Đi chợ Tết nay nhớ chợ Tết xưa

Cứ vào cuối tháng Chạp hàng năm, khi người người, nhà nhà rộn ràng lặt lá mai, trang hoàng nhà cửa đón Tết cũng là lúc những ngôi chợ khoác lên mình bộ áo mới.

Chợ Tết - nơi người ta cảm nhận không khí ngày xuân mang dấu ấn đặc trưng của mỗi vùng ền. Đi chợ Tết là ký ức khó phai trong lòng mỗi người bởi nó chứa đựng những háo hức, mong mỏi và hy vọng về một năm mới no đủ, hạnh phúc.

Ngày Tết ở quê không đâu vui bằng chợ. “Chợ Tết” cách gọi ngắn gọn nhưng gợi lên trước mắt mỗi người hình ảnh nhộn nhịp, hối hả những ngày cuối năm. Những sản vật ngon nhất, đẹp nhất được bà con đem ra trưng bày, mua bán từ thịt, cá, bánh trái tới hoa kiểng.

Có thứ sản xuất tại địa phương, có thứ mang từ nơi khác tới. Không khí mua bán lúc nào cũng tấp nập, khẩn trương nên ngày ngày xưa, người ta ví chợ Tết như ngày hội.

Hoa cúc vạn thọ, mặt hàng đặc trưng của chợ Tết quê (Nguồn: Thanh Niên)

Chợ Tết thường bắt đầu từ ngày 23 tháng Chạp kéo dài đến tận chiều 30 Tết và thường nhộn nhịp nhất từ ngày 28 đến trưa 30 Tết. Người ra vô chợ tấp nập, chen chân mà đi, vậy mà vui. Chợ Tết xưa quý có lẽ vì cái gì ngon nhất, đẹp nhất luôn dành cho Tết. Có những gian hàng, những món ăn mà chỉ Tết mới có như: dưa hấu, tranh tết hay củ kiệu.

Ông Trần Ngọc Hưởng, ở Hậu Giang nhớ lại: "Hồi xưa chợ Tết thì mua dưa hấu đặng về cho con nó ăn. Nhất là con đông thì phải mua nhiều nhiều. Mua dưa vụn, dưa nhỏ, dưa nhì, dưa ba dìa đặng phân phát chia ra. Hồi xưa tới Tết mới được ăn dưa hấu, dưa kiệu, lạp xưởng đồ đó. Chứ ngày thường không có mà ăn nữa".

Khác với những phiên chợ ngày thường chỉ họp buổi sáng, hàng hóa ít, những phiên chợ tết, họp cả ngày, từ sáng sớm đến tối khuya. Hồi trước, những người buôn bán sẽ nghỉ Tết nên bà con rục rịch mua dự trữ thực phẩm từ sớm. Ở chợ Tết, tâm thế người mua, người bán cởi mở hơn, việc mua bán dễ dàng, nhanh chóng, ai cũng mang một một năm mới hanh thông.

Đi chợ Tết trở thành một phần quan trọng trong văn hóa người Việt. Không chỉ là nơi mua bán, trao đổi hàng hóa mà chợ Tết còn là nơi giao lưu tình cảm, thăm hỏi bạn bè, thân quyến. Người ta đến chợ Tết ngoài mua đồ thì còn là để chơi, để đắm mình vào không khí Xuân đang tràn ngập phố phường.

Ông bà ta thường nói “Muốn ăn Tết to phải lo đủ thứ…”. Để có cái tết tươm tất, ông bà cha mẹ xưa phải dành dụm cả năm trời. Cái gì ngon nhất, đẹp nhất thường để dành cho Tết. Bà Nguyễn Thị Hương ở Hậu Giang kể: "Tết nhà giàu thì cũng có một nồi thịt bự bự còn nghèo gì nghèo cũng 1 kg thịt, chục hột vịt. Cỡ 24-26 là có dịp đi chợ, coi bông. Bông hồi đó ít lắm, được có ngày tết hà. 27-28 là mới có bông rộ. còn như 25-26 chưa có bông đâu. Làm đa số nhà có người khéo tay làm bánh bông lan, mứt dừa. dừa cứng cạy đồ đó, mấy dì làm, chọc dừa xuống thì xắc tiếp, ngào".

Chợ Tết quê đáp ứng đầy đủ nhu cầu mua sắm của bà con. Người lớn thì mua thực phẩm, bánh kẹo đãi khách, còn con nít trông được đi chợ Tết để mua sắm, quần áo mới. được người lớn lì xì, được ăn uống “thả cửa” mà không “bị đòn”.  

