đương đệm bàng vang danh sông núi.
Thủy Đài Sơn còn có tên khác là núi Nước, nằm trong quần thể Thất Sơn thuộc thị trấn Ba Chúc, huyện Tri Tôn, nơi duy nhất của tỉnh An Giang còn sót lại xóm nghề đệm bàng. Cỏ bàng là loài cây hoang dại, hay nép mình ở ệt “nước mặn đồng chua”. Đã có một thời, chúng mọc thành rừng, xanh ngút mắt, trải dài từ ệt Hà Tiên, Kiên Lương, Giang Thành (tỉnh Kiên Giang) đến những cánh đồng bát ngát của huyện Tri Tôn. Đó là vùng nguyên liệu bạt ngàn để nghề đương đệm bàng phát triển mạnh tại thị trấn Ba Chúc trong quá khứ và lưu giữ đến hôm nay.
Ông Lê Thanh Tâm – ngụ tại khóm Núi Nước, thị Trấn Ba Chúc, huyện Tri Tôn, An Giang tự hào kể: “Nghề đương đệm bàng ở đây không biết có từ khi nào, khi cha mẹ sinh tôi ra thì đã có nghề và người dân ở đây hành nghề theo hình thức “cha truyền con nối”. Sản phẩm cỏ bàng ở đây nổi tiếng đẹp, bền, chắc”.
Theo lời các Nghệ nhân đương đệm bàn ở Ba Chúc kể lại, sau năm 1975, cây lúa thất bát trên đất bưng phèn Tri Tôn, nông dân bắt đầu chuyển sang trồng tràm để nấu dầu đem bán. Bưng biền chỉ có tràm gió và cỏ bàng, nông dân bèn nghĩ ra cách cắt về đương đệm, đan chiếu, làm giỏ…vừa xài, vừa bán để đong gạo. Từ từ, sản phẩm đương bàng dùng để lợp mái nhà, che cái vách, thậm chí chụm lửa nấu ăn. Cỏ bàng dần bước vào đời sống của đại đa số nông dân ở xứ Tri Tôn và bước ra ngoài thị thành.
Từ năm 1980 đến năm 1990 được xem là thời “hoàng kim” của nghề đệm bàng khi sản phẩm được ưa chuộng, chiếc đệm giữ ấm trong mùa đông lạnh giá, lót giường ngủ. Cánh thợ còn đan giỏ đệm, nón đệm, bao cà ròn chứa lúa…cả vùng núi đồi Thất Sơn thời đó có rất nhiều xóm nghề đệm bàng ra đời để phục vụ cho nhu cầu sử dụng sản phẩm từ cỏ bàng. Âm thanh quen thuộc ngày đêm dưới chân núi là tiếng cười nói của các cô thợ đệm và tiếng lụp cụp giã bàng hòa với tiếng gà gáy te te khi mặt trời còn chưa mọc.
Chị Lê Xuân Liên – thợ đương đệm bàng ở khóm Núi Nước, thị trấn Ba Chúc cho biết: “Thời tiết nóng quá nên chị em người muốn sử dụng chiếc đệm bàng để nằm cho mát, từ đó mà tiếng lành đồ xa, ai ai cũng tới đây đặt hàng. Mình nhận gia công đủ loại từ giỏ, đệm, túi xách cho tới chiếu manh dành cho em bé”.
Cái nhớ nhất của nghề đệm bàng là nỗi vất vả để đưa nguyên liệu thô thành sản phẩm hoàn thiện. Bàng nhổ về, tót xong phải đem phơi nắng để giữ màu sắc tươi đẹp. Sau khi phơi bàng là đến công đoạn giã. Ngày xưa người ta giã bàng bằng chày, đặt neo bàng trên mục bàng, hai tay nắm chặt chày nện đều xuống. Giã bàng là công việc nặng nhọc, cần nhiều sức lực, đa phần do trai tráng đảm nhiệm. Đêm khuya hay trời mờ sáng, tiếng giã bàng lụp cụp, lum cum vang đều khắp làng quê dưới chân núi Cấm, núi Dài tạo nên nét đẹp như một câu ca dao:
Đêm đêm trong ánh trăng mờ
Gần xa rộn tiếng nhặt thưa giã bàng
Công đoạn đương bàng là cuối cùng, cũng là công đoạn quan trọng cần sự tỉ mỉ, khéo tay nhất. Thợ đương bàng theo kỹ thuật “long hai”, nghĩa là hai cọng bàng trên, hai cọng dưới; giống với kỹ thuật đươn thúng, sàng, nia. Khi gần hết chiều dài cọng bàng, người thợ gọi là được một “tay”, lúc này đầu cọng bàng còn ngắn thợ phải dùng một dụng cụ gọi là cây kẹp, có hình dáng như một cây nhíp, dùng để kẹp, kéo đầu cọng bàng luồn dưới 2 cọng bàng khác. Nhờ dụng cụ này, người thợ mới “ráp” được hai tay bàng với nhau, tạo ra những tấm đệm có khổ lớn. Đệm tốn nhiều công nhưng không khó bằng nón, giỏ bàng. Các sản phẩm này đòi hỏi người thợ phải tạo mẫu, lận vành, đánh biên…
Trong 200 năm, làng nghề đương bàng Ba Chúc chỉ cho ra một số sản phẩm chủ yếu: đệm, giỏ xách, nón bàng. Trong đó tấm đệm bàng là vật dụng thân thiết của biết bao gia đình nông dân Nam Bộ. Đệm bàng trải giường, đắp ngủ, trải ra sân đêm trăng sáng tiệc tùng, trà nước; đệm để phơi, giê lúa sau mùa gặt. Nếu cần ngủ giữa đồng sâu, nông dân có sáng kiến may hai đầu đệm lại làm ra chiếc nóp.
