Đỗ Thị Ngọc Mãi – Bông hoa khuyết nghị lực

Về U Minh Hạ, hỏi thăm cô nữ sinh Đỗ Ngọc Mãi có lẽ không ai mà không biết, bởi cô gái ở độ tuổi 16 này khiến người ta phải nể phục bởi nghị lực vượt khó kiên cường của mình. Không may mắn như bao người, từ lúc sinh ra, Mãi đã không có đôi tay.

Cứ tưởng số phận đã an bài, nhưng cô gái đầy bản lĩnh Đỗ Ngọc Mãi lại không bỏ cuộc. Hành trình 16 năm kiên cường vượt khó đến lớp của bông hoa khuyết Ngọc Mãi sẽ là câu chuyện mà chúng tôi muốn gửi đến các bạn trong chuyên mục Cảm Hứng Mekong.

Với hai ngón tay không bình thường cùng cái cằm và xương đòn “hợp sức” lại để “cầm” viết, bé đã tập luyện có những dòng chữ đẹp từ khi học lớp mầm. Ảnh: Vietnamnet

Hai cánh tay ngắn, không bàn tay, vỏn vẹn có hai ngón cong vẹo, mọi sinh hoạt, học tập của Đỗ Ngọc Mãi, học sinh lớp 11C4 Trường THPT U Minh luôn gặp nhiều trở ngại. Vậy mà, chưa một ngày nào cô học trò nhỏ này có ý định bỏ cuộc trong hành trình chinh phục con chữ của mình.

Nhà nghèo, ba của Mãi hằng ngày đi làm mướn đủ mọi việc để cho con được đến trường. Lúc đầu, gia đình cứ nghĩ cho Mãi đi học biết chữ, nhưng sau này thấy cô bé học được và ham học nên gia đình cố gắng ngày 2 buổi đưa con đến trường.

Bị khiếm khuyết đôi tay nên Mãi chậm hơn các bạn khác. Tuy nhiên bằng ý chí và nghị lực vượt lên số phận, Ngọc Mãi đã tự rèn luyện để có thể viết nhanh hơn, đuổi kịp các bạn khác.

PV: Chào Mãi! Em hãy giới thiệu một lần nữa về bản thân cũng như hoàn cảnh gia đình của mình nhé.

Em là Ngọc Mãi, đang học lớp 11C4 Trường THPT U Minh. Gia đình em có 4 người, cha mẹ em, em và em trai. Ba em giờ bệnh nên chỉ có ở nhà thôi còn mẹ em cũng ở nhà đưa em đi học. Ba em bệnh về khớp nên làm nặng người sẽ đau và sưng lên nên ba không có làm nặng được. Giờ chủ yếu là dựa vào cái vuông ở đằng sau nhà thôi, bình thường cha em cũng làm trong cái vuông đó chứ không đi làm ở bên ngoài nữa.

PV: Em bị mất đôi tay như thế này là do bẩm sinh từ nhỏ hay có một sự cố nào không?

Cái này là bị từ trong bụng mẹ rồi. Ban đầu em cũng thấy buồn nhưng mà lúc sau em quen nên em cũng chấp nhận vậy thôi.

PV: Việc đi học của mình có gặp nhiều khó khăn không Mãi?

Dạ cũng khó khăn nhưng mà em được mẹ giúp đỡ nên là cũng thấy đỡ. Như vệ sinh cá nhân là em phải nhờ mẹ giúp đỡ, ăn uống thì em vẫn làm được một mình. Ngoài việc không tự chạy xe đến trường như mấy bạn được thì em thấy không có khó khăn lắm. Em viết bài bằng hai tay, em viết cũng kịp mấy bạn.

PV: Mãi có dự định gì cho tương lai của mình vậy em?

Em nghĩ là em lỡ học rồi thì em phải học cho tới để sau này em có được công việc theo ý của mình muốn để có thể phụ giúp cha mẹ. Nếu có điều kiện thì em muốn học ngành Sư phạm để sau này còn có một công việc ổn định. Nói giỏi thì cũng không phải nhưng em mà em thích nhất môn anh văn.

PV: Cảm ơn Mãi rất nhiều. Anh/chị chúc em luôn có nhiều sức khỏe, thật nhiều nghị lực để biến ước mơ của mình thành sự thật nhé.

Dù bị khiếm khuyết đôi tay, Mãi vẫn luôn nỗ lực học giỏi để hướng tới ước mơ trở thành giáo viên môn Anh Văn. Ảnh: Tiền Phong

Nhìn qua ô cửa sổ lớp học 11C4 Trường THPT U Minh, người ta dễ dàng bắt gặp hình ảnh của một cô học trò xinh xắn ngồi cặm cụi chép bài. Đó là Đỗ Ngọc Mãi – bông hoa khuyết nhưng đầy nghị lực của đất rừng U Minh. Không có đôi cánh tay từ lúc sinh ra, Mãi tự suy nghĩ và tìm ra cách cầm bút để viết bài.

Cô gái nhỏ đã dùng hai cánh tay bị khuyết cùng với cằm và xương đòn để nắn nót từng con chữ. Mới đầu, Mãi viết chậm hơn so với bạn bè nhưng dần quen, rồi cũng bắt kịp. Nhìn những nét chữ thẳng tắp, tròn trịa trên trang vở trắng mới thấy nể phục cô học trò nhỏ này.

“Em muốn đi học và gia đình em cũng muốn em tiếp tục đi học để sau này kiếm được việc làm. Cũng có những hoạt động chung mà em không tham gia được. Như là môn thể dục, mấy bạn tập thì em không có tập chung, em không đáp ứng được mấy môn đó thì em không thể tham gia như các bạn”, Mãi chia sẻ.

