Đón Giáng sinh trên phố Tây: Ấm áp những nụ cười tạm biệt

Ở Hà Nội, Tây Hồ là khu vực mà nhiều người nước ngoài lựa chọn làm nơi sinh sống. Vì thế, dịp lễ Giáng Sinh với ý nghĩa về sự đoàn tụ và chào đón năm mới, không khí đón lễ hội ở khu vực này mang nhiều nét đặc trưng rất khác so với những gì chúng ta thường biết.

Hãy cùng Bộ hành qua phố dành thời gian, cảm nhận nét “đặc trưng rất khác” đó của phố Tây trong không khí đón Giáng sinh năm nay cụ thể sẽ là những điều gì nhé!  

Phần lớn những người nước ngoài sinh sống và làm việc tại Hà Nội sẽ tập trung tại 2 khu vực là phố cổ và quanh làng Tây Hồ, vẫn thường được mọi người quen gọi với cái tên đơn giản là “phố Tây”.

Nếu ở khu vực phố cổ, đa phần những người nước ngoài sẽ tìm đến để du lịch, khám phá Hà Nội và chỉ lưu trú lại trong khoảng thời gian ngắn thì ở khu vực Tây Hồ, nhiều người nước ngoài lại lựa chọn làm nơi sinh sống và làm việc trong khoảng thời gian tương đối dài nên có sự gắn bó và hòa đồng hơn với cộng đồng dân cư tại đây.

Phần lớn những người nước ngoài sinh sống và làm việc tại Hà Nội sẽ tập trung tại 2 khu vực là phố cổ và quanh làng Tây Hồ, vẫn thường được mọi người quen gọi với cái tên đơn giản là “phố Tây” (Ảnh: Vũ Loan/VOVGT)

Mỗi năm, dịp lễ Giáng sinh sẽ đến với cộng đồng phố Tây sớm hơn so với các nơi khác ở HN. Các sự kiện giao lưu, liên hoan, đặc biệt là các hội chợ Giáng sinh được tổ chức rộn ràng ngay từ những tuần đầu của tháng 11, sự kiện lớn nhất sẽ tập trung vào chủ nhật tuần cuối cùng tháng 11.

Thời điểm này điều kiện thời tiết ở Hà Nội rất thuận lợi cho những hoạt động ngoài trời khi đã vào cuối thu, đầu đông  và cũng là ngày nghỉ cuối cùng của nhiều người nước ngoài ở HN dành để ăn tết sớm, bởi sau đó, họ sẽ quay trở về quê hương đón giáng sinh cùng gia đình.

Hội chợ Giáng sinh quy mô nhất thường do các Đại sứ quán tổ chức, còn các nhà hàng có không gian rộng cũng tổ chức với quy mô nhỏ hơn. Đến hội chợ, cả người Việt Nam và những người nước ngoài đều được hòa mình trọn vẹn trong không khí nhộn nhịp của một lễ hội lớn nhất trong năm, được mua sắm những mặt hàng đặc trưng văn hóa vùng ền của mỗi nước, mà có khi cả năm chỉ được mang ra bán đúng 1 lần vào dịp Giáng sinh.

Ảnh: Vũ Loan/VOVGT

Đặc biệt là ẩm thực tại hội chợ Giáng sinh trên phố Tây cũng đều là những món ăn đặc trưng, được làm từ chính người dân quốc gia đó. Tháng 11, phố Tây ngập tràn trong âm thanh tưng bừng của những hội chợ Giáng Sinh với bao niềm hân hoan, háo hức và những nụ cười rạng rỡ trên khuôn mặt.

Ngay từ đầu tháng 12, nhiều người nước ngoài đã bắt đầu về nước để đón Giáng sinh cùng gia đình. Lúc này, trên phố Tây sẽ dễ dàng bắt gặp hình ảnh những ánh mắt, bàn tay vẫy chào tạm biệt, những nụ cười và lời chúc mừng Giáng sinh vui vẻ được mọi người dành trao nhau. Một người dân Việt ở làng phố Tây chia sẻ khi thi thoảng lại chia tay một gia đình hàng xóm về nước ăn tết trong những ngày này:

"Mình rất đồng cảm với các bạn. Các dịp tết đoàn tụ, thông thường mọi  người sẽ tìm về gia đình để ăn tết với người thân sẽ rất ấm áp, còn nếu xa quê hương thì tâm tư nguyện vọng người ta đều thích về quê ăn tết hơn, nói chung 100 người đi xa gia đình thì phải có đến 90% là thích về nhà".

Ảnh: Vũ Loan/VOVGT

Trên phố Tây còn có một điểm thú vị trong dịp Giáng sinh mà chỉ những người dân sinh sống tại đây mới dễ dàng nhận ra đặc điểm này. Đó là dịch vụ đổi nhà, khi có một người nước ngoài ở Việt Nam về nước hoặc đi du lịch sang nước khác trong dịp Giáng Sinh thì sẽ đổi, hoặc cho thuê lại phòng của mình cho người nước khác tới du lịch hoặc đón Giáng sinh ở Hà Nội, qua đó, họ vừa tiết kiệm được tiền phòng, vừa được trải nghiệm theo cách mà người địa phương trải nghiệm.

Và cũng bởi thế, nụ cười ấm áp tiếp tục nở trên môi những người chủ nhà, hàng xóm Việt Nam trên phố Tây, đặc biệt là những nụ cười để bắt đầu làm quen, như cách mà anh Hoàng Tiến, ở ngõ số 3 Xuân Diệu vẫn thường làm:

"Có nghĩa là nó luôn có những người mà mình có thể giao tiếp, những người cũ chào đi là tôi về quê ăn tết, thì có những người mới đến người ta lơ ngơ chưa biết gì thì mình lại có cơ hội giới thiệu văn hóa của người VN với người ta. Mình nghĩ cái đó rất là hay".

Càng gần tới Giáng sinh, phố Tây có thể vắng bớt những gương mặt thân quen, nhưng lại đông đúc hơn bởi những người bạn mới. Giáng sinh cũng là dịp nhiều người Việt Nam tới thưởng thức không gian ẩm thực tại các nhà hàng Tây nhiều hơn bởi khi bước vào một nhà hàng Tây trong không khí của Giáng sinh, với đèn, nến, âm nhạc và những hương vị đặc trưng của Giáng sinh mỗi đất nước thì chắc hẳn, thực khách sẽ vô cùng thích thú.

Anh Hoàng Tiến chia sẻ thêm: "Thực sự khi bạn bước vào 1 nhà hàng đặc trưng của Châu Âu thì nó cũng khác với 1 không gian bài trí do người Việt tạo ra. Ví dụ như là đi vào 1 cái trung tâm thương mại mà người ta cũng bài trí Noel rất là đẹp, nhưng nó mang tính thương mại, nó không ấm áp, còn vào đây  nhiều khi nó chỉ là 1 góc rất nhỏ thôi nhưng người ta thấy nó đặc biệt vì lần đầu tiên người ta thấy kiểu bài trí như thế.

Vì bản thân cùng 1 địa phương với nhau thì người này bài trí với người kia bài trí cũng đã khác nhau rồi, huống chi đây lại là giữa các quốc gia khác nhau nữa. Bạn phải đến tận nơi để cảm nhận được sự khác nhau…"

Vâng, có lẽ bạn phải đến tận nơi, và hãy đi chậm lại cùng Bộ hành qua phố như hôm nay, bạn mới không bỏ lỡ những cảm nhận thú vị của lễ hội Giáng sinh trên phố Tây mà ở đó có những nụ cười tạm biệt ngọt ngào, ấm áp và lung linh hơn…