Đêm săn cá bông lau

Có lẽ, nhờ vào địa hình và những xoáy nước đặc biệt của dòng Vàm Nao mà nhiều loài cá sông đã về đây trú ngụ. Đã có thời, qua một đêm chòng chành trên sông nước, “thợ săn cá” hôm sau có thể mua được cả chỉ vàng 18.

 "Ở trên Châu Đốc ngó xuống Vàm Nao

Thấy con cá bông lau nó nhảy nhào vô lưới

Anh ngồi anh chắc lưỡi

Không biết chừng nào mới cưới đặng em?"

Câu hò xưa của giới vạn đò, thương hồ Tây Nam Bộ không biết đã có tự bao giờ nhưng chắc chắn rằng nó đã phản ánh rất sát về một loài thủy sản đặc hữu của con sông Vàm Nao dài chưa tới 7 cây số. Có lẽ, nhờ vào địa hình và những xoáy nước đặc biệt của dòng Vàm Nao mà nhiều loài cá sông đã về đây trú ngụ, trong đó có 2 loài cá được xếp vào dòng “huyền thoại kình ngư”: cá hô và cá bông lau.

Bởi là loài cá tự nhiên, có thịt thơm ngon, mỗi năm chỉ xuất hiện một lần nên những ai hành nghề “bà cậu” đều háo hức mong cho tới mùa để “săn cá”. Đã có thời, qua một đêm chòng chành trên sông nước, “thợ săn cá” hôm sau có thể mua được cả chỉ vàng 18.

Sông Vàm Nao. Ảnh: Thám hiểm Mekong

Giới hành nghề “hạ bạc” cho rằng, nói cá bông lau là một loài thủy sản đặc hữu của sông Vàm Nao là rất đúng, và cũng rất… không đúng. Bởi lẽ loài cá này phân bố rải rác khắp nơi. Từ sông Tiền, qua sông Hậu, từ ệt Kế Sách, Long Phú, đến Tân Lộc, Cầu Kè, Cổ Chiên… đâu đâu người ta cũng có thể giăng lưới bắt được loài cá này. Thế nhưng, có một điều đặc biệt mà những ai theo nghề “bà cậu” cũng thừa nhận là loài cá này đã chọn sông Vàm Nao làm nơi quần cư với mật độ nhiều hơn những khúc sông khác.  

Theo tài liệu ghi chép, bông lau là loài cá da trơn, thuộc chi cá tra. Loài cá này phân bố chủ yếu ở Đông Nam Á trong lưu vực sông Mê Kông. Bông lau là loài cá di trú, khi thì sống ở các vùng nước ven biển và một thời gian sau lại di cư vào sông Mê Kông để sinh sản. Đây là loài cá duy nhất trong họ cá tra có đặc tính di trú này.

Cá bông lau có kích thước lớn với chiều dài tối đa là 120cm, cân nặng tối đa có thể đạt khoảng 14 kg một con. Ở lưng và đầu cá bông lau có màu xanh lá cây, bụng màu trắng, vây hơi vàng, ánh lên những bông phấn, vì thế nên chúng có tên là “bông lau”. Cũng có người lý giải rằng, loài này cá này chỉ xuất hiện vào mùa gió chướng, khi đám bông lau bung nở trắng xóa bãi bồi nên người ta gọi là cá bông lau.

Có lẽ, hiếm có loài cá nào có sức hấp dẫn các nhà nghiên cứu như cá bông lau. Để tìm hiểu về nó, nhiều nhà nghiên cứu thủy sản, đến cả nhà văn, nhà văn hóa dân gian đã lặn lội từ đầu nguồn đến cuối nguồn sông Cửu Long ròng rã chục năm trời.

Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Nguyễn Hữu Hiệp từng chia sẻ đã mấy chục năm nhưng kỳ thực ông cũng chưa hiểu hết được tông tích cá bông lau: “Có một cái gì đó bí ẩn về đường đi nước bước của loài cá này. Xưa nay chưa ai thấy trứng cá bông lau bao giờ. Cũng chưa ai đánh bắt được con cá bông lau nào có trứng. Người ta cũng không biết cá bông lau được sinh ra từ đâu. Người thì quả quyết nó được sinh ra từ Biển Hồ của Campuchia như nhiều loại cá da trơn khác. Nhưng những người làm nghề đánh bắt cá lâu năm cho biết họ không thấy mặt cá bông lau ở Biển Hồ”.

Ông Phạm Phước Hận – một trong những tay săn cá bông lau có tiếng của ệt Cửu Long cho biết, hàng năm, khi nước dưới sông chuyển màu từ đục sang trong, khi con gió chướng bắt đầu thồng thộc thổi là lúc mùa cá sông nhộn nhịp. Trên dòng Vàm Nao, trước đây, ngư dân chia làm 3 bãi để đánh bắt gồm: “bãi trên” ngang chợ Mỹ Lương, phía trên sông Vàm Nao; “bãi giữa” từ Vàm Trước ngang Chợ Đình đến bến phà Thuận Giang; “bãi dưới” từ bến phà đến cuối sông. Bãi nào cũng có 40 – 50 xuồng lưới:

"Thường thường anh em cũng nhiều lắm, lớn lớn như tuổi tui vầy, giờ còn mình tui là lớn tuổi nhất cái bãi này. Hồi xưa, đi một dạo là 5-7 con. Giờ thì nhiều khi 5-10 bữa, nửa tháng không có cũng không chừng, có bữa thì nhiều, vô chừng lắm", ông Hận cho biết.

Cá bông Lau, nếu là con to có thể nặng trên 10kg. Ảnh: Lao động

Ông Hận cho biết thêm, trước đây, người ta săn bắt cá bông lau bằng nhiều cách, như: chài, lưới, câu cần và câu giăng nhưng hiện nay chỉ tồn tại một cách đánh bắt duy nhất là thả lưới. Thông thường mỗi ghe lưới “săn” cá bông lau phải cần từ hai người trở lên, một người bơi xuồng, người còn lại sẽ thả kéo lưới.

Cái nghề săn cá bông lau thành công hay thất bại nằm ở chỗ đón luồng gió thổi và canh con nước hừng. Người làm nghề “bà cậu” cứ theo con nước, chờ đúng thời điểm con nước đứng dòng đến khi con nước ròng thì thả lưới đón luồng, vậy là “chắc ăn như bắp”. Anh Nguyễn Hữu Minh, một tay săn cá ở Đồng Tháp chia sẻ thêm, qua mấy lần “để ý” cái tính nết của loài cá này, thì thời điểm đánh bắt lý tưởng là những con nước đêm:

"Đi thì mình canh theo nước, nước ròng mình đi, nước lớn thì mình thả giác mình về nước vừa nhóm ròng mình đi nữa. Một ghe mình đi 3 người. 3 người mới xoay sở kịp, chứ còn một người thì xoay sở không kịp. Thả lưới xuống thì mình có để đèn, khi cá dính vô lưới nó giật đèn xuống tới chừng đó mình mới phân ra mình bắt. Thả lưới trúng luồng cá nó đi một đêm mình có thể bắt được từ 8 đến 12 con. Cũng tùy có con 2- 3 ky, có con 6-7 cũng có", ông Hận nói.

Lưới thả cá bông lau, thường là lưới mắt lớn, mỗi tay lưới dài từ 300– 500m, dạo sâu khoảng 7m, tùy giăng sâu hay giăng cạn. Dân nhà nghề chia lưới ra làm 2 loại: Lưới đèn (có gắn đèn trên phao) dành bắt cá chạy luồng trên. Còn lưới ngầm thì cho lưới chìm sâu xuống nước, bắt được nhiều cá to. Thăm cá cũng là một điều thú vị, nếu lúc nào nước chảy mạnh thì thăm vài giờ một lần, còn nước chảy yếu thì giãn ra. Thường thì người ta thả lưới chừng 3-4 giờ đồng hồ và chờ nước nhửn ròng mới kéo lưới. Trong lúc được ngơi tay, những ngư dân cho xuồng cặp hông nhau trò chuyện. Họ pha trà, nướng mấy con khô, rồi lại lai rai vài ba ly đế cho ấm lòng giữa đêm sông sương xuống. 

