Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, mức tiêu thụ thuốc lá tại Việt Nam đang bắt đầu tăng trở lại. Trong khi đó, theo Tổ chức Y tế thế giới tại Việt Nam, mặt hàng thuốc lá là nguyên nhân gây 40.000 người tử vong vào năm 2006, cùng chi phí y tế có liên quan đến bệnh tật do thuốc lá gây ra là 1 tỷ USD.
Bà Đinh Thị Thu Thuỷ - Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế Bộ Y tế nêu thực tế: "Mỗi năm, Việt Nam có 40.000-70.000 ca tử vong sớm do sử dụng thuốc lá. Chi phí y tế do các bệnh liên quan đến thuốc lá tới 108 nghìn tỷ đồng, trong khi thu thuế từ thuốc lá chỉ là 17,6 nghìn tỷ, chưa bằng 1/5 chi phí y tế. Từ gánh nặng của bệnh không lây nhiễm, tăng thuế thuốc lá là phù hợp với định hướng, quan điểm của Đảng, nhà nước"
Trong khi đó, hiện, giá thuốc lá tại Việt Nam đang ngày càng rẻ so với thu nhập, dẫn đến sức mua thuốc lá tăng. Bác sỹ Trần Lâm, chuyên gia của Tổ chức Y tế WHO cho biết, Việt Nam thuộc nhóm các nước có mức thuế và giá thuốc lá thấp nhất thế giới.
Thuế thuốc lá của Việt Nam chỉ bằng 1/6 của Thái Lan. Số thu thuế từ thuốc lá quá thấp trong khi thị trường lại quá đa dạng, nhiều loại thuốc rẻ tiền, dẫn đến người dân và trẻ em dễ dàng tiếp cận và lựa chọn: "Có một vài đợt tăng thuế gần đây như năm 2016 và 2019 cũng có đợt tăng thuế nhưng rất thấp. Năm 2019, do mức độ thay đổi trượt giá nên mức độ tác động là hơn 500 đồng/ bao. Nhìn chung là nó không đáng kể.
Tác động của nó mang lại không nhiều, mặc dù cũng có một chút. Chúng ta thấy là giá thuốc lá ngày càng rẻ đi so với thu nhập ngày càng tăng và việc mua và sử dụng dễ dàng. Trong khi giá thuốc lá thời điểm đó là 2010 là 14.000 và 2022 là 21.900 và mức tăng chỉ khoảng hơn 50% thôi. Nhưng thu nhập đầu người tăng lên 300%. Đó là nguyên nhân lượng tiêu thụ thuốc lá tăng lên".
Theo đánh giá của TS Angela Pratt, Trưởng đại diện Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại Việt Nam, dù Việt Nam đã đạt được một số tiến bộ trong cuộc chiến chống tác hại của thuốc lá trong một thập kỷ qua song với xu hướng hiện tại sẽ không đạt được mục tiêu của Chiến lược quốc gia về phòng, chống tác hại của thuốc lá là giảm tỷ lệ hút thuốc lá ở nam giới xuống dưới 36% vào năm 2030.
Do đó, TS Angela Pratt khẳng định, tăng thuế thuốc lá là cách hiệu quả nhất để giảm tỷ lệ hút thuốc lá: "Từ năm 2022 đến năm 2023, tổng sản lượng sản xuất đã tăng hơn 10%. Chúng ta cần hành động mạnh mẽ hơn để giảm tỷ lệ sử dụng thuốc lá ở Việt Nam. Một trong những thách thức lớn nhất mà chúng ta đang phải đối mặt là thực trạng giá thuốc lá rất rẻ ở Việt Nam.
Trong những năm vừa qua, thuốc lá ngày càng trở nên phù hợp với túi tiền của người dân hơn bởi giá của nó vẫn được giữ nguyên, trong khi thu nhập lại tăng. Đây là điều chúng ta cần thay đổi. Tăng thuế thuốc lá là cách nhanh và hiệu quả nhất để đạt được mục tiêu này"
Tuy nhiên nhiều ý kiến cho rằng việc tăng thuế sẽ làm tăng buôn lậu. Trước vấn đề này, TS Angela Pratt khẳng định, bằng chứng cho thấy giá cả không phải là yếu tố dẫn tới hoạt động buôn lậu: "Nhiều người hút thuốc lá lậu sẵn sàng trả nhiều tiền hơn cho các nhãn hàng không có ở trong nước. Yếu tố quan trọng nhất để giải quyết tình trạng buôn lậu hoặc buôn bán thuốc lá bất hợp pháp là năng lực thực thi và nỗ lực của các cơ quan chức năng.
Khi giá thuốc lá tăng, mọi người sẽ chi tiêu cho các sản phẩm khác. Thêm vào đó, Chính phủ có thêm doanh thu để đầu tư trở lại vào nền kinh tế - vào các lĩnh vực như sức khỏe và giáo dục. Và không giống như thuốc lá, các lĩnh vực này sẽ làm tăng năng suất và tăng trưởng của đất nước".
Theo các chuyên gia, việc tăng thuế thuốc lá sẽ mang lại nhiều tác động tích cực, Giảm tiêu thụ thuốc lá sẽ giúp giảm tỷ lệ mắc các bệnh liên quan đến thuốc lá như ung thư, tim mạch. Ngoài ra, giảm tiêu thụ thuốc lá khi giá thuốc lá tăng sẽ khiến người tiêu dùng, đặc biệt là người có thu nhập thấp, hạn chế việc mua thuốc lá. Thuế thuốc lá còn là một nguồn thu quan trọng cho ngân sách nhà nước.
Do đó, chuyên gia kinh tế Đào Thế Sơn nêu quan điểm: "Việt Nam nên áp dụng thu thuế từ 2026 tức là áp dụng ngay. Thứ 2 là cần phải tăng hàng năm để chống xói mòn về lạm phát và thu nhập chứ không chỉ tăng 1 lần hay cách quãng như năm 2016 hay 2019 đều không đúng vì thu nhập lạm phát và thu nhập hàng năm đều tăng. Thứ 3 là để giảm thiểu tỷ lệ tiêu thụ thuốc lá trong chiến lược phòng chống tiêu thụ thuốc lá thì chúng ta cần phải tăng lên 15.000 đồng đến năm 2030"
Để đảm bảo sức khỏe cộng đồng và giảm lượng tiêu thụ thuốc lá, Bộ Tài chính đang trong quá trình lấy ý kiến góp ý vào Dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt sửa đổi. Với Dự thảo luật sửa đổi lần này, thuốc lá điếu được đề xuất tăng thuế từ năm 2026. Có ý kiến cho rằng, đề xuất tăng thuế thuốc lá lần này đã tiệm cận được với mức khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới.
Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng, cần áp thuế ở mức cao hơn. Vậy cần tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với thuốc lá ở mức nào? Nội dung này sẽ được phản ánh trong phần 2.