"Đôi cánh" cho em

Nhiều năm qua, trường khuyết tật tình thương Mỹ Lâm, huyện Hòn Đất, tỉnh Kiên Giang giống như một ngôi nhà thứ hai của các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn và kém may mắn trong cuộc sống.

Trong ngôi trường ấy những thầy cô hóa vai thành người cha, người mẹ bởi không chỉ tâm huyết trong việc giảng dạy mà còn tận tụy cưu mang, chăm sóc các em trong sinh hoạt hàng ngày. Tất cả thầy cô tại trường đều mong muốn trở thành một “đôi cánh” để các em vượt qua những mất mát, tự ti và có thể bay cao, bay xa, chạm đến những điều tốt đẹp trong tương lai.

 

Xin chào sơ Phạm Nguyễn Minh Hiếu - Phó hiệu trưởng Trường khuyết tật tình thương Mỹ Lâm. Mời sơ có thể giới thiệu đôi chút về trường?

Trường khuyết tật tình thương Mỹ Lâm do linh mục Giuse Nguyễn Văn Việt xây dựng và thành lập 1994 với mục đích là giáo dục và chăm lo cho các em học sinh khuyết tật.

Các em học sinh của trường đều là trẻ em khuyết tật, các em khiếm khuyết về nghe nói, trí tuệ chậm phát triển, tự kỷ, mắc hội chứng Down, rối loạn tăng động giảm chú ý…

Từ trước đến nay trường song song giữa việc dạy văn hóa và dạy nghề cho các em, giúp các em hòa nhập với xã hội, tự lo cho bản thân mình để không còn là gánh nặng của gia đình và xã hội.

Trong quá trình hình thành của trường đã trải qua nhiều thăng trầm thì đến nay trường cũng đã tròn 30 năm và dần dần phát triển ổn định, đạt được sự tin tưởng, tín nhiệm của các bậc phụ huynh và xã hội.

Trường khuyết tật tình thương Mỹ Lâm do linh mục Giuse Nguyễn Văn Việt xây dựng và thành lập 1994 với mục đích là giáo dục và chăm lo cho các em học sinh khuyết tật.

Trong năm học 2024-2025 trường khuyết tật tình thương Mỹ Lâm có bao nhiêu học sinh, giáo viên và có đổi mới như thế nào trong công tác giảng dạy?

Năm nay, trường khuyết tật tình thương Mỹ Lâm có 160 học sinh, 11 lớp học, 12 giáo viên. Hiện trường dạy các em theo chương trình tiểu học từ lớp 1 đến lớp 5. Thầy, cô giáo viên của trường có trình độ chuyên ngành sư phạm tiểu học.

So với trước đây cơ sở vật chất của trường đã tương đối đầy đủ hơn, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt của trường; còn về chất lượng giảng dạy thì cũng được nâng cao, có nhiều phương pháp mới được áp dụng, dụng cụ đồ dùng trực quan để dạy học cũng đầy đủ và phong phú giúp các em học sinh dễ hiểu và nắm bắt kiến thức nhanh hơn.

Ngoài việc tiếp thu kiến thức văn hóa thì các em được nhà trường dạy nghề và kỹ năng sống ra sao?

Ngoài việc dạy văn hóa, trường còn hướng nghiệp cho các em với các nghề gồm: may, thêu tay, làm khung tranh, làm tranh đính đá, học hội họa…Bên cạnh đó, trường dạy các em kỹ năng sống gồm: kỹ năng để tự phục vụ bản thân, kỹ năng giao tiếp và kỹ năng xã hội…

Nhà trường còn tổ chức các hoạt động khác để các em có tinh thần đồng đội như thi đấu thể thao, văn nghệ, thi viết chữ đẹp, thi nấu ăn, tổ chức những trò chơi dân gian, lao động chung…

Qua những hoạt động như thế đã giúp các em tự tin hơn, tự khẳng định chính mình có thể hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao và các em cảm thấy vui thích khi được đến trường.

Các em học sinh bị khuyết tật thì sẽ gặp khó khăn như thế nào trong quá trình tiếp thu kiến thức, cũng như việc giảng dạy của các thầy, cô?

Các em tiếp thu kiến thức rất chậm, sự hiểu biết của các em cũng rất hạn chế. So với chương trình tiểu học bên ngoài thì các em chỉ cần học từ lớp 1 đến lớp 5 là 5 năm thôi, nhưng mà riêng các em khuyết tật của trường ví dụ các em khiếm khuyết về nghe nói thì phải học xuyên suốt 11 năm, còn những em tự kỷ, chậm phát triển trí tuệ thì thời gian không thể cụ thể được.