Nhưng đến năm 2000, đệm bàng dần trở nên “quê mùa” khi nệm cao su xuất hiện. Ba Chúc đầy sỏi đá nên khó canh tác ruộng bàng, cánh đàn ông thì chê nghề giã bàng đơn độc nên bỏ đi làm ăn xa, còn lại mấy cô gái trẻ cằm chày nện bàng cũng chê tay chai thô kệch nên ly hương làm công nhân. Nghề đương đệm bàng lụi tàn, tiếng chày giã bàng trong đêm trăng không còn nữa, xóm nghề mất đi một âm thanh quen thuộc đã bao đời gắn bó nuôi bao phận người. Từ mấy trăm hộ hành nghề đệm bàng vùng Thất Sơn, nay chỉ còn duy nhất khóm Núi Nước ( thị trấn Ba Chúc) sót lại 10 hộ đan thủ công, cỏ bàng cũng phải mua từ Giang Thành – Kiên Giang để làm nguyên liệu nên lời ít và tốn công nhiều. Đệm bàng bây giờ chỉ còn dùng làm vật dụng phơi lúa hoặc phơi bánh phồng mì, bán đệm cho các nơi thờ tự, đình ếu, lót nền cho người dân tới làm lễ cúng bái.
"Ngày xưa cứ 4h khuya thức dậy là đã nghe tiếng giã bàng. Nhưng giờ thì không còn nghe nữa, mà có chăng cũng chẳng ai làm, giờ nếu không có máy ép bàng thì chúng tôi chẳng ai giã nỗi nữa"
"Bây giờ đương một chiếc đệm sống không đủ, con cái lớn lên cho đi học hết và nghề khác hết. Nghề đương đệm này chỉ dành cho người lớn tuổi"
"Đương một chiếc đệm cực khổ lắm, nhưng cứ đi lòng vòng lát rồi quay vào đương. Đôi khi cũng ghiền vì nghề ông bà để lại"
Chặng đường đi xuống như tạo đà ngoạn mục để nghề truyền thống một lần nữa “phất lên” với sức sống mới, “lột xác” thành sản phẩm thủ công mỹ nghệ… bắt mắt, giá trị cao hơn, đem về cuộc sống ấm no cho cư dân núi Nước. Người có công làm “sống lại” nghề đươn đệm bàng là chị Trần Thị Trang, hiện là chủ Cơ sở Trung Trang, ở thị trấn Ba Chúc. Tuổi thơ của chị Trang đã lớn lên bên những chiếc đệm bàng được mẹ truyền dạy và chứng kiến, thấu hiểu sự thăng trầm của nghề hơn ai hết. Hầu như ai cũng chấp nhận quy luật cái cũ rồi sẽ lụi tàn… và chị Trang cũng thế. Tuy nhiên, nhờ những năm tháng đi làm, học hỏi, tìm hiểu về sản phẩm mỹ nghệ xung quanh, cô gái ở xóm đệm bàng Ba Chúc đã có cái nhìn mới.
Trở về quê, chị Trang đem theo khát khao đổi mới làng nghề. Khởi đầu là những chiếc giỏ làm từ đệm bàng do chị và mẹ sản xuất. Được khách hàng đón nhận, chị học hỏi trên mạng thiết kế thêm mẫu mã mới, chăm chỉ học vẽ, sáng tạo mẫu túi xách, balo, ví, dép…Căn nhà nhỏ nhanh chóng trở thành xưởng sản xuất, tạo thêm việc làm cho nhiều lao động nữ, ngày ngày rôm rả tiếng cười. Nhiều chị trước đây phải rời địa phương tìm đến các công ty may công nghiệp, giờ đã an tâm vì tìm được việc phù hợp, ổn định thu nhập ngay ở quê nhà.
Chị Trần Thị Trang - chủ Cơ sở Trung Trang, ở thị trấn Ba Chúc, huyện Tri Tôn cho biết: “Mình có một mong muốn là bán thật nhiều sản phẩm để từ đó mình thu mua đệm bàng thủ công của bà con nhiều một chút. Tìm đầu ra được, mình tin sẽ tạo công ăn việc làm cho bà con hoài hoài luôn”.
Hiện nay, các sản phẩm đệm bàng Trung Trang không chỉ bán ở trong nước mà còn được xuất sang Nhật Bản và Hàn Quốc, với khoảng 3.000 sản phẩm mỗi tháng. Nghề đương đệm bàng từng tạo ra rất nhiều sản phẩm thân thiết với cuộc sống thường nhật cho người dân. Bắt nhịp công nghiệp hóa, với máy móc và óc sáng tạo không ngừng, làng nghề không chỉ được duy trì, mà đã tạo ra hàng trăm sản phẩm phong phú, đáp ứng nhu cầu của người sử dụng hiện đại. Nón, đế ly, cặp, balo, dép, túi… liên tiếp nối dài những sản phẩm không thể kể tên hết.
Những cô gái năm xưa nay tóc đã nhuốm màu thời gian. Dưới chân núi Nước, các mẹ hôm nay vẫn nhớ tiếng giã bàng, tiếng giã một thời nuôi lớn đàn con. Nay tiếng giã đi vào dĩ vãng thay vào đó là tiếng máy ép cỏ bàng, tiếng máy tiếp tục “thổi bùng” xóm nghề bước sang một trang mới huy hoàng.