Ảnh: Báo Cần Thơ

Theo ngư dân, mỗi năm cá bông lau xuất hiện một lần từ tháng 11 và kéo dài sang tháng 3, tháng 4 năm sau. Anh Nguyễn Hữu Minh cho biết, cách đây mấy chục năm, khi Vàm Nao còn là “ổ cá đồng” của ệt Tây Nam Bộ thì cứ vào mùa cá bông lau, lúc mặt trời chen lặn thì sông Vàm Nao lúc nào cũng rộn ràng con nước. Hàng trăm ngư phủ kéo nhau về đây thả lưới kín sông, cờ hiệu la liệt. Hôm nào “trúng mánh” bắt được con cá bông lau nặng 5 - 7 kg xem như có tiền triệu trong tay:

"Phần lớn là mình bán cho các nhà hàng, người ta đặt mối người ta mua. Ngày nào cũng vậy. Được 5, 10 con hay mười mấy con, nhà hàng nó cũng đặt hết. Cá bông lau tùy trừ chi phí một đêm tiền công này nọ hết còn được khoảng 1,5-2 triệu", anh Minh nói.

Ông Nguyễn Văn Hón đã gắn trọn cả đời mình với khúc sông Vàm Nao và những ngày rong ruổi “đuổi cá” ngót nghét 60 năm, từ thời ông còn trẻ, mỗi đêm thả 5-10 tay lưới đến tuổi xế chiều, ông vẫn xem đây là cái nghề nuôi sống mình.

Ông Hón tâm sự, ở Vàm Nao hiện nay chỉ còn 2 bến, mỗi bến đậu khoảng 30 đầu xuồng, khoảng 4 giờ chiều là mọi người rục rịch “lên đèn” cho chuyến “săn đêm”. Sông ngắn, xuồng đông, có khi ngư dân phải nằm chờ tài. Theo luật bất thành văn, người nào đến trước, thì được quyền thả trước, ai đến sau thì thả sau, mỗi luồng lưới cách nhau tầm 200m: "Ai tới trước bủa trước, ai tới sau bủa sau, ai cũng vậy. Con cá này thì nó vô an định đi từ dưới nó về, chứ không phải ở trên xuống, nó đi theo nước".

Đưa tay hút vội điếu thuốc còn cháy dở, ông Hón lui cui chuẩn bị mấy tay lưới chờ tài. Lão ngư ở cái tuổi “thất thập cổ lai hi” vẫn cười khề khà khi chúng tôi hỏi thả lưới sau thì còn cá đâu mà dính, mới vỡ lẽ, cái nghề này không phụ thuộc vào việc thả lưới trước hay sau mà chủ yếu là người có “tay sát cá” hay không. Nhiều lúc người thả trước, chọn địa điểm có đáy sông sâu, ít gốc cây nhưng lại dính ít cá hơn so với những người có tài “sát cá”.

Những ngày theo ghe chài lênh đênh trên con nước, chúng tôi được nghe nhiều tâm sự của ngư dân về giấc mơ của mình. Những giấc mơ giống nhau về một ngày nguồn cá tự nhiên sẽ dồi dào như những mấy chục năm trước, khi cá bông lau, cá hô, cá nược, cá đuối, cá tra dầu… cứ lũ luột kéo nhau về trú ngụ, sinh sôi, để người làm nghề “hạ bạc” vẫn còn níu kéo nợ duyên cùng sông nước, để những câu hò của giới thương hồ, vạn đò bớt cô đơn những ngày dọc ngang Vàm Xáng, Phú Tân:

"Ai về Ông Chưởng, Vàm Nao

Cho em hỏi con cá bông lau có còn…"