Thế nên việc giảng dạy các em đòi hỏi người giáo viên phải hết sức nhẫn nại và kiên trì, kiến thức phải được lập đi lập lại nhiều lần để giúp các em nhớ nhiều hơn, để các em tiếp thu tốt hơn.

Ngoài việc dạy văn hóa, trường còn hướng nghiệp cho các em với các nghề gồm: may, thêu tay, làm khung tranh, làm tranh đính đá, học hội họa…

Các em học sinh sau khi tốt nghiệp ra trường đã vững vàng kiến thức và ổn định cuộc sống ra sao?

Nhiều em học sinh khuyết tật khi ra trường đã tìm được việc làm ổn định để tự lo cho bản thân và gia đình của mình. Một số em hiện nay đang làm việc tại các thành phố lớn như: Tp HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Phú Quốc, Cà Mau…

Các em làm việc rất tốt và khi những em ấy về thăm trường đã cho biết mức thu nhập từ 5-6 triệu/tháng và có em thì trên 10 triệu/tháng tùy theo khả năng của từng em. Thầy cô trong trường thấy rất vui bởi các em đã có việc làm ổn định, đó cũng là sự thành công của người giảng dạy khi đã nhìn thấy được tương lai của các em.

Nhiều năm qua nguồn kinh phí từ đâu để nhà trường có thể duy trì hoạt động giảng dạy các em học sinh khuyết tật và chăm lo đời sống của giáo viên?

Nguồn kinh phí đầu tiên là từ các hoạt động của nhà trường gồm: may, thêu, chăn nuôi, trồng trọt…Từ khi trường thành lập và phát triển đến ngày hôm nay, nhà trường nhận được rất nhiều sự đồng hành, chung sức của mọi người, các cấp chính quyền thì đã luôn tạo điều kiện để nhà trường công tác tốt, phụ huynh rất đồng tình, mạnh thường quân xa gần giúp đỡ rất nhiều về mặt tinh thần và vật chất cho nhà trường.

Trong tương lai nhà trường mong muốn điều gì để công tác giảng dạy các em được tốt hơn?

Nhà trường mong rằng sẽ có nhiều người cùng chung tay hỗ trợ và chia sẻ đóng góp, tạo điều kiện để nhà trường có thể chăm lo cho các em tốt hơn.

Thầy cô cũng chỉ có thể góp công sức của mình, vậy nên rất mong rằng sẽ có nhiều người cùng cộng tác, cùng chung tay để giúp trường, giúp các em khuyết tật ngày càng có điều kiện phát triển tốt hơn.

PV: Cảm ơn sơ Phạm Nguyễn Minh Hiếu.

Một năm học mới lại bắt đầu tại trường khuyết tật tình thương Mỹ Lâm, huyện Hòn Đất, tỉnh Kiên Giang - một ngôi trường với nhiều điều đặc biệt. Nơi mà những đứa trẻ kém may mắn và bị tổn thương trong quá khứ đang từng ngày được bù đắp, chữa lành bằng tình yêu thương từ những người xa lạ.

Em Nguyễn Văn An - một cậu bé chậm phát triển, bị cha mẹ bỏ rơi từ khi chỉ mới 4 tuổi. Lênh đênh giữa dòng đời, An được công an gửi gắm đến trường khuyết tật tình thương Mỹ Lâm để học và được các thầy cô nuôi dưỡng, chăm sóc cho đến nay.

Qua 13 năm dưỡng dục của thầy cô, An năm nay đã 17 tuổi, hiểu biết và hoạt bát hơn so với những trẻ bị bệnh cùng lứa. Gặp tôi, An kể rất nhiều về quá khứ của mình, về quãng thời gian thầy cô đã dạy dỗ. An gọi những người cưu mang em là cha, mẹ và xem trường là nhà.

Chuyện của An là những “nốt trầm” ở quá khứ, nhưng với An hiện tại tổn thương ấy đã lành, bởi em có một ngôi nhà mới với đầy ắp tình yêu thương: “Hồi nhỏ cha mẹ bỏ con từ lúc 4 tuổi, rồi công an mới gửi con cho sơ Hồng. Sơ Hồng giờ là mẹ của con, công an xã Mỹ Lâm là cha của con, còn trường này là nhà của con. Thầy cô thương con nhiều lắm, giúp đỡ cho con học nên người tốt. Sau này con lớn con sẽ tự lập con làm kiếm tiền con sẽ giúp đỡ các em học sinh và biết ơn các thầy cô.”

Qua 30 năm hoạt động, trường khuyết tật tình thương Mỹ Lâm đã dạy dỗ, cưu mang hàng ngàn đứa trẻ bị khiếm khuyết trưởng thành, có nghề nghiệp ổn định và không còn là gánh nặng của gia đình, xã hội.