Hoàn cảnh gia đình khó khăn, chỉ có cha là lao động chính nên Ngọc Mãi không thể đi học thêm. Em chọn học theo các chương trình trên tivi để trau dồi thêm kỹ năng môn tiếng Anh mà mình yêu thích. Mãi sinh ra tại vùng sâu vùng xa nơi đất rừng U Minh hạ, gia đình chỉ có 2 công đất sản xuất nên điều kiện kinh tế khó khăn. Thấy con ham học nên cha mẹ Mãi luôn ủng hộ, động viên con.

Chị Nguyễn Thị Nhớ, mẹ em, ngày ngày bên cạnh việc lo toan việc nhà cùng 2 công vuông để thời gian cho chồng đi cưa keo lai, cưa tràm thuê kiếm thêm thu nhập thì còn đều đặn đưa, rước Mãi tới trường.

Nói về đứa con gái của mình, chị Nhớ chia sẻ: "Chị cũng đưa Mãi đi học chứ không có làm được gì hết, tại vì Mãi không làm được nên ở nhà lo cho nó. Tối ngày ở nhà đưa đi học. Thấy thì cũng buồn, không bằng bạn bằng bè mà nhờ Mãi nó chịu học nên cũng thấy an ủi phần nào. Cha của Mãi thì đi làm, bệnh cũng đi, lúc nào mệt thì ở nhà. Không có vụ đi chợ rồi mua thịt cá, mình tự kiếm cá ăn, rau thì ở nhà, rau đồng, rau ruộng mình đi hái chứ không có đi chợ mua hàng ngày như người ta. Cái nào hà tiện được thì hà tiện, nhịn tiền cho con đi học.

Nhiều khi có đoàn từ thiện vô cho gạo, cho quà thì trưởng Ấp cũng cho hay nhưng lâu người ta mới cho chứ cũng không thường xuyên. Năm cấp 2 cũng nhịn tiền mua cái xe 50 rồi trả góp từ từ rồi đưa đi học tới giờ. Cấp 1 thì chị đạp xe đạp, lên cấp 2 bắt đầu tiết kiệm mua, cái nào thiếu thì mình trả góp hàng tháng rồi mua được chiếc xe, chứ trường cấp 3 xa quá đạp không nổi.”

Ảnh: Cà Mau online

Chị Nhớ kể, chị đã từng rất đau khổ khi con mình sinh ra không được lành lặn như bao đứa trẻ khác, nỗi mặc cảm của con cũng là nỗi đau xé lòng của người mẹ. Những ngày con lên ba, lên năm, chị luôn là đôi tay của con, nâng đỡ, chăm sóc, không lìa xa con một ngày, một buổi. Rồi lớn lên, con đi học, người mẹ tảo tần lại trở thành đôi chân trong hành trình tìm chữ của con.

Thấy con từng ngày khôn lớn, từng ngày mạnh mẽ, kiên trì để vượt qua số phận khiến người mẹ như chị Nhớ thêm vững tin và tự hào. Và càng vui mừng hơn, khi người con gái 16 năm qua chưa bao giờ tự gội đầu cho mình được nay thường xuyên giúp chị quét nhà, dọn chén, chụm bếp lửa:

“Bình thường cha mẹ đi vắng, ở nhà em giúp được gì thì em sẽ làm. Em có một em gái mới 7 tuổi, em bé đó không phải là em ruột của em nhưng nó sống chung với gia đình nên là cha mẹ không có nhà thì em sẽ làm đồ ăn cho bé rồi giữ con bé thôi. Bé đó thì là con của em trai của mẹ em, tại Cậu đi làm nên gửi con cho mẹ em chăm giùm”, Mãi chia sẻ.

Dù chỉ mới nhận lớp gần 1 năm nay nhưng thầy giáo Trần Minh Hiếu – thầy chủ nhiệm của Ngọc Mãi vẫn luôn quan tâm, hỗ trợ cô học trò đặc biệt của mình. Hơn ai hết, người thầy giáo trẻ ấy vô cùng hãnh diện khi có được một người trò vừa dễ thương, chăm chỉ, vừa có thành tích học tập xuất sắc.

“Biết Mãi từ năm lớp 10 là bị khuyết tật ở hai cánh tay. Cũng khá là ấn tượng tại vì mặc dù bị khuyết tật nhưng Mãi có thành tích học tập rất tốt. Năm nay chủ nhiệm thì cảm nhận bé rất là hiền, dễ thương, hòa đồng với bạn bè trong lớp cũng rất là vui vẻ, thoải mái. Điều kiện sức khỏe không được như những bạn khác nhưng mà lúc nào cũng cố gắng trong học tập. Mình cũng cố gắng tạo điều kiện tốt nhất ở trên lớp, hỗ trợ về mặt học tập, tinh thần cho Mãi”, thầy Hiếu cho biết.

Không phải ai trên đời khi sinh ra cũng được lành lặn, khỏe mạnh. Điều quan trọng nhất là mỗi người sẽ đối diện với nó như thế nào, phải vượt qua số phận ra sao. Như cô gái này, Ngọc Mãi, đã chọn cho mình cách đối diện với cuộc sống bằng tinh thần lạc quan và nghị lực kiên cường nhất, bởi em biết chỉ có lạc quan, có nghị lực, có sự yêu thương mới giúp em có niềm tin để bước tiếp và bước xa trên hành trình đi tìm hoài bão của mình.