Và đi chợ Tết ở vùng sông nước thời chưa có đường sá thuận tiện như bây giờ cũng có cái thú vị riêng. Ông Trần Ngọc Hưởng chia sẻ: "Hồi xưa đi xuồng chèo. Nếu đi chợ thì lâu lâu mới đi chợ một lần. Nếu mà Tết thì chèo xuồng, vợ con gì ra chợ ăn bún, ăn cháo. Tết là phải chợ đi đặng sắm đồ cho con. Nào ngay nghèo nghèo thì mỗi đứa có 1 bộ 2 bộ, nó mừng. Tết thì con nít thích tết để nó sắm quần áo, nó nôn nao hết trơn".  

Ảnh nh họa: CAND

Mua sắm chuẩn bị cho ba ngày Tết thường không phải chỉ để “có cái ăn”, mà đó là thói quen, phong tục đẹp được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Được theo người lớn đi chợ Tết là một niềm hãnh diện, kỷ niệm khó quên của những ai ở vùng sông nước. Chợ tết quê xưa, với trẻ con, nhìn cái gì cũng đẹp, cũng lạ mắt, cũng thích. Là được chen chúc nơi đông người mà chỉ cần nắm tay mẹ hoặc nắm tay nhau để khỏi lạc. Cái cảm giác được thử quần áo và mua ngay tại chợ cứ lâng lâng mãi trong lòng suốt đến mấy ngày sau.

Anh Minh Phúc nhớ lại: "Được mẹ cho đi cùng chợ Tết là một niềm vui lớn. Ði chợ Tết là dịp được thưởng thức một vài món rất ít khi được ăn trong năm. Tôi nghe được bao tiếng lao xao, giọng cười, lời chào hỏi rồi tiếng của gà, vịt,… Chẳng hiểu sao khi nhắc đến chợ Tết quê, ngoài phong vị mấy món ngon dân giã qua nhà, tôi lại thấy nhớ nhất những thanh âm tất bật đậm nét quê".

Khi xưa, hàng hóa ở chợ quê chưa nhiều như ngày nay nhưng chợ tết cũng bày bán khắp cả bên trong và bên ngoài chợ. Người bán che rạp quây quầy mứt bí, dừa, khoai lang, mứt me, hạt dưa. Hàng đường đậu nếp, thịt heo, đồ khô như táo tàu, bao lì xì, vải, quần áo… đông khách mua, bán đắt hơn tôm tươi. Chợ tết ở quê xưa còn có cả ông đồ bán những câu đối tết, có cả chữ nho và chữ quốc ngữ. Tôi còn nhớ hồi đó người ta còn bán lịch treo tường để coi ngày tháng, rồi hình các nghệ sĩ cải lương được in khổ lớn để phục vụ nhu cầu sưu tầm của những bà con mê vọng cổ, mến cải lương.

Chợ tết bây giờ đã có nhiều thay đổi để phù hợp với cuộc sống hiện đại. Việc chuẩn bị tết cũng trở nên dễ dàng hơn, chỉ cần một tiếng đồng hồ ra chợ hay vào siêu thị hoặc đơn giản là ngồi ở nhà đặt hàng là có đủ mọi thứ cần mua cho một cái tết sung túc.

Bà Nguyễn Thị Mận ở Bến Tre kể: "Hồi xưa, lối 20 là có quếch bánh phồng, bánh tráng vui. Bây giờ người ta làm sẵn cái ra mua không rồi không có như hồi xưa, thấy tiện hơn hồi xưa dữ lắm, không có thức đêm thức hôm. Hồi xưa thức đêm thức hôm quếch bánh phồng bánh tráng".

Không chỉ trên bờ mà chợ Tết cuối năm ở chợ nổi cũng nhộn nhịp không kém tạo nên nét đặc trưng sông nước. Hòa chung tiếng mua bán là tiếng cười nói vui vẻ, tạo nên không khí náo nhiệt. Nổi bật nhất là chợ hoa, chợ trái cây “trên bến dưới thuyền” làm nên nét đặc trưng của chợ Tết quê, nơi “họp mặt” của những vật phẩm dân dã, cây nhà lá vườn.

Nhịp sống hiện đại đã mang đến những cái Tết khác nhau, cách chơi Tết khác nhau. Dẫu vậy, nhiều người vẫn chọn và thích đi chợ Tết. Ở đó, người ta bày tỏ khát vọng về một cuộc sống ấm no, sung túc. Ở đó, người ta tìm thấy những giá trị tinh thần to lớn trong nét bình dị, chân chất của phiên chợ truyền thống. Tết vì thế cũng thêm phần ý vị hơn…thôi thúc mãnh liệt người ta tìm về với những giá trị văn hóa cội nguồn.