Đổi thay trên phố Hỏa Lò

Có những địa điểm lịch sử, văn hoá ít người ghé đến ở thủ đô, bỗng một ngày có sức hút kỳ lạ với nhiều người. Ai cũng tìm thấy lý do để đến, cả người lớn và trẻ em, thanh niên và cao niên, dân mình và bạn bè thế giới.

Di tích nhà tù Hỏa Lò là một nh chứng như thế. Sự sôi động trở lại của con phố cũ không chỉ vào lúc ban ngày, dịp cuối tuần hay ngày nghỉ lễ đã mang đến cảm xúc khác nhau cho mỗi người bộ hành.  

 

Gia đình ông Phạm Vinh Quang từng làm nghề may nổi tiếng trên phố Thợ Nhuộm từ đầu những năm 60 của thế kỷ trước. Ông là một trong số ít những người còn bám trụ lại và chứng kiến bao đổi thay của khu phố suốt 65 năm qua:

"Ở Hỏa Lò xưa vắng lắm, chẳng có ai đâu chỉ có dân ở thôi, phải 15-20 phút mới có một người đi qua. Bức tường Hỏa Lò kia chạy vòng tròn bao cả khu này luôn. Thay đổi nhiều lắm. Ngày xưa có hàng cây sấu đẹp lắm. Khu tòa án ấy đằng sau đấy là khu vườn. Cách đây một năm nhiều người tham quan, chứ xưa mở ra cũng vắng. Có đợt 2/9 nhân viên ra uống nước kể chuyện phải đến gần nghìn người. Nó thay đổi mình cũng phải thay đổi để thích nghi với nhịp sống bây giờ".

Khi được PV hỏi về số lượng khách đến quán đông hơn, ông Phạm Vinh Quang chia sẻ: "Tất nhiên, người nọ người kia du lịch nhiều cũng đông khách hơn. Mình cảm thấy trong người vui vẻ. Xưa không ai đi qua biết nhìn ai, giờ ngắm người nọ người kia đi qua mình thấy phấn khởi".

Phố Hỏa Lò dù đã sôi động hơn, vẫn giữ được vẻ đẹp thâm trầm, cổ kính khi di tích vẫn ở đây

"Anh làm lâu rồi, 1 năm rồi. Ban ngày đông hơn, ban đêm hạn chế chỉ 100 khách. Người Việt đến cũng đông. Khách nước ngoài tới tham quan đông hơn. Khách càng đến nhiều thay đổi nhiều, đông người phải phát triển lên", nhân viên di tích Nhà tù Hỏa Lò cho biết.

Nhân viên của di tích Nhà tù Hỏa Lò luôn giữ nụ cười niềm nở trước cửa soát vé dù phải đón tiếp hàng dài du khách nối nhau vào tham quan, trong một ngày thường. Nhờ sự sáng tạo trong cách làm nội dung và đổi mới về công nghệ, di tích này trở thành một địa chỉ “phải trải nghiệm” với nhiều du khách tới Hà Nội và với cả người dân mọi lứa tuổi:

"Nếu không đọc chỉ nghe vậy thôi thì mình thấy hơi ghê, ớn lạnh đó nhưng chắc giờ thay đổi nhiều rồi nên nhìn xung quanh không thấy sợ gì hết. Ngay cả ở ngoài cái nhà tù cũng không giống nhà tù lắm, giống kiến trúc xưa của thời Pháp vậy thôi. Nhiều khi làm cho người khác hiếu kỳ hơn khi thấy chỗ này đông. Nếu người ta chưa bao giờ có ý định vào thì người ta sẽ à vào thử xem như thế nào".

"Em thấy trên mạng giới thiệu nhiều thấy hay nên tìm đến trải nghiệm. Nghe tới nhà tù sợ nó vắng hơn, chứ không nghĩ đông như thế này".

Nhờ sự sáng tạo trong cách làm nội dung và đổi mới về công nghệ, di tích này trở thành một địa chỉ “phải trải nghiệm” với nhiều du khách tới Hà Nội và với cả người dân mọi lứa tuổi

"Nhà không số, phố Hoả Lò" là câu cửa ệng của người Hà Nội khi nhắc tới con phố đặc biệt chỉ có duy nhất một số nhà này. Giữa những con đường tấp nập, Hỏa Lò vốn yên ắng, trầm mặc có lẽ bởi nó mang đến cảm xúc không tên khi có tên gọi khác là phố nhà tù.

Bỗng một ngày sau đại dịch, khu phố trở nên nhộn nhịp khi các di tích mở cửa. Nhà tù Hỏa Lò vốn đã luôn nổi bật với dải tường vàng cổ kính trải dài cả con phố, nay lại càng được chú ý nhiều hơn bởi lúc nào cũng nườm nượp khách đến, khách đi.

Sự chạm nhau giữa mong muốn được tiếp cận bài học từ quá khứ của nhiều người, đặc biệt là người trẻ với sự đổi mới, sáng tạo của những người tổ chức là lý do khiến di tích Nhà tù Hỏa Lò nay trở thành một địa chỉ hấp dẫn.

Phố cũ nhờ đó cũng chuyển mình, trở nên năng động, đầy sức sống khiến càng thêm nhiều người ngang qua tò mò, muốn được trải nghiệm, khám phá.

Chính sự đổi thay này cũng mang đến cảm nhận tích cực với người dân sống lâu đời quanh khu phố vắng. Họ phấn khởi, vui mừng và nhanh chóng thích nghi cùng nhịp sống mới.

Giống như nhiều địa chỉ khác của Hà Nội, phố Hỏa Lò dù đã sôi động hơn, vẫn giữ được vẻ đẹp thâm trầm, cổ kính khi di tích vẫn ở đây. Nó làm tăng giá trị cho thành phố và góp phần giữ lại “hồn nơi chốn” để qua bao nhiêu biến đổi không ngừng, Hà Nội vẫn khiến người ta nhớ thương, lưu luyến.