Đi tìm mùa len trâu

Cuộc sống ngày càng đổi mới, luồng hơi thở hiện đại đã chạm đến từng ngóc ngách nơi miền Tây sông nước, để rồi khi nhìn lại bỗng thấy sung túc hơn nhưng vẫn chưa đủ đầy dư vị. Mùa len trâu dạo trước cũng vì vậy mà trở nên hiếm hoi, khó tìm như một thứ quà quê xưa cũ giữa lòng hiện đại…

Nhắc đến “Mùa len trâu” không thể không nhắc đến “ông già Nam Bộ” Sơn Nam - một nhà văn, một nhà Nam bộ học, một nhà văn hoá với tập truyện “Hương rừng Cà Mau” - một tập truyện đặc sắc viết về con người và ền đất Nam bộ.

Truyện ngắn “Mùa len trâu” được in trong tập “Hương rừng Cà Mau”, xuất bản lần đầu năm 1962. Hơn nửa thế kỉ sau, đọc lại “Mùa len trâu”, như thấy cả bóng dáng của vùng Tây Nam bộ ở thời khắc hiện tại. Một vùng đất trù phú, màu mỡ nhưng cũng nhiều khắc nghiệt với những con người chất phác, bộc trực mà không kém phần hào sảng.

Mùa len trâu là bức tranh thiên nhiên vô cùng đặc biệt của mùa nước nổi ền Tây Nam Bộ. Ảnh: Đại đoàn kết

Theo nhà văn Sơn Nam, "len" trong tiếng Khmer có nghĩa là đi tự do, "len trâu" là cho trâu đi tự do. Hàng năm, vào mùa nước nổi, nước dâng cao nhất đến 4m, người không có chỗ ở và trâu cũng không có chỗ ở. Vì vậy, phải đưa trâu đi chỗ khác. Đi đến chỗ này, nước lên, lại đưa đi đến chỗ khác, cao ráo hơn, xanh cỏ hơn.

Nhà nghiên cứu văn hóa Hồ Nhựt Quang cho rằng: "Chỉ có vùng Tây Nam Bộ mới cho len trâu, đó là do địa văn hóa đã sinh ra cái nghề. Để tồn tại thì bắt người ta phải suy nghĩ ra cái nghề khi có lũ…"

Lần tìm theo êu tả trong tác phẩm “Mùa len trâu”, chúng tôi tìm về những cánh đồng đầu nguồn ệt An Giang, Đồng Tháp, chỉ mong gặp lại hình ảnh của những đàn trâu băng băng đồng nước của hàng thập kỉ trước. Theo những người nông dân cố cựu, muốn đi tìm hình ảnh len trâu phải đi vào tận đồng sâu, ngóc ngách. Bởi, những đoàn len trâu giờ đây chỉ hiếm hoi còn ở các vùng biên như: Bình Phú, huyện Tân Hồng hoặc ở Thường Thới Tiền, huyện Hồng Ngự.

Cho tới bây giờ, người ta không biết nghề len trâu có từ khi nào. Chỉ biết rằng, khi con nước nhảy bờ thì mùa len trâu cũng bắt đầu từ đó. Mấy tháng lũ về, nước dâng cao từ 1 đến 4m suốt mấy tháng liền, khắp nơi ngập trong một màu nước nâu ngầu đục.

Không có cỏ cho trâu ăn, người nông dân phải lùa trâu đến những vùng đất cao hơn tìm cỏ, đồng thời cũng là để trâu nghỉ ngơi, lấy lại sức chờ nước rút. Không chỉ trâu nhà mà còn là trâu làng xóm, mỗi đàn lùa đi từ vài chục đến vài trăm con, đi hết đồng này, ngập nước hết cỏ, rồi lại kéo nhau sang đồng khác, có khi đến 3-4 tháng mới về.

Ông Lê Văn Lam, ngụ tại huyện Tân Hồng – Đồng Tháp chia sẻ: "Hồi đó trâu cũng như tài sản của một nhà. Không cần có ruộng. Có trâu là có lúa, có tiền xài được rồi. Giống như bây giờ có máy cày vậy . Hồi đó có nhà nhiều là tới mấy chục con trâu. Trâu kéo cá qua tới Tam Nông mấy chục cây số, kéo bằng những chiếc xe 2 bánh gỗ. Rồi kéo lúa cũng bằng chiếc xe đó".

