Đốt lò

Nghe những câu nói này trong dân gian, chắc bạn sẽ phải ngạc nhiên với từ “đốt lò”. Sao từ này lại liên quan đến chính trường, quan chức, doanh nhân được nhỉ?

 "Lại một ông thứ trưởng bị “vịn”. Tình hình “đốt lò” năm nay nóng quá!"

"Thời sự thế này thì còn ai ngọ nguậy gì nữa. Mấy ông doanh nhân, mấy ông quan chức thi nhau “vào lò” hết. Thôi mong các cụ “đốt lò” quyết liệt, nhanh nhanh để còn ổn định làm ăn".

Nghe những câu nói này trong dân gian, chắc bạn sẽ phải ngạc nhiên với từ “đốt lò”. Sao từ này lại liên quan đến chính trường, quan chức, doanh nhân được nhỉ?

Ảnh nh họa

“Đốt lò” nghĩa nguyên gốc trong tiếng Việt là hành động đốt lò củi hay than, hoặc nói chung là các vật liệu có thể cháy. Việc đốt lò có thể với mục đích sưởi ấm, hay các mục đích phái sinh khác như nấu ăn hay nung vôi, nung gạch, luyện kim, làm nhiệt điện,…

Tuy nhiên, từ năm 2013, từ “đốt lò” được dùng để ám chỉ việc chính quyền xem xét, xử lý các hành vi tham nhũng, vi phạm pháp luật của một số đối tượng quan chức, cán bộ công quyền, và sau này được mở rộng ra các thành phần khác, kể cả giới doanh nhân.

Chiến dịch đốt lò được hiểu là chiến dịch chống tham nhũng ở quy mô lớn do lãnh đạo Đảng khởi xướng, mục tiêu ban đầu là phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, làm trong sạch đội ngũ trong Đảng.

Chiến dịch này cũng nhằm củng cố lòng tin của nhân dân vào chính quyền và sự lãnh đạo của Đảng.  

Gần 10 năm sau, từ “đốt lò” đã được dân gian hoá và được dùng phổ biến mỗi khi có những thông tin xao động chính trường, hoặc nền kinh tế - xã hội. Đặc biệt là về các cá nhân là quan chức hoặc đã từng là quan chức, nhưng có các hành vi vi phạm pháp luật, đặc biệt là tham nhũng.

Cùng với từ “đốt lò” là những đồn đoán về “củi”, tức các cá nhân nói trên.

Theo ý kiến của rất nhiều lãnh đạo Đảng và Nhà nước thì chiến dịch “đốt lò” là không có vùng cấm, tức là không loại trừ bất kỳ cá nhân vi phạm nào, dù người đó đang hoặc đã giữ chức vụ, vai trò gì trong Đảng và Chính quyền.

Chính bởi vậy, từ “đốt lò” hiện nay mang tính chất răn đe rất lớn. Một ý nghĩa mềm mại hơn của từ này, đó là khi người dân dùng vui với nhau để mô tả về tình hình “chính trị nội bộ” trong các công sở hay doanh nghiệp.

Mỗi khi một cá nhân nào đó vi phạm kỷ luật lao động, đồng nghiệp cũng có thể đùa vui là “cẩn thận đấy không bị đốt lò bây giờ”. Ý nghĩa lúc này đã được giảm nhẹ, chỉ là bị khiển trách hay kỷ luật nội bộ, cũng có khi chỉ là bị sếp mắng.

Hoặc là nếu không cẩn thận ngó nghiêng “phe phái” trong công sở, làm mất lòng lãnh đạo, thì có thể bị “đốt lò” bằng cách cho thôi việc.