Thành quả ấy một phần là công lao của những thầy cô đã không ngại nắng mưa, vất vả, kiên nhẫn lắng nghe, đồng hành cùng các em trên hành trình vun đắp kiến thức và phần còn lại cũng chính là sự nổ lực không ngừng nghỉ của các em khi đã vượt qua giới hạn của bản thân, chiến thắng nghịch cảnh để có thể dám ước mơ giống như bao đứa trẻ bình thường khác.

“Mấy thầy cô tận tình lắm, con chị học biết được nhiều hơn. Về nhà cũng lễ phép ngoan hơn, chứ ngày xưa con chị bị chậm phát triển ở nhà có nói chuyện gì đâu. Bây giờ về biết dạ thưa cha mẹ, cha mẹ làm gì là con cũng biết làm theo.”

“Rất an tâm, rất hài lòng, các thầy cô rất tâm huyết. Nói chung là ở Kiên Giang có một trường tốt như thế này thì cũng mong các mạnh thường quân giúp đỡ để tụi nhỏ và các thầy cô an tâm hơn, phát triển cơ sở để nhận các em khuyết tật được học nhiều hơn.”

Qua 30 năm hoạt động, trường khuyết tật tình thương Mỹ Lâm đã dạy dỗ, cưu mang hàng ngàn đứa trẻ bị khiếm khuyết trưởng thành, có nghề nghiệp ổn định và không còn là gánh nặng của gia đình, xã hội

Theo các thầy cô đang công tác tại trường khuyết tật tình thương Mỹ Lâm, để các em không còn chịu nhiều thiệt thòi, nhà trường đã tạo điều kiện để giáo viên được nâng cao chất lượng chuyên môn, phương pháp giảng dạy sao cho phù hợp với các em, giúp các em dễ hiểu và tiếp thu kiến thức. Dù trải qua rất nhiều khó khăn trong việc giảng dạy các em, nhưng đối với các thầy cô, những trở ngại đó sẽ hóa thành động lực và là niềm hạnh phúc đơn giản mỗi khi nhìn thấy các em khỏe mạnh, lễ phép, vững vàng cuộc sống sau khi ra trường.

“Rất thương các em vì các em đã kém may mắn rồi thì mình đến đây để bù đắp những gì cho các em đã mất mát. Điều hạnh phúc nhất là nhìn thấy các em ra trường, kiếm được việc làm có tiền và lập gia đình, sống hạnh phúc giống như những người khác.”

“Mong mỗi ngày giúp các em tiến bộ được một phần nào để các em hòa nhập được với cuộc sống. Bây giờ nhìn các em mình cảm thấy tự hào hơn vì mình là một giáo viên dạy các em khuyết tật, tự kỷ…rất khó, dạy được các em mình cảm thấy rất tự hào.”

Ông Diệp Quốc Phong, Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Hòn Đất đánh giá, trường khuyết tật tình thương Mỹ Lâm thời gian qua đã rất tích cực trong công tác giảng dạy, chăm sóc những trẻ em kém may mắn, góp phần giúp các em có trách nhiệm với bản thân và xã hội. Với những thành tích như thế, nhà trường và cá nhân nữ tu Nguyễn Thị Hồng, hiệu trưởng Trường khuyết tật tình thương Mỹ Lâm đã xuất sắc nhận bằng khen từ tỉnh Kiên Giang và Bộ lao động thương binh và xã hội trong công tác bảo trợ người khuyết tật và trẻ mồ côi.

Trong thời gian tới ông Phong mong rằng sẽ có nhiều sự quan tâm, đồng hành cùng nhà trường để các em có một môi trường sống và học tốt hơn.

“Ngôi trường khuyết tật tình thương Mỹ Lâm là một ngôi trường đặc biệt của các trường đặc biệt. Đặc biệt từ giáo viên, đặc biệt từ cơ sở vật chất và đặc biệt đến các em học sinh, những trẻ thiệt thòi nhất của xã hội. Do đó tôi mong muốn rằng quý thầy cô giáo sẽ cố gắng để chăm lo dạy dỗ cho các em và mong muốn rằng các cơ quan ban ngành của các địa phương, của huyện, những quý phụ huynh dành sự quan tâm đặc biệt, tình cảm đặc biệt đối với học sinh và trường.”

Dù số phận đã khắc nghiệt với các em khi sinh ra không được may mắn như bao đứa trẻ cùng trang lứa nhưng các em sẽ không cô đơn và chịu thêm thiệt thòi nào nữa. Vì đâu đó có rất nhiều tấm lòng sẽ luôn thấu hiểu và đồng hành trên chặng đường mơ ước của các em.