Đoàn len trâu cứ vậy phà phà băng qua những đồng nước. Đàn trâu bì bõm tiến về phía trước, theo con đầu đàn. Ở khu vực Thường Thới Tiền này, thường có một người đàn ông chừng tuổi 60, nước da ngâm đen, sạm nắng đang chỉ huy đoàn len trâu cùng với gần chục thanh niên lực lưỡng. Ông tên Trần Văn Lực (Hai Lực), quê gốc ệt Hòn Đất (tỉnh Kiên Giang).

Hơn 40 năm làm nghề nuôi trâu, ông Hai Lực đã lang bạt qua các cánh đồng ngập nước. Đàn trâu này có tới năm, bảy đàn nhỏ nhập lại thành đoàn, len chung để tiện bề quản lý, giúp đỡ lẫn nhau. Các đàn trâu từ cửa khẩu Thường Phước, vùng biên giới Hồng Ngự cũng chạy nước về nhập đoàn.

Một đoàn len trâu băng đồng nước ở Đồng Tháp. Ảnh: Thanh niên

Nhớ cái cảnh mùa len trâu hằn sâu trong ký ức. Một người có thâm niên nhất sẽ chỉ huy, ngồi trên lưng con trâu mộng đầu đàn, phát tay ra hiệu cho mấy thanh niên phía sau len đàn trâu tăng tốc. Cả cánh đồng nước bị một trận càn quét dữ dội của “đội quân” trâu.

Người len trâu thúc đôi chân thình thịch vào hông con trâu đực đầu đàn. Nó rống to, lao mình chẻ nước như ra lệnh, thì cả bọn trâu lâu la phía sau cũng đồng loạt rống theo rồi tiến lên phía trước. Tiếng chân trâu đạp nước sồn sộn, dập dồn. Bùn, sình cuộn lên từ đụn lớn, lan ra tứ phía. Mặt nước đen ngòm.

Độ một giờ đồng hồ sau, đàn trâu đã tới được một vạt đất cao còn xót lại trong mùa nước nổi. Cạnh đó có một gò đất, nhô lên giữa cánh đồng nước nổi mênh mông. Những đoàn len trâu khi qua bãi này thường dựng lên một chiếc chòi ngay trên gò đất, dưới tán một cây me cổ thụ để có chỗ ngả lưng, ăn ngủ giữa đồng.

Con trâu luôn là tài sản quý nhất của người nông dân, bởi có trâu mới có đất cày, có trồng lúa, người ta mới có cái ăn, cái no từ ngày xửa ngày xưa. Bởi thế những chú trâu được người dân đối đãi và chăm sóc vô cùng chu đáo và tử tế. Buổi tối, người ngủ sao cũng được chứ trâu là phải được đốt rơm hun khói, mắc mùng, muỗi vùng này to như ruồi, sau một đêm hút máu có khi trâu lại gầy nhom.

Anh Phạm Văn Tín, ngụ Thường Thới Tiền – Đồng Tháp bộc bạch: "Con trâu lùa về là lúc nào tôi cũng phải tắm rửa cho sạch sẽ. Cỏ cho ăn no, ăn dặm, ăn đêm cho no. Có thể nói tôi cưng là ngang ngửa với vợ tôi luôn. Bởi vì trâu mình nó tốt, nó giỏi."

Tắm trâu. Ảnh: Thanh niên

Đàn trâu sau bữa ăn no nê cũng tìm chỗ tránh nóng, đi theo lớp lang trật tự hẳn hoi, rồi thấy chỗ nước nông thì trầm mình xuống, nghỉ ngơi tận hưởng sự mát mẻ của đồng nước giữa cái nắng trưa.

Cái nghề len trâu cũng lạ, đã dính vào là dính cả đời, từ đời này sang đời khác. Có không ít người đã có hơn 50 năm len trâu khắp đồng nước Hồng Ngự, Tân Châu, Tân Hồng... Gần như dân len trâu nào cũng đặt tên cho trâu như người ngoài phố đặt tên cho chó, cho mèo vậy. Thấy cái gì hay hay thì đặt tên: cái bay, cái xe, cái nhẹ... Thấy dáng trâu sao đặt tên vậy: đực mẫm, đực ú, sừng âu, sừng bẹt, sừng gút...

Hay có người vì quá mê cờ tướng nên đặt tên cho đàn trâu của mình đủ bộ tướng, sĩ, tượng, xe, pháo, mã... Những chú mục đồng nơi đây chỉ mới 10-12 tuổi mà đã có thâm niên 5-6 năm theo đàn trâu đi khắp xứ. Cũng tội nghiệp, vì mê trâu, mê cái nghề cha truyền con nối mà đứa nào cũng chịu cảnh thất học. Bọn nhỏ cưỡi trâu như những chú mục đồng tranh dân gian bước ra đời thực. Bọn trẻ phi nước đại chạy đua với nhau trên lưng trâu rồi tắm táp, bắt bọ chét cho trâu giữa đồng nước.

Thấy được khung cảnh này mới hiểu vì sao bọn trẻ lại ưng nghề trâu đến vậy. Chỉ cần lớn tiếng gọi tên là con trâu ngoan ngoãn chạy lại gần với chủ, mặt trời vừa chìm là bọn trẻ nhanh chân nhanh tay đứa đốt rơm, đứa giăng mùng cho trâu một cách thuần thục. Mới lên chín lên mười mà chúng được cha mẹ cho làm chủ đàn trâu mỗi con cả ba bốn chục triệu đồng để đi ệt mài tìm đồng xa mấy tháng mới về, mới hay nghề len trâu cũng lắm công phu và cần cái chuyên nghiệp.

Những chú mục đồng mùa len trâu - Ảnh: Tuổi trẻ cuối tuần

Người ta nói len trâu là nghề hạ bạc, rong ruổi khắp xứ, vất vả lắm. Trong mấy tháng mùa nước nổi, người đi len trâu ở suốt ngoài đồng. Ấy vậy mà không ai chịu bỏ nghề đâu, bởi cái nghề này không phụ người, cũng đem đến một nguồn thu nhập ổn định.

Ông Đinh Văn Chên, quê ở tận huyện Phú Tân – tỉnh An Giang cho biết: "16 tuổi ra làm ruộng rồi sống luôn với trâu, với bò tới giờ lúc có máy cày luôn. Chăn trâu, chăn bò cực lắm, nhưng mà làm như nó ghiền vậy, nó có cảm hứng, nên không thấy vất vả nữa".

Những đàn trâu được len từ cánh đồng này sáng cánh đồng khác, mỗi khi đến vùng đất mới, những người len trâu lại có thêm bè bạn. Có lẽ với chất hào sảng, nghĩa tình vốn có của người nông dân ền Tây khiến họ yêu thương, gắn bó và sẵn sàng giúp đỡ nhau. Giữa trưa, khi những đàn trâu đang len ngoài đồng thưởng thức cỏ tươi, thì những người đàn ông cũng bắt đầu làm mồi nhậu để lai rai vài xị đế.

Kể về đời len trâu, Sơn Nam đã từng viết: “Người len trâu tạm nghỉ ngơi vài ngày. Mấy tay rìu đốn củi gần đó tụ họp lại làm quen, đánh bài cào, uống rượu, đốt lửa lên bàn chuyện tiếu lâm. Lắm khi họ sắp đặt công việc đi ăn cướp, ăn cướp kẻ khác và ăn cướp lẫn nhau. Mấy tay len trâu giựt tiền của tay rìu; mấy tay rìu xúm nhau giựt trâu của mấy tay len. Ấy mới thấy, đời len trâu cũng nhiều nỗi nhọc nhằn, bất trắc!"

Khi nước đã rút hết, cũng là khi mùa len trâu kết thúc. Cánh đồng giờ đây hiện ra với khung cảnh yên bình, tuyệt đẹp đến say lòng. Những chú trâu đang nhở nha trên ruộng lúa chỉ còn trơ gốc rạ, đó đây làn khói đốt đồng lan tỏa không gian như lắng đọng dư vị an nhiên, tĩnh tại sau một mùa len trâu chạy lũ.

Ngày nay, cơ giới hóa đã len lỏi vào tận những cánh đồng xa nhất. Mai này, liệu hình ảnh của những mùa len trâu có thể tìm thấy, hay chỉ còn trong dĩ vãng, trong những áng văn chương?

Như một ai đó đã từng nói: “Cũng như bốn mùa trời đất, cuộc sống luôn luôn thay đổi và có những điều, dù đẹp đẽ, quen thuộc đến đâu nhưng sẽ bị mất đi để nhường chỗ cho những điều mới mẻ hơn. Những mùa len trâu của ền biên ải Tây Nam này cũng vậy.

Dù những người nông dân, cánh đồng, mùa nước lên và xuống hay thậm chí cả đàn trâu vẫn còn nhưng những mùa len trâu thì mãi mãi chỉ còn là ký ức. Ký ức của một thời như gần, như xa”.